CHUYÊN KHOA "ĐẠO" VÀ NGUYÊN DO - CON ĐƯỜNG ĐI MÒN CẢ LỐI
Nhân dịp mấy hôm nay có nhìn và nghe thấy vài sự vụ anh này đạo cô kia, cô kia lại đạo bác nọ, bác nọ lại nhỡ "cầm nhầm" của chú kia bỗng dưng lại nhớ đến một vấn đề muôn thuở - Đạo văn.
Lạc trôi theo Sơn Tùng ngược dòng về một vài tháng về trước, đâu cũng độ tầm này, một "nghi án" (mà sau đó đã được xác thực dù tác giả bô bô mồm "Cái ABC này là cụa tui, tui sẽ chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật về nó") nổi lên một cách đình đám trong cái ao nho nhỏ mang tên "tác giả trẻ Việt Nam" và mảng kho tàng "ngược dòng lịch sử" – THÀNH KỲ Ý, tác phẩm "ngôn tình Việt" thứ hai (sau Tiểu Thần) được dán mác artbook, tiểu thuyết dã sử, tiểu thuyết lịch sử, ngôn tình cung đấu, tiểu thuyết tình cảm có yếu tố lịch sử (xin lỗi thiệt sự là nó thuộc nhiều đề tài quá, viết ngắn đi thì lại bảo mị thiếu tâm haha) ĐẠO VĂN HOÀN TOÀN các tác phẩm từ báo Sông Hương, một số tác phẩm khác như Đời sống cung đình triều Nguyễn (hình như thế) và nhiều nhất là Tứ thư bình giải (phần bình giải) của dịch giả, soạn giả Lý Minh Tuấn.
Vụ việc này gây dậy sóng dư luận cộng đồng mạng bởi số tiền crowfunding cho nó quá lớn – lên tới hơn 200 triệu VND và các đoạn bị đạo rải rác khắp truyện, đặc biệt những đoạn được truy ra là đạo văn còn CHÉP NGUYÊN XI KHÔNG SAI TỚI DẤU CHẤM PHẨY. Điều này đã khiến đa số độc giả mong chờ một tác phẩm dã sử cảm thấy phẫn nộ.
Mặc dù mọi chuyện đã được giải quyết một cách tạm bợ và không có động thái nào cho thấy sự hối lỗi từ ekip của tác giả (xóa comment, xóa bài xin lỗi và toàn bộ các vấn đề liên quan tới đạo văn) nhưng cũng đã kịp để lại thêm một vết nhơ bẩn trong cái ao bé xinh mang tên "Tuyển tập các tác phẩm đạo văn của tác giả tự xưng là trẻ" ở Việt Nam.
Thành Kỳ Ý giống như một hồi chuông báo động cho sự hoành hành của giới đạo văn tại Việt Nam, từ khi nào mà kẻ đi ĂN CẮP lại có thể ngang nhiên thoát khỏi những hình phạt dù còn nhẹ nhàng tới như thế? Từ khi nào mà độc giả Việt Nam lại trở nên dễ dãi, cả tin và thậm chí là hoàn toàn ủng hộ hành vi đạo văn tới vậy?
Theo ngu ý của bản thân người viết, đạo văn tràn lan thực chất nảy sinh từ hai yếu tố: khách quan và chủ quan – từ chính kẻ đạo văn và từ cộng đồng tiếp cận tác phẩm của kẻ đó.
NGUYÊN DO ĐẦU TIÊN – BẢN TÍNH NGƯỜI VIỆT
Mặc dù vấn nạn đạo (không chỉ riêng trong giới văn học) tại Việt Nam đã được nêu ra từ lâu, nhưng hầu như không có bất cứ trường hợp giải quyết triệt để nào.
Và có vẻ như một phần nguyên do bắt nguồn từ bản tính "dĩ hòa vi quý" của người Việt là chính yếu. Thậm chí đôi khi bản tính đó dần trở thành sự lãnh đạm đối với những vấn đề gây ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển trí thức và tương lai của con cháu họ.Khi đối mặt với một sự vụ đạo văn, đa số đều phân ra thành hai luồng ý kiến như chủ quan người viết nhìn thấy:
1. Đạo văn là thứ ghê tởm cần lên án (chiếm 30-40%)
2. Đạo văn là chuyện của người ta, đạo mà vẫn hay là được (chiếm 60-70%)
Từ hai quan điểm chính này có thể thấy sự thờ ơ của chính những người chịu tác động mạnh mẽ từ đạo văn trong tương lai với vấn nạn này. Như vậy, một khi đã hình thành nên sự ủng hộ dù là vô tình hay cố tình đối với đạo văn (hay một vấn nạn bất kì) thì vô hình trung đã tạo thành một con đường rộng rãi cho những kẻ ăn cắp công sức của người khác vênh váo bước đi mà không sợ bị lên án. Bởi lẽ dù họ có làm sai đến mấy, thì ngoài kia vẫn có những kẻ thờ ơ hoặc ủng hộ, thì đối với họ cũng giống như nửa thế giới đã đứng về phía mình – họ có thể đang đúng, và tự huyễn hoặc mình rằng "sẽ đúng" trong tương lai.Có đôi lúc người ta vẫn tự huyễn hoặc mình rằng vấn đề đang xảy ra trước mặt họ thực chất là của người khác, vốn dĩ không liên quan tới họ và bản tính của con người vẫn luôn tránh né những điều gây thiệt hại trực tiếp tới họ. Vì vậy, ngay cả khi nhìn thấy hành động đạo văn của bất kì ai, thì điều họ nghĩ đến đầu tiên là có tổn hại gì tới mình hay không và nếu không thì tại sao mình phải cần lên tiếng để dính vào nhiều rắc rối có thể xảy ra sau đó?
Tuy nhiên những người này thực chất không nhận ra được rằng, vốn dĩ cuộc sống cũng giống như một bàn cờ xếp đầy những quân domino nối tiếp nhau. Khi một hành vi xấu xảy ra cũng giống như vết ố trong phòng tắm, nếu không được lau dọn sửa chữa nó sẽ lan dần ra từ từ. Thì khi đó mặc dù khởi đầu nó chỉ nằm ở xa chân bạn, rồi thì cũng sẽ đến lúc bạn phải chịu tổn hại vì những gì điều tiêu cực đó gây ra mà thôi.
ĐẠO VĂN – CÂY BÚT THẦN KỲ CỦA NHỮNG KẺ LƯỜI BIẾNG ĐỐN MẠT
Nguyên do thứ hai theo ý kiến chủ quan của người viết, là từ chính những kẻ đã thực hiện hành vi đạo văn và cả những người đang mon men có ý định thực hiện hành vi này.
Việc họ có được một áng văn hay, hoặc được táng tụng đến mờ mắt một cách dễ dàng đã trở thành cơ hội cho những kẻ lười biếng đánh mất lương tâm thực hiện hành vi đốn mạt này. Tại sao phải ngồi nghĩ nát óc chỉ để cho ra một câu văn? Tại sao phải cặm cụi viết suốt 10 – 11 năm chỉ để có một cuốn sách mà chưa chắc nó sẽ để lại dấu ấn? Tại sao phải bỏ công tìm hiểu về những thứ mà rõ ràng chỉ cần với tay chép lại từ cuốn sách kia là được?
Chính từ bản tính thích ăn sẵn, chây ì lười biếng và không có chí tiến thủ kia đã khiến họ quyết định vứt bỏ lương tâm của một con người, sẵn sàng làm một con thú đi tranh giành miếng thịt mang tên "công sức" mà người khác đã vất vả để có được.
Tiền bạc, danh tiếng, quyền lực là ba thứ mà con người vẫn luôn khao khát. Do vậy trong xã hội có những kẻ thực sự bất chấp mọi thứ để có thể đạt được dù chỉ là một trong ba thứ trên.
Tôi đã từng bất ngờ khi nghe thấy câu thơ "Hoa nở để mà tàn, người gặp để rẽ ngang" của một tác giả trẻ từa tựa như những câu thơ "Hoa nở để mà tàn/Trăng tròn để mà khuyết/Bèo gặp để chia tan/Người gần cho ly biệt/Hoa kia không nắng cũng phai màu/Trên mặt người kia in nét đau" của Xuân Diệu. Tôi cũng từng thấy nhục nhã thay cho tác giả Thành Kỳ Ý – người đến cả đoạn văn tả một loại mai trắng mà cũng phải đi copy – paste từ bài báo Xuân của người khác. Và còn nhiều nữa, những sự vụ đạo văn nhơ nhuốc đầy nhục nhã, mà chẳng hiểu sao người trong cuộc vẫn cứ tỉnh bơ, và đa số những kẻ đứng ngoài cứ mãi ơ thờ.
Hành động copy từ ai đó thành của mình thực sự rất đơn giản. Tuy nhiên, việc bạn thực hiện hành vi "Copycat" chỉ giống như con khỉ chưa tiến hóa cố gắng bắt chước theo hành động của con người. Không có bất kì áng văn thơ nào đi sao chép, cắt nối mà lại có thể khiến độc giả trải lòng, yêu mến bằng những câu từ gốc. Mặc dù chúng đôi lúc có thể đơn sơ, thô kệch, nhưng hương vị đầu tiên của chiếc bánh chính mình tạo ra lúc nào cũng thơm ngon hơn muôn vàn ổ bánh kem ngoài tiệm.
Rồi sẽ có lúc cái giá phải trả cho hành vi đốn mạt này sẽ đến, "người thu nợ" sẽ gõ cửa phòng của bạn một cách nhẹ nhàng và rút đi thứ gì đó gán thay. Liệu khí đó, bạn có còn đủ "vốn" để trả nợ hay không?
Nếu sau khi đọc xong bài viết này mà bạn vẫn còn khá nhiều điều thắc mắc tuổi hồng không biết hỏi ai thì có thể comment câu hỏi bên dưới, hoặc gửi ẩn danh câu hỏi ở phần "Liên kết bên ngoài" trong bài viết này , mình sẽ cố gắng hỗ trợ và giải thích cho bạn trong khả năng có thể :D
https://goo.gl/lXaqDm
BẠN ĐANG ĐỌC
QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017
Non-FictionTopic bao gồm những quan điểm cá nhân về nghề cầm bút tại Việt Nam, các bài viết đều là ý kiến chủ quan của tác giả.