Nếu có một lý do nào được xem là trọng yếu đối với việc ngày càng nhiều các tác phẩm chất lượng bị lãng quên thì đó có lẽ sẽ là do sự vô tâm của độc giả. Thật chất đây cũng không phải là sự đổ lỗi gì, nhưng mối quan hệ cung cầu ở bất cứ ngành nghề hay thị trường nào cũng vô cùng quan trọng. Nếu không chiếm được một thị phần nhất định thì hẳn nhiên sẽ không bao giờ có được chỗ đứng ổn định đủ để các tác giả chất lượng chuyên tâm hoàn thành xong câu chuyện của mình. Sự vô tâm của độc giả thể hiện rõ rệt ở việc hời hợt với những tác phẩm cần "lắp não để đọc" và cổ súy, ủng hộ những tác phẩm nội dung nông cạn, nhàm chán và chìm sâu vào các thể loại ngôn tình na ná nhau về cả nội dung lẫn văn chương và hình thức.
Bên cạnh đó, nhiều tác giả vô tâm còn thoải mái và dễ dãi với những tác phẩm thiếu chất lượng hoặc thậm chí là...đạo văn. Từng có khá nhiều bộ ngôn tình bị khui ra các vấn đề bản quyền và nhiều độc giả khẳng định không quan tâm tới việc câu chuyện đó có đạo văn hay không miễn là nó hay. Tương tự đối với vụ đạo văn của Thành Kỳ Ý – một tác phẩm rác rưởi thậm chí đến một đoạn văn tả hoa mai trắng cũng copy – paste nguyên xi tới từng dấu chấm phẩy từ một bài báo Xuân trên mạng, vẫn được nhiều người đọc khen ngợi và hy vọng tác giả đạo phẩm này tiếp tục xuất bản cuốn thứ hai. Chuyện gì đang xảy ra với thế hệ người đọc hiện nay? Sự phản ứng hời hợt với các vấn đề vi phạm bản quyền cùng với việc lựa chọn các đầu truyện quá dễ dãi, cẩu thả đã dẫn đến gây thiên lệch về chất lượng sách của thị trường xuất bản hiện nay. Có lẽ là nếu độc giả không dần cải thiện tiêu chuẩn đọc sách của mình, thì các tác giả chất lượng khó mà ngóc đầu lên được.
BẠN ĐANG ĐỌC
QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017
Non-FictionTopic bao gồm những quan điểm cá nhân về nghề cầm bút tại Việt Nam, các bài viết đều là ý kiến chủ quan của tác giả.