LÀM SAO ĐỂ XÂY DỰNG BỐI CẢNH (2)
LÀM THẾ NÀO ĐỂ DIỄN TẢ BỐI CẢNH TRONG TRUYỆN CỦA BẠN
Khi đã kiến tạo được một bối cảnh hoàn chỉnh, thì điều khiến các bạn tác giả trẻ bối rối tiếp theo là làm thế nào để mô tả lại thế giới tưởng tượng của mình cho độc giả hiểu và nắm rõ được. Cách mô tả bối cảnh có thể phân chia ra làm hai dạng: viễn cảnh và tiểu cảnh. Viễn cảnh là một khái niệm để mô tả về một cái nhìn tổng quan về thế giới mà bạn đã kiến tạo hoặc miêu tả về một cảnh quan/bối cảnh trong tương lai, ngược lại với nó, tiểu cảnh gồm những phân đoạn nhỏ, trong một không gian bó hẹp và tập trung vào một hoặc một vài đối tượng nhất định. Bạn có thể so sánh điều này tương tự như viêc xem phim, viễn cảnh là góc quay từ trên cao giúp bạn nhìn thấy cả thành phố lớn, còn tiểu cảnh chính là những góc quay cho bạn thấy nhân vật đang ở trong phòng, trên đường phố hay trong hốc tủ, kẹt tưởng, con hẻm...Ở đây mình dùng hai khái niệm này để các bạn có thể dễ dàng phân biệt cách mô tả lại thế giới của mình đến với người đọc hơn, khi đã quen thuộc với việc này, bạn hoàn toàn có thể sử dụng khái niệm khác hoặc danh từ khác để diễn tả lại chúng cho những người xung quanh tuỳ theo cách hiểu của bạn.01. Mô tả từ viễn cảnh đến tiểu cảnh: Một cách thường thấy đối với những câu chuyện có bối cảnh rộng lớn. Tác giả sẽ bắt đầu chèn vào những đoạn mô tả tổng quan về thế giới rồi đi dần vào các đặc điểm chi tiết của vùng đất nơi mà nhân vật đang sinh sống, hoặc mượn quan điểm của nhân vật để miêu tả lại lịch sử hình thành và phát triển của thế giới. Trong trường hợp bối cảnh truyện hiện đại, trong một thành phố cụ thể thì tác giả cũng có thể nhắc tới tổng quan về con người, lối sống của cả thành phố rồi đi sâu dần vào nơi mà nhân vật đang sinh sống (ví dụ xóm trọ, chung cư...).
02. Mô tả từ tiểu cảnh đến viễn cảnh: Ngược lại với cách đầu tiên, tác giả sẽ bắt đầu miêu tả từ những gì gần gũi, thân thuộc nhất với nhân vật rồi mới mở rộng ra thế giới xung quanh họ. Cách này rất thú vị nếu bạn muốn viết theo thể loại phiêu lưu, khi mà ngay mở đầu tác giả chỉ vẽ lên một khung cảnh nhỏ bé rồi kích thích độc giả bằng cách ngày càng mở rộng tấm bản đồ của mình và giới thiệu nhiều thêm những vùng đất mới, hấp dẫn hơn, kì lạ hơn. Đối với các truyện hiện đại hoặc bám sát vào thế giới thực, tác giả cũng có thể bắt đầu bằng cách mô tả lại cuộc sống thường nhật của nhân vật rồi từ đó mở rộng hơn theo thời gian khi để nhân vật di chuyển từ không gian nhỏ hẹp này tới bối cảnh rộng lớn hơn.
CHIẾT XUẤT THÔNG TIN BỐI CẢNH
Lý do mà mình sử dụng từ "chiết xuất" thông tin của bối cảnh là do có rất nhiều trường hợp các bạn viết truyện thường dồn quá nhiều vào việc mô tả thế giới của bản thân đến độ bỏ lơi luôn toàn bộ tình tiết và nhân vật. Cách chiết xuất thông tin về bối cảnh tốt nhất là đưa chúng vào từng chút một, gắn kết với các tình tiết/chi tiết nhất định trong mạch thời gian của truyện để không khiến độc giả bị ngộp và loãng mạch truyện. Bạn không thể kể lại tất tần tật toàn bộ thế giới của mình một cách sỗ sàng, mà nên mớm cho độc giả những thông tin thiết thực nhất, cần thiết nhất về cái nhìn toàn cảnh. Có nhiều cách để bạn miêu tả về bối cảnh: xen kẽ vào lúc dẫn truyện, thông qua lời thoại nhân vật, miêu tả văn hoá qua trang phục và quan điểm của nhân vật, diễn tả lại địa hình dựa trên những chuyến đi, kể lại thể chế chính trị hoặc tôn giáo thông qua các tình tiết liên quan...thậm chí ngay cả khi kể lại cảnh nhân vật của bạn đang đi chợ và mặc cả, thì thông qua đó bạn cũng đã đưa vào thông tin về bối cảnh xã hội trong truyện của mình đến với độc giả rồi.Sự cân bằng các yếu tố trong một câu chuyện là điều cực kì cần thiết, không nên để một yếu tố lớn lấn át các yếu tổ còn lại, vì điều này sẽ khiến cho toàn bộ câu chuyện bị thiên lệch và bị loãng cả mạch truyện. Hãy cố gắng kiến tạo càng chi tiết bối cảnh càng tốt và xem xét, nhận định các chi tiết đó nhiều lần để lựa chọn những sự kiện, yếu tố đắt giá khiến câu chuyện của bạn trở nên hấp dẫn, chân thật và có chiều sâu hơn.
BẠN ĐANG ĐỌC
QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017
Non-FictionTopic bao gồm những quan điểm cá nhân về nghề cầm bút tại Việt Nam, các bài viết đều là ý kiến chủ quan của tác giả.