Hoài Ân thức dậy sớm, theo thói quen đọc sổ sách ở trong phòng, chốc lát lại nhìn qua Thiên Hỷ vẫn còn đang chìm trong giấc mộng đẹp, khoé miệng nàng không tự chủ lại cong lên một nụ cười ấm áp. Mắt Hoài Ân có chút mỏi nên ngó ra cửa sổ thư giãn. Trời hôm nay thật là đẹp, không khí trong lành, gió nhè nhẹ, nắng cũng không quá gắt. Đỗ quyên trổ hoa đỏ rực, một cánh hoa rơi ngay tầm mắt. Hoài Ân nhẹ chân ra khỏi phòng khẽ gọi:
- Lam ơi.
Con Lam ở phòng bên cạnh liền nghe thấy:
- Dạ, cô hai gọi em?
Nàng khẽ đáp:
- Tôi muốn vẽ, em chuẩn bị giấy với màu nha.
- Dạ.
Con Lam lập tức đi lấy giấy với ít màu dầu. Nó cũng bê luôn cái giá đỡ với khung tranh từ sau đi vòng qua bên hông toà nhà đi ra phía trước để đặt dưới gốc cây đỗ quyên cho cô hai. Nó biết thói quen của Hoài Ân, có lẽ hôm nay tâm trạng tốt cô hai nên mới bày giấy màu ra vẽ. Mà cô hai vui thì nó cũng vui. Tuy mang đồ khệ nệ nhưng miệng nó vẫn hý hửng hát câu hôm qua được vú Kim cho nghe bằng cái máy hát cũ:
- Từ là từ phu tướng bảo kiếm sắc phán lên đàng. Ui da...
Mãi mê hát hò, lại bị khung tranh che khuất tầm nhìn. Con Lam vô tình tông trúng ai đó từ phía đối diện đang đi vào. Cả khung tranh và giá đỡ đều rơi xuống đất. Con Lam giật mình vội kiểm tra, nó thở phào khi không bị hư hại gì hết. Chỉ có hộp màu dầu là rơi vươn vãi khắp nơi. Chưa kịp lượm ại thì đã nghe tiếng quát:
- Con nhỏ này mắt mũi mày để ở đâu vậy hả?
Giọng Ba Tòn dữ tợn nhìn nó mắng. Con Lam thấy ông cai trợn mắt, nhớ lại cảnh ông ta thẻo thịt thằng nhỏ hôm bữa ở đồn điền thì nó hơi sợ trong lòng, mặc dù mỏ nó hỗn, trước giờ ít chịu thua ai. Bảy Xị cũng từ phía sau đi tới cau mài nhìn nó. Ba Tòn bị Hoài Ân bắn ở chân, phải chống nạn mới có thể lê lết đi, còn bị con Lam đụng trúng, đầu giá đỡ khung tranh chọt vào ngực nên đau đến phát bực. Khó khăn bước lại nắm một bên lỗ tai con Lam mà nhéo:- Mày còn trơ mặt ra đó nhìn tao hả?
- Chứ ông, ông muốn con phải làm gì? Con té cũng đau mà...
- Mẹ mày, còn dám trả treo với tao nữa.
Ba Tòn quen thói hung bạo với phu cu li ở đồn điền, nên giơ tay đánh lên đầu nó một cái khá mạnh. Con Lam co rúm người.
- Ông buông con ra đi mà.
- Tao không buông thì sao hả? Con ranh mày mau lượm cây nạn lại cho tao. Nhanh lên. Không tao móc mắt mày.
- Thì ông buông ra con mới đi lượm được chứ.
- Hừ, thứ đàn bà con gái ngồi đái không qua ngọn cỏ như mày. Chỉ đáng rúc mặt ở xó bếp, giặt giũ nấu nướng thôi biết chưa. Ra đường chỉ gây thêm phiền phức thiên hạ.
Ba Tòn mang theo cái chân bị thương cùng nỗi oán hận vì vừa bị đuổi việc. Hôm nay cùng Bảy Xị đến đây gặp ông Kiến Văn mà năn nỉ. Cũng chưa biết có gặp được ông chủ Văn hay không. Lại bị con Lam đụng trúng nên thuận miệng mắng chửi mấy câu như để xả cơn thịnh nộ trong lòng. Nào có ngờ xui cho con Lam một thì xui cho Ba Tòn đến tận mười. Mấy lời oán hận, sặc mùi miệt thị ấy lại vừa vặn bị Hoài Ân nghe thấy. Nàng ngồi cạnh cửa sổ mái vòm đã nghe hết mấy lời đầy ám chỉ ấy. Giọng nhẹ tênh, hờ hững nói vọng ra:
- Vậy sao?
Cả ba người ở dưới đều chưng hửng, tim Ba Tòn như thót lại. Đảo mắt tìm kiếm nơi phát ra giọng nói ấy ú ớ.
- Cô... cô hai.
Hoài Ân hờ hững chống tay lên thành cửa sổ mái vòm, ló mặt xuống nhìn hắn. Cười nhạt hỏi tiếp:
- Vậy như lời ông nói thì tôi cũng phải làm những việc đó đúng không?
Ba Tòn sợ đến mặt cắt không còn giọt máu, Bảy Xị cũng im re bất lực. Định tìm ông chủ Văn để xin xỏ. Ông chủ còn chưa gặp đã lại gây ra chuyện. Phen này có trời mới cứu nỗi cai Ba. Biết mình đã chạm đến người không nên chạm. Ba Tòn tái mét vội chấp tay vừa như giải thích vừa như van xin:
- Ý,.. ý tôi không phải như vậy thưa cô.
- Kể từ ngày mai, mỗi bữa ông phải đến dinh thự giặt hết số quần áo của những người ở đây. Để cho ông biết đó không phải là việc riêng của người phụ nữ phải làm. Rõ chưa.
- Rõ, rõ rồi thưa cô.
Ba Tòn đanh mặt, tức giận nhưng không thể phát tiết. Vẫn phải kiềm chế hướng nàng mà nài nỉ:
- Tôi muốn gặp ông chủ, cô cho tôi gặp ông chủ Văn một chút.
Hoài Ân biết là rác mà khui lên thì sẽ rất bẩn và thối. Nhưng nếu không khui lên, dọn dẹp sạch sẽ thì mớ rác rưởi ấy vẫn sẽ còn tồn tại. Từ ngày này qua tháng nọ, từ một mớ rác nhỏ thành một mớ rác lớn. Rồi từ một mớ rác sẽ thành một đống rác, một bãi rác. Nàng không cho phép những loại rác như vậy tồn đọng trong đồn điền của mình, dứt khoác đáp:
- Ông có gặp cha tôi cũng không thể thay đổi được gì đâu. Một là ông làm việc giặt giũ rửa chén bát ở dinh thự. Hai là ông xuống lô cạo mủ, đắp để chung với phu cao su. Ông tự chọn đi.
Lời này như chấm dứt hy vọng cầu xin của Ba Tòn. Hắn vừa hiểu nhưng lại không thể làm gì đứa con gái lãnh khốc ấy. Ngẫm nghĩ nếu như đứa con gái kia không phải con ông Kiến Văn thì hắn đã đâm mấy nhát vào người nó cho hả giận rồi. Thế nhưng hiện thực vẫn rất tàn khốc, Hoài Ân là chủ còn hắn... trời định suốt đời là tôi tớ của nàng.
- Cô.
- Tôi không muốn nhìn thấy ông ở đây nữa. Mau đi đi.
Hoài Ân đóng cửa sổ tránh để tiếng ồn làm phiền đến Thiên Hỷ của nàng vẫn còn đang ngủ. Nàng mất hứng không vẽ nữa, đợi con Lam pha nước tắm rửa rồi thay đồ mới tươm tất. Ông Cộc chậm chạp đứng đợi ở bên ngoài, chừng thấy cô chủ ra mới nói:
- Ông dặn tôi nhắc cô hai là hôm nay có ông bác vật đến. Ông nói cô ở nhà tiếp đón một chút.
Hoài Ân gật đầu.
- Vậy chắc cha tôi cũng có dặn vú Kim chuẩn bị tiệc đãi khách rồi đúng không?
- Bà Kim đã chuẩn bị hết rồi thưa cô hai.
Hoài Ân chợt nhớ đến hai ngày trước, vì các bậc thềm đá rêu đóng quá dày khiến ông Cộc bị trượt chân, không nặng nhưng đối với người đã ở tuổi sáu mươi như ông Cộc thì cũng là một vấn đề. Sau đó, Hoài Ân cũng gọi người đến cạo sạch lớp rêu ấy đi để tránh cho những người trong dinh thự gặp nguy hiểm. Nhất là Thiên Hỷ với con Lam hay chạy nhảy, đi đứng tâm hơ tâm hất rất dễ té ngã.
Nàng ngập ngừng một chút rồi mới hỏi:
- Cái chân của ông hôm nay sao rồi?
Ông Cộc có chút ấm áp trong lòng đáp:
- Đã bó thuốc nên đỡ rồi cô.
- Nếu còn đau thì đi nhà thương, chứ để vậy không tốt đâu.
- Cám ơn cô hai. Tôi xuống nhà dưới đây.
8/9/2024.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Duyên Gái] Đồn Điền Đất Đỏ
Fiction généraleBối cảnh: đồn cao su ở miền đất đỏ. [Thông cáo ai muốn đi Nam Kỳ và Cao Miên.] Trong đó ghi đãi ngộ cho phu như: Tiền công 8 hào một ngày. Có chỗ ở, được chăm sóc y tế khi đau ốm, nhận cả phu đi cùng gia đình, con cái được nhận nuôi ngay khi ký giấ...