[PHẦN X] ĐÀO BAO NHIÊU HỐ THÌ TỐT?

1.2K 139 46
                                    

Đào bao nhiêu "hố" thì tốt?

Bất cứ ai cũng vậy, nhất là đối với những bạn trẻ đam mê viết lách thì việc nảy ra ý tưởng thường xuyên chẳng phải điều lạ. Và ý tưởng nào thì cũng hay, cũng lạ, đều có thể triển khai ra những câu chuyện tuyệt vời và hấp dẫn. Nhưng đến cả một người vừa chập chững viết lách cũng biết rằng để theo đuổi một câu chuyện dài của riêng mình là rất khó, có thể mất đến hàng tuần, hàng tháng hay thậm chí là hàng năm trời chỉ cho một câu truyện tâm huyết. Thế nhưng nếu nhỡ như bạn đang có quá nhiều ý tưởng thú vị, và bạn muốn triển khai tất cả chúng ra thành con chữ, câu truyện thì phải làm thế nào? Liệu bạn sẽ viết dàn trải hết tất cả hay chỉ pick một ý tưởng duy nhất và theo đuổi nó lâu dài từ đầu đến cuối? Và giả như bạn lựa chọn viết riêng một ý tưởng, nó sẽ có tác dụng gì? Nếu bạn quyết định viết dàn trải tất cả các ý tưởng, sự lợi – hại ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

Viết dàn trải các ý tưởng, đào nhiều hố cùng lúc

Dạo gần đây mình thấy khá nhiều bạn trẻ lựa chọn cách này để viết truyện. Tức là khi có quá nhiều ý tưởng hoặc nảy ra ý tưởng bất chợt nào, các bạn cũng đều xây dựng thành hình cho nó và rải đều thời gian viết của mình cho nhiều câu chuyện khác nhau. Cách làm này trông có vẻ "tiết kiệm" thời gian hoàn thành tác phẩm hơn cho bạn, chỉ trong cùng một thời gian viết truyện hoặc kéo dài nhỉnh hơn một chút, thì tác giả có thể hoàn thành những 3 hay 5 truyện thay vì chỉ có một câu chuyện dài. Nhưng điều này có thực sự là tốt không?

Ưu điểm:
Ưu điểm của cách viết này là bạn có thể thay đổi cảm hứng tuỳ ý, và có thể (có thể) sẽ giảm bớt thời gian write block nhờ việc nếu bí ý tưởng; plot truyện của bên này thì có thể "nhảy" sang bên kia để viết do dễ có hứng thú hơn. Ngoài ra, việc theo cách viết dàn trải ý tưởng cũng có thể giúp tác giả hoàn thành cùng lúc hoặc chênh lệch không nhiều những câu chuyện đặc sắc khác nhau. Đối với những bạn trẻ có danh sách ý tưởng dài đến nỗi nếu không ghi lại thì sẽ quên béng mất, thì đây quả thực là một cách viết ấn tượng, ưu việt và tiết kiệm thời gian cũng như thoả mãn hứng thú nhanh nhất.

Nhược điểm:
Nhưng có thật điều đó là tốt nhất không? Mình cho là cách viết này chỉ thích hợp với những tác giả lâu năm, có sức viết đều đặn và dày hơn là những bạn viết nghiệp dư chỉ có thể sử dụng một chút thời gian rảnh rỗi để theo đuổi đam mê viết truyện. Ngoài ra, việc viết rải rác như thế RẤT DỄ dẫn đến việc ngắt mạch ý tưởng hoặc làm cạn kiệt cốt truyện. Nghĩa là bạn sẽ phải phân plot cho 3-5 câu truyện khác nhau: từ việc world buiding (nếu như viết thể loại fantasy, ci-fi, mystery...) cho đến xây dựng nhân vật, lên cốt truyện (mốc tình tiết và các chi tiết), xây dựng twist plot cho đến chuyện phân bổ thời gian để viết. Hãy thử tưởng tượng bạn phải lên plot cho 2 câu truyện cùng lúc với hai chủ đề không giống nhau và cố gắng làm cho chúng có những điểm nhấn khác nhau xem, rất khó đúng không?

Việc viết dàn trải cũng dẫn đến sự rập khuôn trong cách viết, văn phong hay xây dựng không khí bối cảnh. Tại sao à? Về cơ bản mỗi câu chuyện đều có một bối cảnh khác nhau và không khí truyện khác nhau nốt, khi viết theo kiểu "nhảy nhịp" như thế thì dĩ nhiên bạn sẽ rất dễ bị "lẫn nhịp". Từ đó trong các câu chuyện cũng chỉ có không khí na ná như nhau hay thậm chí là lẫn lộn các chi tiết, tình tiết...của nhiều truyện lại với nhau. Tệ hơn, những tác giả không chuyên viết chưa chắc tay còn có thể khiến nhân vật của mình; bối cảnh của mình bị lẫn lộn vào nhau, dẫn tới việc các câu truyện đều "xêm xêm" nhau và thiếu sức sống cũng như nét đặc điểm riêng.

Một nhược điểm khác nữa là cách viết này có thể khiến bạn cạn ý tưởng khi phải suy nghĩ cùng lúc cho nhiều câu chuyện khác nhau, việc cập nhật truyện cũng trở nên ngắt quãng và rất có thể quên tình tiết, khiến mạch truyện trở nên gãy vụn, không mạch lạc. Những nhược điểm này cũng là lý do khiến cho nhiều bạn trẻ dù có rất nhiều ý tưởng, đào nhiều hố nhưng mỗi hố chỉ được vài chương ngắn ngủi rồi lại...drop hoặc unpub truyện.

Con dân chuyên cần, quyết đào...một hố

Vậy còn đối với việc chỉ đào duy nhất một hố từ đầu tới cuối, rồi chuyên tâm lấp hết hố này mới sang hố khác liệu có tốt hơn không?

Ưu điểm:
Điều đầu tiên đáng tuyên dương cho cách làm này là có thể đẩy sự logic và liên kết mạch truyện lên mức cao nhất, cũng như có thể giữ vững không khí của truyện xuyên suốt từ đầu đến cuối. Việc viết duy nhất một truyện cũng giúp bạn có nhiều thời gian xây dựng sườn truyện chi tiết hơn, logic hơn và chọn lọc, thêm thắt các chi tiết đắt giá cho câu chuyện của mình.

Các nhược điểm khi viết dàn trải cũng được khắc phục: không làm mất không khí trong truyện, đủ thời gian sáng tạo và gây dựng pro5 nhân vật, không bị lẫn nhịp...

Đeo đuổi một truyện dài cũng trở thành một thử thách tốt cho việc viết lách của bạn, tính kiên trì sẽ sớm được tôi luyện và dễ dàng giúp bạn viết chắc tay hơn do dành nhiều thời gian chỉnh sửa và thêm thắt cốt truyện.

Nhược điểm:
Tuy nhiên, không hẳn là cách viết này trở nên hoàn hảo hơn so với việc viết dàn trải. Bởi lẽ về cơ bản, viết duy nhất một truyện sẽ khiến bạn cảm thấy chậm nhịp hơn hẳn và không triển khai được các ý tưởng thú vị hơn. Và dĩ nhiên, viết một truyện duy nhất cũng khiến bạn hao tâm tổn sức hơn và đòi hỏi sự đam mê nhất định cho cốt truyện, đủ để ngồi hàng tháng trời chỉnh sửa lại từng chi tiết nhỏ nhất hoặc dành cả ngày chỉ để lập lại dàn ý; sườn truyện sao cho chi tiết; tỉ mỉ nhất.

Viết một truyện cũng thử thách lòng kiên nhẫn khá nhiều trong trường hợp bạn bị write block mà...không dám triển khai ý tưởng kế tiếp. Và danh sách cốt truyện thú vị của riêng bạn cứ kéo dài mãi nhưng chưa thể biết được khi nào thì bắt tay vào làm được do chưa...lấp được cái hố to đùng này.

Cả hai cách viết dàn trải và duy nhất đều có ưu nhược điểm của nhau cả. Khi nhìn vào các phân tích chủ quan trên, liệu bạn đã có quyết định phương cách viết truyện cho riêng mình chưa?

QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ