220623

2 0 0
                                    

Hôm kia tôi có mua một quyển sách.

Nó nói về hậu quả của chiến tranh, bằng những lời lẽ chân thật nhất của một đứa con yêu thương mẹ khôn xiết dù cho có bị thương bởi người ấy bao nhiêu lần. Và tôi thà rằng nó oán trách, bằng ngôn từ đau đớn xót xa hay những lời chỉ trích, đủ để hiểu rằng nó đã từng rất đau đớn. Nhưng không, nó chẳng oán giận câu nào cả. Những trang giấy và vết mực in chỉ đơn thuần là kể chuyện, là bộc bạch, tựa như nó đứng ở ngoài dòng chảy ký ức ấy, đứng ở góc nhìn thứ ba, thay nó và mẹ nó của quá khứ mà lưu giữ.

Nó nói về những đàn bướm vua, lên đến hàng ngàn con, với mỗi mùa di cư và cánh bướm dập dờn hứng ngọn gió lành trên cao, đậu lại dọc đường đi trên cây cỏ và đến phương Nam vào một mùa đông xa vắng lạnh lẽo. Chúng di cư một lần và mãi mãi, chẳng trở về phương Bắc thêm lần nào. Nhưng con của chúng thì sẽ trở về, và lại đi đến phương Nam vào mùa đông đầu đời. Chúng cho con của chúng trở về, còn chúng phải dính liền với nơi chúng đã đến mãi mãi. Nó nói về việc những con người, xa lạ ngay từ màu da trên đất nước mình đang sống, với thứ ngôn ngữ chữ biết chữ không và không thể đọc, viết. Nó nói về những vụ án người da vàng chết vào đầu thế kỉ 20 mà một vị thẩm phán đã phán định rằng người da vàng không phải con người. 

Nó nói về sự phân biệt chủng tộc lạnh lẽo đến mức tưởng chừng như trái tim con người làm từ sỏi đá, chứ không phải máu thịt. Tựa như rằng dòng máu chảy trong người họ là cao quý, màu da bên ngoài của họ là thượng đẳng, thứ ngôn ngữ chết tiệt họ dùng để khinh rẻ người khác là đáng quý.

Nó nói, nó kể. Kể về cuộc đời của những con người đọng lại dư âm từ chiến tranh Mỹ - Việt. Kể về máu, những chiếc trực thăng, súng đạn và bom mìn khắp nơi, với những xác người và nụ cười của lính Mỹ thời đó. Về những người con gái chịu ảnh hưởng từ tập tục phong kiến, chịu đựng biết bao nhiêu khổ cực để đổi lấy một câu "gái không chồng như rác như rơm" từ chính miệng người đã sinh ra họ.

Nó kể về một cuộc đời thấm nhuần những đau đớn, bi đát nhưng quật cường. Họ tưởng chừng như đã chẳng thể bước tiếp trên đất nước, trên mảnh đất mình đang đặt chân, trên căn phòng tồi tàn cũ kĩ mà họ đang ở. Ngay từ màu da, ngay từ ngôn ngữ. Ngay từ họ.

Nó kể về những rung động đầu đời, với một câu trai dữ dội mà lại dịu dàng. Nó kể để biết rằng những thứ tốt đẹp thường sẽ chẳng tồn tại được mãi mãi.

Bóng râm. Gốc cây. Vỉa hè. Từng sự vật, từng khung cảnh như hằn sâu vào trí nhớ, phác họa từ những ký ức trong đầu nó, nó tả thật đến mức tưởng chừng như nó đã luyện tập để nhớ lại những chi tiết nhỏ bé ấy hằng trăm lần, ký ức về ngày mẹ nó im ắng nằm trên giường, nhắm mắt; ngày mẹ nó chờ đợi nó về ăn mì dẹp còn nóng trên chảo, về những bát cơm trà chuyền tay từ người này sang người khác của một người bà bị tâm thần phân liệt; về cái ngày nó gối đầu lên đùi một chàng trai đồng ý nghe về bí mật của nó.

Nó kể về những điều đau thương vốn sẽ mãi mãi tồn tại, nhưng những tốt đẹp trong mảnh đời nó cũng chưa từng mất đi. Và giờ đây, nó trở nên nổi tiếng, viết ra những bài thơ làm người khác xuyến lòng.

Mà có lẽ nó vẫn nhớ về những ngày cũ, ngày bập bẹ từng âm tiết và không chắc cả về những thứ mình biết rõ trong lòng.






Văn cho một buổi chiều tà. Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ