Những con người bất hạnh.

23 4 0
                                    

Vừa về tới nhà, tôi đã nghe thấy tiếng cãi vã.

"Suốt ngày cờ bạc, cờ bạc. Mày tin là tao báo công an túm cổ mày đi không hả? Tiền đóng học cho con chả có mà mày suốt ngày cờ bạc thế hả? Trời ơi, tao xin mày, mày nghĩ cho con cái được không? Mày nhìn Yên kìa, tại vì sao mà nó khổ như thế?"

Bố tôi ngồi trên ghế, gương mặt ông ửng đỏ vì say:

"Tao chỉ đến xem thôi."

Mẹ tôi tức giận túm cổ áo bố tôi mà gào lên:

"Đến xem? Đến xem mà thế hả? Đến xem mà thế hả? Mày nghĩ tao ngu sao? Trời ơi là trời! Mày bao nhiêu tuổi rồi hả? Mày bao nhiêu tuổi rồi mà suốt ngày tụ tập với đám thanh niên bài bạc!"

Bố tôi gạt mẹ tôi ra, châm điếu thuốc hút một hơi.

Vừa thấy tôi, ông liền đặt điếu thuốc xuống.

Ngửi thấy mùi khói, tôi ho nhẹ vài tiếng:

"Mẹ, để mai rồi nói, muộn rồi."

Mẹ tôi gương mặt đầm đìa nước mắt. Bà nhìn tôi mà nói:

"Sau này mày lấy chồng, mày đừng lấy hạng đàn ông như này! Tao khổ quá rồi, không phải vì chúng mày tao đi nhảy cầu cái là xong.

Tao mất cha, mất mẹ từ sớm.

Đáng lẽ ra, tương lai tao xán lạn nhưng cuối cùng tao vẫn bỏ học để nuôi bốn đứa em.

Rồi tao lấy bố mày vì cứ nghĩ là bố mày là chốn bình yên để tao trở về sau những năm tháng mệt mỏi ấy.

Nhưng bố mày càng khiến cuộc đời tao bi thảm hơn."

Nghe mẹ nói, tôi có chút nhói lòng.

Cuộc đời bà đúng là rất khổ.

Mẹ tôi năm đó là người con gái duy nhất trong xã trúng tuyển đại học.

Tương lai bà rộng mở, ai ai cũng ngưỡng mộ.

Nhưng bà ngoại trong một lần đi bán quất ở lễ hội, bị xe công nông cán qua.

Bà ngoại dù vậy vẫn cố gắng bò đi nhặt từng quả một bỏ vào trong chiếc làn rồi mới chịu đến trạm xá.

Ở đó được hai tiếng, bà mất.

Ông ngoại tôi lúc đó là người ít ỏi trong xã biết chữ, thường xuyên dạy chữ cho người già trong làng. Ông là người ai ai cũng kính phục.

Người lái xe ấy đến nhà tôi cầu xin, nói rằng nhà nghèo khó, còn mẹ già, con thơ. Ông tôi vốn là nhà giáo, nghe vậy liền từ chối nhận số tiền bồi thường một triệu và không truy cứu.

"Mẹ các con đổi mạng không phải để lấy số tiền đó. Dù sao đã xảy ra, cũng không thể làm gì khác được. Nhà người ta cũng đáng thương. Bỏ qua được thì nên bỏ qua thôi."

Tôi từng nghe mẹ kể trong nước mắt.

Ông ngoại vì đau buồn, gần đến khi mẹ tôi nhập học thì mất.

Dưới mẹ tôi còn bốn đứa em. Cứ vậy, cánh cửa tương lai của bà từ từ khép lại vì hai chữ trách nhiệm.

Mười tám tuổi, bà làm đủ công việc để nuôi mọi người. Cuối cùng, không phụ sự kì vọng của mẹ, cậu tôi trở thành một giáo viên giỏi, thậm chí còn được xuất bản những cuốn sách do cậu viết. Các dì tôi không học cao nhưng ai nấy đều có cuộc sống thành công và hạnh phúc.

Còn người lái xe năm ấy sau hơn một năm bà tôi mất bèn xây nhà hai tầng, trở thành một trong những ngôi nhà lớn nhất xã.

Mẹ tôi từng trách ông tôi quá thương người, cũng quá tin người.

Nhưng bà cũng rất ngưỡng mộ ông.

Mẹ tôi quay người bước vào phòng ngủ, để lại tôi và bố ở trong phòng khách.

Điếu thuốc lá bị tôi dập tắt.

Tôi gạn nước ra cốc, đưa cho bố tôi.

"Bố, bố đi ngủ đi."

Bố tôi nhận lấy cốc nước trong tay, uống một hơi hết sạch.

"Yên, mày trách bố hả?"

"Ừ."

Bố tôi im lặng nhìn tôi không nói gì nữa. Mãi lúc sau, ông mới lên tiếng:

"Bố đặt tên mày là Yên, Yên có nghĩa là yên bình. Bố mong cuộc đời mày bình yên mà trôi, không phải khổ sở, không phải buồn rầu, nhưng hình như chính bố lại làm trái với ước mong đó."

Rồi bố tôi bật khóc.

Đó là lần ít oi tôi thấy ông khóc.

Tôi biết, bố tôi đã làm sai.

Tôi cũng biết, ông nghiện rượu bia vì đâu.

Bố mẹ tôi đều giống nhau, đều là những con người số khổ.

Khác với mẹ tôi, bố tôi sinh ra trong một gia đình khá giả hơn.

Bà tôi là diễn viên múa, ông nội là bác sĩ quân y.

Nhưng ông nội vì ghen tuông, cuối cùng trốn về, vì vậy nhà tôi không được nhận trợ cấp gì sau chiến tranh.

Nhà bố tôi có bốn anh em trai và một đứa con gái. Bố tôi là đứa con thứ ba nhưng lại là đứa không được yêu thương nhất.

Các bác tôi đều được đi học đầy đủ.

Con trai học quân đội, con gái học sư phạm.

Riêng bố tôi lại làm thợ xây.

Tôi không biết tại sao lại vậy, ông cũng chưa từng kể cho tôi.

Trong trí nhớ của tôi, tôi chỉ nhớ rằng ông nội không hề yêu thương bố.

Ông từng đánh bố tôi, thậm chí khi ông bệnh nặng vẫn không muốn bố tôi chăm sóc.

Anh em trong nhà khinh thường bố tôi.

Vì ông nghèo.

Vì ông không có tiếng nói.

Vì ông không học hết cấp hai.

Khi ông nội mất, không ai gọi bố vào bàn bạc để tổ chức tang lễ cho ông.

Đám cưới chị tôi, bố tôi phải nghe theo ý kiến các bác mà tổ chức.

Mẹ mắng bố tôi nhu nhược, nhu nhược đến đáng thương.

Tôi bước vào phòng.

Em tôi có lẽ vì mệt đã sớm thiếp đi.

Tôi kéo chăn, đáp kín cho nó rồi lên giường nằm.

Nhưng tôi vẫn không ngủ được.

Tôi thấy thương bố, thương mẹ.

Không hiểu tại sao, những người có số phận bất hạnh lại tìm đến với nhau.

Họ tưởng chừng như chữa lành cho nhau nhưng lại từng chút một, từng chút một khiến vết thương ấy ngày càng sâu thêm.

Họ vô tình trở thành người mình không muốn thành.

Họ vô tình làm đau đối phương.

Nỗi đau ấy từng chút một, từng chút một giết chết cả hai tâm hồn đang tuyệt vọng.

______

***Thật ra, viết mấy cái này khiến mình hơi nhói lòng một tý tại hoàn cảnh của hai nhân vật đều lấy cảm hứng từ bố mẹ mình. Nhưng thật may mắn, bố mẹ mình vẫn rất hạnh phúc.

Gió hạ thổi cậu đến bên tôiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ