Tháng năm, cuối xuân vừa qua, thời tiết đã vội trở nên nóng nực.
Mặt trời nóng ran rát lan khắp Yến Kinh. Bên đường, người bán hàng rong đều trốn dưới bóng cây.
Thời tiết nóng bức như vậy, các thiếu gia và các tiểu thư của những gia đình giàu có đều không muốn bước chân ra khỏi cửa. Chỉ có đứa ở hoặc người nghèo làm lụng vất vả mới chịu khó ra ngoài dưới cái nắng này. Họ chọn cách hạ nhiệt bằng phương pháp ngâm rượu gạo dưới giếng nước lạnh lẽo, nước lạnh làm rượu cũng lạnh theo. Không nề hà chạy qua chạy lại giữa các sòng bạc lớn nhỏ và các quán trà, mong đợi thêm một người nóng khát mệt mỏi bỏ ra năm đồng mua một chén rượu mát lạnh, thì có thể mua thêm được một túi gạo, nấu nhiều hơn hai nồi cháo, chống đỡ được thêm ba ngày sống.
Ở một gã rẽ nơi thành đông, có một tòa nhà mới được cất lên. Tấm biển được treo cao trước cửa phủ, chính giữa viết bốn chữ "Cập đệ trạng nguyên", ánh vàng rực rỡ. Đây là phủ đệ do Hồng Hiếu Đế ban và đích thân tự tay ngự tứ bảng hiệu cho Tân khoa Trạng nguyên, đại biểu cho vinh quang vô cùng to lớn. Người đọc sách có được tấm biển như vậy, cả nhà hắn sẽ khóc lóc vui mừng khôn siết, đập đầu cảm tạ tổ tiên.
Gian phòng cuối cùng sát bức tường, có ba người đang ngồi ngoài cửa. Hai nha hoàn trẻ tuổi mặc xiêm y mỏng màu hồng, và một bà tử tuổi trung niên dáng người béo tròn. Trên ghế đẩu trước mặt ba người bày một đống hạt dưa màu đỏ, một bình nước ô mai, một bên ăn một bên tán gẫu, còn tự tại hơn cả chủ tử.
Nha hoàn bên trái quay đầu lại nhìn thoáng qua cửa sổ, nói: "Trời nóng, mùi thuốc trong phòng tan không hết, khó chịu chết đi được. Ay da, không biết khi nào mới kết thúc đây.""Tiểu đề tử, sau lưng nghị luận chủ tử..." Bà tử lớn tuổi cảnh cáo nói "...Coi chừng chủ tử lột da ngươi."
Hồng y nha hoàn không cho là đúng "Làm sao? Lão gia đã ba tháng chưa ghé qua viện của phu nhân..." Nó lại đè thấp giọng "...Chuyện kia nháo lớn như vậy, lão gia của chúng ta xem như cũng là người có tình có nghĩa, nếu đổi lại là một người khác....." Nàng ta lại bĩu môi "Nếu là ta, ta thà tự kết liễu cho xong, tốt xấu cũng bảo toàn được thanh danh, chứ cứ tiếp tục sống như vậy, còn không phải liên lụy người khác."
Bà tử còn muốn nói tiếp, một nha hoàn khác cũng nói: "Kỳ thật phu nhân cũng rất đáng thương, sinh ra đẹp như vậy, tài năng học vấn lại tốt, tính tình khoan dung, ai biết sẽ gặp phải chuyện này....."
Tuy rằng giọng nói của ba người bọn họ đè thấp, thế nhưng chiều mùa hè quá yên tĩnh, khoảng cách lại không xa, từng câu từng chữ, rành mạch truyền vào trong tai người trong phòng.
Trên giường, Tiết Phương Phỉ nằm ngửa, khóe mắt rưng rưng nước mắt. Một khuôn mặt bởi vì gần đây gặp chuyện mà xanh xao gầy ốm, cũng không làm phai nhạt đi nhan sắc của nàng, ngược lại làm cho nàng càng thêm ốm yếu yêu kiều, toát ra một vẻ đẹp làm người ta nhìn mà đau lòng.Khuôn mặt nàng từ trước đến nay vốn xinh đẹp, nếu không cũng sẽ không đảm đương nổi danh hào Đệ nhất mỹ nhân Yến Kinh. Ngày nàng xuất giá, Yến Kinh có công tử nhàm chán sai một tên ăn mày va chạm kiệu hoa, khăn voan bay lên, kiều nhan như hoa lộ ra, hai bên đường người nhìn không chớp mắt. Khi đó phụ thân nàng, Huyện thừa Tiết Hoài Viễn của Đồng Hương thuộc Tương Dương, còn lo lắng sốt ruột trước khi nàng gả xa đến kinh thành, nói: "A Phỉ lớn lên quá xinh đẹp, cha sợ Thẩm Ngọc Dung không bảo vệ được con."
Thẩm Ngọc Dung là trượng phu của nàng.
Lúc Thẩm Ngọc Dung chưa đỗ Trạng Nguyên, vẫn đang là một tú tài nghèo. Nhà Thẩm Ngọc Dung ngụ tại Yến Kinh, ngoại tổ mẫu Tào lão phu nhân của chàng lại sinh sống ở Tương Dương. Bốn năm trước, Tào lão phu nhân bệnh chết, Thẩm Ngọc Dung cùng mẫu thân vội về Tương Dương chịu tang, nhờ đó mà quen biết Tiết Phương Phỉ.
Đồng Hương chỉ là một huyện nhỏ của thành Tương Dương, Tiết Hoài Viễn là quan lại nhỏ, lúc mẫu thân Tiết Phương Phỉ sinh em trai Tiết Chiêu, vì khó sinh mà qua đời. Sau khi Tiết mẫu chết, Tiết Hoài Viễn không tái giá, nhân khẩu trong nhà đơn giản, chỉ có tỷ đệ Tiết Phương Phỉ và phụ thân sống nương tựa lẫn nhau.
Tiết Phương Phỉ đến tuổi xuất giá, dung mạo nàng quá đẹp, công tử xa gần, nhà cao cửa rộng đều tới cầu hôn, thậm chí quan trên của Tiết Hoài Viễn còn muốn nạp Tiết Phương Phỉ về làm thiếp. Tiết Hoài Viễn tự nhiên không chịu, nữ nhi từ nhỏ đã mất mẹ, Tiết Hoài Viễn phá lệ yêu thương gấp bội, thêm nữa Tiết Phương Phỉ ngoan ngoãn thông tuệ, từ nhỏ ăn uống Tiết Hoài Viễn chưa từng bạc đãi nàng, phàm là trong khả năng cho phép, Tiết Phương Phỉ đòi gì có đó. Thế nên tuy rằng Tiết gia chỉ là phủ quan lại nhỏ, Tiết Phương Phỉ lại được chăm sóc cẩn thận không thua các tiểu thư khuê các nào.Nữ nhi nâng như châu như bảo trong lòng bàn tay lớn lên, Tiết Hoài Viễn lại vì chuyện hôn nhân của nàng mà phát sầu. Nhà cao cửa rộng đương nhiên đảm bảo cẩm y ngọc thực, nhưng lại nảy sinh nhiều chuyện thân bất do kỷ. Suy tính nhiều đường, Tiết Hoài Viễn nhìn trúng Thẩm Ngọc Dung.
Thẩm Ngọc Dung tuy không có gì cả, nhưng tài hoa hơn người, tuấn tú lịch sự, thành danh trong tương lai là chuyện sớm muộn. Nếu gả Tiết Phương Phỉ cho hắn, nàng liền phải theo Thẩm Ngọc Dung xa gả đến Yến Kinh. Yến Kinh đất chật người đông, vương tôn quý tộc nhiều không kể xiết, Tiết Phương Phỉ lớn lên quá xinh đẹp, ở Đồng Hương còn có Tiết Hoài Viễn che chở, đến Yến Kinh, nếu có người sinh lòng ác ý, Thẩm Ngọc Dung chưa chắc có thể che chở được nàng.Tiết Hoài Viễn ban đầu còn suy nghĩ lại, không gả nàng cho Thẩm Ngọc Dung nữa. Nhưng sợi tơ tình đã kết, Tiết Phương Phỉ đã nhận định Thẩm Ngọc Dung làm trượng phu, nàng quỳ gối cầu xin cha. Tiết Hoài Viễn trước giờ chưa bao giờ từ chối bất cứ yêu cầu của nàng, lần này cũng vậy.
Thế là nàng gả cho Thẩm Ngọc Dung, cùng chàng đến Yến Kinh, tuy rằng mẹ chồng nàng hành sự khắc nghiệt, cũng chịu nhiều ủy khuất, bù lại Thẩm Ngọc Dung lại vô cùng săn sóc nàng, vì thế những bất mãn đó, nhắm mắt rồi lại mở là như không còn nữa.
Đầu xuân năm ngoái, Thẩm Ngọc Dung đỗ Trạng Nguyên, cưỡi ngựa đăng quang khắp phố, hoàng đế ban cho phủ đệ cùng bảng hiệu, sau đó không lâu được bổ nhậm làm Trung thư xá lang. Tháng chín, Tiết Phương Phỉ có thai, đúng lúc sinh thần Thẩm mẫu, song hỷ lâm môn, Thẩm gia mở tiệc chiêu đãi khách khứa, mời gần hết các quý nhân có thể mời ở Yến Kinh.
Ngày đó là cũng là ngày cơn ác mộng của Tiết Phương Phỉ bắt đầu.
Nàng không biết chuyện đã xảy ra như thế nào, chỉ nhớ ở trên bàn tiệc có uống một chút rượu mơ, sau đó đột nhiên cảm thấy có chút buồn ngủ, mơ mơ màng màng được nha hoàn dìu về phòng nghỉ ngơi..... Chờ lúc nàng bị tiếng thét chói tai làm giật mình tỉnh giấc, đã thấy trong phòng nhiều thêm một nam nhân xa lạ, mà bản thân nàng quần áo không chỉnh tề, mẹ chồng và một đám nữ quyến đều đứng ở cửa, nhìn nàng có châm chọc chán ghét, có vui sướng khi người gặp họa.Nàng không còn mặt mũi nào, nhưng mặc cho nàng giải thích như thế nào, chuyện thê tử tân khoa Trạng Nguyên bị bắt gian tại trận vẫn bị truyền ra ngoài.
Nàng nên bị hưu bỏ, sau đó bị đuổi ra khỏi phủ. Nhưng Thẩm Ngọc Dung không làm vậy.Nàng đau buồn quá độ đẻ non, lúc nằm ở trên giường, lại nghe nói đệ đệ Tiết Chiêu, bởi vì việc này mà thúc ngựa chạy tới Yến Kinh, còn chưa tới Thẩm phủ, ban đêm gặp phải cường đạo, bị giết vứt xác xuống sông.
Nàng nghe tin dữ này, không dám đem tin tức này truyền về Đồng Hương, cố gặng gượng một hơi thấy mặt Tiết Chiêu lần cuối, lo tốt hậu sự cho hắn. Sau đó liền ngã bệnh nằm trên giường suốt ba tháng. Suốt ba tháng đó, Thẩm Ngọc Dung không tới gặp nàng một lần.
BẠN ĐANG ĐỌC
Mặc vũ vân gian
RomanceĐã chuyển thể thành phim "Mặc vũ vân gian" Chuyện gốc "Đích gả thiên kim" - Tác giả: Thiên Sơn Trà Khách Văn án: Tiết Phương Phỉ, tiểu thư Tiết gia. Năm mười sáu nổi danh khắp kinh thành, nhan sắc tuyệt mỹ, tài mạo song toàn. Cùng năm ấy, nàng g...