38

179 22 3
                                    

Chuyện học nội trú không được suôn sẻ cho lắm, vừa đề xuất đã bị rất nhiều người phản đối. Những người đó gồm bố, dì và cả bảo mẫu.

Bố Minh Vương gọi video 3 cuộc liên tiếp. Cậu nhỏ nhận một cuộc cúp 2 cuộc, nhưng vẫn bị bố mình lải nhải tới mức đầu óc ong ong.

Đã 1 giờ sáng rồi mà bố bỗng dưng chẳng thèm nghĩ ngơi, siêng năng gửi tin nhắn.

Minh Vương đeo tai nghe, lướt nhanh qua hơn 10 tin nhắn thoại. Dù gì cũng là cha con ruột thịt, chỉ nghe mở đầu thôi cậu đã biết đối phương định nói gì.

“Chắc chắn có chuyện gì đó làm con trai bố khó chịu rồi, chứ không đang yên đang lành sao tự dưng muốn ở nội trú?”

“Bé ơi, tâm sự với bố nhé?”

"Đừng im re thế, có gì cứ nói thẳng ra. Cái tuổi này của các con luôn cảm thấy bố mẹ lỗi thời cổ hủ, cứng nhắc ngoan cố, thực ra không phải tất cả đều như thế.”

“Là vấn đề của bố hay dì à?”

…………

Bố cậu là người có văn hóa, cậu nhỏ lớn ngần này rồi mà chưa từng thấy ông nổi giận với ai bao giờ. Nhưng đồng thời ông cũng là một người cương quyết, chẳng qua sự cương quyết ấy bọc trong những lời nói dịu dàng nên người bình thường rất khó phát giác.

Người giao tiếp với ông thường sẽ đi theo con đường ông đã vạch ra trong vô thức. Ông luôn có cách thuyết phục bạn, nhưng bạn thì rất khó thay đổi cách nghĩ của ông.

Giống như bây giờ, ông cứ khăng khăng cho rằng con trai mình muốn ở nội trú vì đang khó chịu, còn chứng minh quan điểm này từ tất cả các khía cạnh khác. Dù Minh Vương đã nói rất nhiều rằng “Con không có khó chịu gì cả”.

Chẳng có tác dụng gì sất, cứ như cậu mà không làm theo ông thì cuộc lải nhải sẽ mãi mãi không thấy điểm dừng.

Tin nhắn thoại cuối cùng dài tới 60 giây, cậu chỉ nghe 5 giây rồi tắt luôn.

Cậu tháo tai nghe xuống quẳng lên bàn, sốt hết cả ruột. Cậu ngửa đầu tựa lên ghế một chốc, cuối cùng vẫn không nhịn được.

Cậu ấn nút ghi âm, nói: “Con đã bảo không phải vì bực tức cơ mà, con không bực tức gì hết. Bố có thể nghe con nói một lần được không hả.”

Bố trả lời nhanh như chớp: “Nghe đây. Có chuyện gì con phải nói ra thì bố mới biết được chứ. Bố sợ con không vui.”

Nỗi cáu kỉnh trong cậu nhỏ dâng cao, nhưng cậu có một đặc điểm rất giống bố: cậu sẽ không bao giờ rống lên với người khác một cách bất lịch sự, làm thế mất mặt lắm.

Cho dù là bây giờ, cậu cũng chỉ nặng giọng hơn, nói nhanh hơn thôi.

“Tính con hẹp hòi cáu kỉnh, những khi thực sự tức giận có lần nào không nói với bố trước không? Có lần nào có ích không? Con đã bảo con không muốn nhà mình có thành viên mới, ở một mình đủ rồi, bố bận thì bố cứ đi đi, khi nào về nói trước cho con biết, con chờ được mà. Bố nghe xong thì sao? Bố tìm dì.”

“Sau đó con nghĩ thông rồi, mẹ con đã mất, tương lai còn vài chục năm nữa, con sẽ trưởng thành sẽ yêu đương sẽ kết hôn, bố chẳng thể một thân một mình mãi được. Bố có thể tìm người mới, con đồng ý. Chỉ cần đừng bảo dì thế chỗ mẹ con thì sao cũng được hết. Kết quả thì sao? Bố để người ta bước vào cái nơi con ở hồi bé, ngủ trong phòng mẹ con từng ngủ, vào phòng bếp mẹ con từng dùng, làm những món ăn mà dì thích.”

[0608] CẢM ƠN VÌ CẬU ĐÃ ĐẾN _Trường×VươngNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ