Chương 64: Núi Trông Chồng

51 6 0
                                    

Hoài Ân bị mấy đứa nhỏ níu kéo nên đành theo tụi nó đi chơi. Rời khỏi bản, băng qua một khúc mới đến được bìa rừng. Mệt bởi hơi tai mới đến được dưới gốc một cây dâu da, đang độ vào mùa nên trái mọc kín cả thân cây, từng chùm vàng ươm, rũ xuống vô cùng thích mắt. Mấy đứa nhỏ như biến thành bầy khỉ con, leo tót lên cây hái.

Hoài Ân ngồi dưới gốc cây nhìn lên. Miên man nhớ lại hồi nhỏ nàng cũng loi choi, từng lén má ra rừng cây bòn bon phía sau trang viên để hái rồi té trật chân. Khi phát hiện ra thì má bị bà nội la quá chừng, vậy mà má cũng không hề trách, chỉ lẳng lặng ôm nàng rồi nàng thấy má khóc. Từ sau khi nhìn thấy má treo cổ trên cây đỗ quyên, Hoài Ân cũng không dám leo lên cây cao nữa.

- Ời ơi nó chua... sao mấy đứa nó ăn ngon lành vậy cà. Dám gạt chị hả.

Điểu La với mấy đứa nhỏ cười khì khì khi thấy Lam nhăn mặt vì dâu chua. Điểu La leo tọt xuống với một chùm dâu trên tay đưa cho Hoài Ân nói:

- Cô cũng ăn đi. Con hái cho cô nè.

Hoài Ân giả bộ lườm nó:

- Cô không ăn đâu. Mấy đứa cứ ăn đi.

- Cô sợ chua hả. Cây này ngọt lắm... có cây kia mới chua thôi.

Nó lột vỏ để lộ ra múi dâu căng bóng, mọng nước đến cho Hoài Ân. Nàng nhìn nó rồi quyết định tin tưởng nhận lấy rồi cho vào miệng. Cắn một cái, múi dâu bể ra vị chua lập tức xâm chiếm lấy khoan miệng khiến nàng nhăn mài. Chua đến mức tỉnh cả người. Điểu La lại cười toe toét rồi chạy vụt lên phía trước.

- Mình ra suối chơi cho mát nha cô. Tụi con bắt cá nướng cho cô ăn.

Lam đẩy Hoàn Ân đi phía sau nói:

- Không ngờ chị em mình vậy mà bị đứa nhỏ nó lừa. Dâu gì chua muốn chết.

Hoài Ân cười chứ không đáp, chỉ chăm mắt nhìn theo đám trẻ. Gần tụi nhỏ ở đây như vậy thật tốt chứ như đám trẻ ở đồn điền vừa thấy nàng đã khóc thét. Mặc dù nàng chẳng làm gì tụi nó. Hoài Ân hồ nghi có phải hay không gương mặt của mình rất dữ nên tụi nhỏ ở đồn mới sợ sệt nàng như vậy. Có điều nàng không biết là cả những người lớn ở đồn điền khi nhìn thấy nàng cũng sợ chứ không riêng gì lũ trẻ. Đám su cai thì lại càng sợ nàng hơn sợ cọp.

Suối mùa này ít nước cũng không bắt cá được. Đám trẻ bèn cởi áo ném trên đá rồi kéo nhau xuống tắm. Đến khi chán chê mới chạy lên ngồi xoay quanh Hoài Ân đòi nàng kể truyện tích xưa cho tụi nó nghe. Con Lam lườm lườm mấy đứa nhỏ nói:

- Rủ cô ra đây cho cô ăn dâu chua rồi bây giờ đòi cô kể tích xưa. Mấy đứa khôn quá đó nha.

Điểu La cười cười đáp:

- Hihi con biết cô Ân không giận tụi con đâu.

Con Lam lườm lườm:

- Chưa thấy ai ma ranh như mấy đứa.

Hoài Ân nhéo má nó một cái rồi cũng chiều ý. Nàng ôm Điểu Lan trong lòng rồi bắt đầu kể truyện cho đám trẻ nghe với chất giọng trầm ấm:

- Chuyện kể rằng, xưa kia có một chàng trai vốn thuộc dòng dõi hào kiệt, kết duyên vợ chồng với một cô gái nết na, xinh đẹp nhất vùng. Họ sống bên nhau quấn quýt, ngày ngày nàng dệt cửi quay tơ còn chàng thì miệt mài kinh sử, mong đến ngày ứng thí lập công danh. Sau khi nàng hạ sinh cô con gái kháu khỉnh, đất nước lại xảy ra nạn binh đao loạn lạc. Người chồng phải ra biên ải bảo vệ đất nước, rồi anh dũng hy sinh trên chiến trận. Nhiều năm trôi qua, không thấy chồng về, nàng bèn mang theo con trèo đèo, vượt suối tìm chồng. Đến một ngày, nàng bồng con tìm đến một ngọn núi cao, với hy vọng sẽ tìm thấy người chồng mà mình thương nhớ. Thế rồi, nàng bồng con trèo lên đỉnh núi ấy, mắt ngóng ra biển khơi đợi chồng cho đến khi hóa thành đá ngàn năm. Hòn đá ấy có hình dáng một người phụ nữ co người bao bọc lấy con mình. Sau này, người ta gọi nơi ấy là hòn Vọng Phu, núi Trông Chồng.

Tích xưa mà nàng được má kể cho nghe vào những đêm khó ngủ. Hoài Ân cũng từng kể cho Thiên Hỷ nghe mỗi khi con bé nhớ mẹ. Giờ tích xưa vẫn còn đây, nàng vẫn ghi nhớ từng chút nhưng người thân thương của nàng đều không còn ở cạnh nàng. Khiến Hoài Ân có chút bùi ngùi trong lòng.

- Sao người chồng không ở nhà với vợ mà phải đi vậy cô?

Một đứa thắc mắc hỏi. Hoài Ân nhìn nó một chút rồi trả lời:

- Vì ấy là khao khát của những trang nam nhi thời phong kiến. Họ mong muốn cống hiến và giúp đời, lưu danh tên tuổi. Nếu chỉ sống hời hợt, không có chiến công, không được ghi nhận thì chưa xứng đáng với quan niệm về nam nhi. Chí làm trai thôi thúc họ phải không ngừng tiến lên và lập công trạng, từ đó mới được người người ngợi ca, trân trọng và biết ơn.

Một đứa khác lại thắc mắc hỏi:

- Vậy sao người vợ không theo chồng đi đánh giặc vậy cô?

Hoài Ân vẫn rất kiên nhẫn giải đáp cho những búp măng non:

- Không phải thời đại nào cũng giống nhau. Ngày xưa người con gái bị nhiều lễ tục trói buộc hơn nên việc đi đánh giặc rất khó nhưng thời bây giờ thì khác rồi. Khi có giặc đến xâm chiếm, dầu là nam hay nữ nhi trong xã hội đều muốn đứng lên đấu tranh để bảo vệ đất nước. Non sông bờ cõi còn thì con người mới có cuộc sống êm đẹp.

- Vậy là ngày xưa con gái không thể đi đánh giặc được hả cô?

- Ít thôi chứ không phải là không có. Ngày xưa chúng ta có Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Thánh Thiên công chúa nè... và sau này chắc chắn sẽ còn rất nhiều nữa.

- Mai mốt lớn lên con cũng muốn oai hùng giống như các bà vậy.

- Con cũng vậy.

Hoài Ân cong môi cười đầy hài lòng, nàng lại tiếp tục:

- Có ý chí là tốt nhưng trước tiên phải chịu học cho thật giỏi. Mỗi thời đại mỗi khác nhau. Ngày xưa ông bà cầm gươm giáo xông pha ra trận, tuy có dụng binh pháp nhưng vũ khí thô sơ, sức chống trả yếu ớt. Còn thời nay tân tiến hơn, họ có súng đạn, có chim sắt bay trên trời. Chỉ cần rà một chút là có thể càn quét ra hết. Họ phát triển như vậy chúng ta cũng phải cố gắng hơn để bắt kịp họ.

- Vậy sao cô không đi đánh giặc? Cô đi cho con đi theo với.

Con Lam ngồi nghe ké nãy giờ mới kí đầu đứa nhỏ ấy nói:

- Có chút xíu, nhắm đánh nỗi không?

Hoài Ân thì cười xoà:

- Đánh giặc đâu phải muốn đi là đi. Cần phải sử dụng cái đầu, thông minh và tỉnh táo để chống trả. Chiến sĩ cầm súng ra trận bằng sức lực và lòng anh dũng. Tầng lớp trí thức thì chiến đấu bằng ngôn từ, con chữ. Thương gia, công nông thì góp sức bằng kinh tế, lương thực. Người dũng cảm ở tuyến đầu, kẻ làm hậu phương tiếp tế khi cần. Hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới yên tâm chiến đấu. Chúng ta không đóng góp bằng cách này thì cũng đóng góp bằng cách khác theo năng lực của bản thân. Mấy đứa có hiểu không?

- Dạ hiểu... dạ hiểu.

- Ừm thôi mình về có được không?

- Dạ về.

27/10/2024.

[Duyên Gái] Đồn Điền Đất ĐỏNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ