Hôm sau trời vừa tảng sáng, câu chuyện khi xưa giữa kẻ sống người chết cũng một lần nữa được ẩn đi, giao tình trước đó của bọn họ bắt đầu được liên hệ với người ở lại, tạo nên những phần lịch sử không thể chép xuống.
Quan trường chìm nổi, những kẻ chi phối hay bị chi phối và những người đứng ngoài can thiệp vào chính đàn, vô tình tạo nên một cuộc sát phạt mang tính chính trị một cách nặng nề. Ghi chép của Hồ Bích Hạnh cũng tiếp tục dừng lại ở vài dòng tự thuật của bản thân.
Mãi đến cuối giờ Thìn (khoảng 9h00 sáng) Hồ Bích Hạnh mới tỉnh, nàng chống người, vươn tay đẩy cửa sổ.
Bên ngoài trời trong mây nhạt, nắng gắt hắt xuống tán cây, in vài cái bóng lên thành cửa sổ, Hồ Bích Hạnh ngồi thẫn thờ một lúc rất lâu mới rời giường. Đến khi quá giờ Tỵ (qua 11h00 trưa) nàng mới chậm rãi mặc lại cung phục, đóng cửa phòng nghỉ, một mình đi về phía điện Trường Xuân.
Lúc này bên trong hậu điện, Trần Khương và hai cung nhân khác cũng đang hầu Lê Long Đĩnh dùng ngự thiện, Hồ Bích Hạnh không bước vào mà chỉ cúi đầu im lặng, đứng đợi ở bên ngoài. Một lúc sau ngự thiện dùng xong, hai cung nhân kia cũng thu dọn lui ra, bấy giờ Hồ Bích Hạnh mới định tiến vào hầu quạt chàng nghỉ trưa.
Đỗ Kỷ đã đến từ lúc nào, đứng ngay phía sau Hồ Bích Hạnh, thấy nàng định đi vào bèn kéo áo nàng lại, khẽ nói: "Để tôi vào hầu cho, chị cứ đừng ngoài này đi."
Hồ Bích Hạnh nghe cậu nói liền vui vẻ đồng ý, nàng ở bên ngoài tiền điện đến thẳng giờ Mùi (khoảng 3h00 chiều) cho đến khi bên trong vang lên âm thanh rơi vỡ của đồ sứ cùng với tiếng quát của Lê Long Đĩnh thì nàng mới cụp mắt, hít sâu một hơi, nghiêm chỉnh cúi đầu nhìn lòng bàn tay mình.
Bên trong hậu điện, Lê Long Đĩnh trầm mặc cúi đầu nhìn bản tấu trước mặt, tâm tư nóng giận cũng chẳng thể hiện ra ngoài, cho đến khi Đỗ Kỷ hầu trà, chàng mới nóng lạnh trút ra, hất đổ chén trà cậu dăng.
Nước trà đổ xuống mặt ngự án, chảy xuống một góc áo bào chàng. Đỗ Kỷ thấy vậy có phần hoảng hốt, nhanh chóng bước đến bên cạnh định giúp chàng lau sạch vạt áo ướt đó, nhưng cậu chưa kịp chạm vào đã bị chàng trực tiếp đuổi ra.
"Ra ngoài!"
Đỗ Kỷ cũng chỉ biết khom người quỳ trên đất, vơ nhanh mấy mành sứ rơi dưới chân chàng rồi thẳng lưng đứng dậy lui ra.
Mực trên đầu bút lông hoà với nước trà, sắc mực đỏ nhạt thấm ướt bản tấu trên bàn, cũng một phần chảy xuống vạt áo viên lĩnh trên người chàng. Lê Long Đĩnh nhắm mắt nén giận, một lát sau chàng mới quyết định... bác bản tấu này.
Thứ sử Phong Châu Trịnh Tiến Hằng, người này là do chàng lựa chọn, sau khi Lê Long Đinh làm loạn Phong Châu buộc phải về kinh chịu tội.
Phong Châu trước nay vẫn không ổn định, việc buôn bán người ngựa giữa tù trưởng địa phương với Đại Lý vẫn âm thầm diễn ra. Thứ sử nơi này vừa phải trấn áp những tù trưởng đó vừa phải hoà nhã với Đại Lý. Bản tấu chàng xem không quá dài chỉ vỏn vẹn vài trăm chữ nhưng đã hoàn toàn chỉ rõ việc Trịnh Tiến Hằng qua lại với tù trường địa phương họ Hà để mua bán ngựa với Đại Lý.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tiền Lê Ngoại Truyện [Cảm hứng lịch sử] - Nam Hoàn Phất Hạ
Historical FictionTiền Lê Ngoại Truyện: Cảm hứng lịch sử, xuyên không, quyền đấu. Đại Cồ Việt năm đó, có hai từ 'tiếc nuối'. Lý Công Uẩn, một ván cờ quyền khuynh thiên hạ. Lê Long Đĩnh, một ván cờ bại cả nghìn năm. Sử sách càng kiệm lời càng có nhiều kẻ chết vô danh...