Hai người thủng thẳng đi ra sau trang viên. Cây cầu gỗ vẫn nằm trơ trọi ở đó không có nhiều thay đổi. Chỉ có thêm một cánh cửa rào ngay đầu bên đây cầu, ngăn cách phía nơi trồng rau với khuôn viên ngôi nhà mộ. Tiếng suối róc rách như một thứ âm thanh chữa lành vô cùng hiệu quả. Tách biệt với thế giới xô bồ ngoài kia.
- Mợ lại ra đây dọn dẹp à?
- Ừm.
- Có cần con phụ không?
Thiên Hỷ hỏi theo thói quen. Mặc dù nó đã đoán trước được câu trả lời. Rằng mợ chắc chắn sẽ nói không cần. Nhiều năm rồi nó cũng hiểu, ngôi nhà mộ kia là cấm địa. Ngoài ông với mợ ra thì không ai được đặt chân vào nơi ấy. Cũng giống như toà nhà chính của dinh thự vậy. Không ai được phép bước vào. Có điều ngoài dự đoán của nó. Lần này mợ không lập tức từ chối, chỉ im lặng một lúc, mãi khi cả hai đến trước cổng ngôi nhà mộ. Mợ mở cổng, bước chân nhưng không lập tức vào. Lại đứng ngay đó nhìn nó như đợi chờ.
Thiên Hỷ hơi bất ngờ, thấy mợ nhướng mài nhìn nó nói:
- Còn không mau vào?
- Con được vào thật hả mợ?
- Ừm vào đi.
Vẫn chất giọng nhẹ tênh, có chút hời hợt ấy. Thiên Hỷ lại bất ngờ vô cùng nhưng cũng rất nhanh chân đi theo. Nó nhìn thấy một ngôi mộ đá cùng cây thánh giá đơn sơ. Bị cơn mưa đêm qua nên lá khô rơi lác đác dưới nền. Trần tường và hương án đều được làm bằng đá xanh.
Mợ dưa tay làm dấu thánh giá, xong quay qua nhìn nó, đưa bàn gầy guộc chỉ vào hai ô được kẽ sẵn hai bên chầm chậm nói:
- Kia sẽ là chỗ của ông, đây là của bà, còn bên này là của mợ.
Thiên Hỷ đương nhiên cũng hiểu. Nó không biết nói gì, chỉ đưa tay phủi mấy lá cây khô trên mộ đá xuống. Mợ lại nói:
- Chỗ của Hỷ sẽ ở bên cạnh mợ.
Thiên Hỷ có chút sợ hãi khi nghe mấy lời này từ mợ. Nó hơi khựng lại, mợ lại hỏi:
- Con không muốn ư?
Nó lắc đầu:
- Không phải, chỉ là con hơi sợ.
Nó lại thấy mợ cười nhạt, nụ cười mang theo mấy phần hụt hẫn:
- Sợ cũng đúng thôi. Con còn trẻ mà sao lại chịu ở mãi cái nơi u buồn này chứ.
Hoài Ân lặng lẽ quay sang mặt đá gra-nít lạnh lẽo. Đứa trẻ năm nào nay đã lớn, có phần cao hơn cả mình. Mặc dù lòng có chút không nỡ nhưng cũng không thể ích kỷ ép buộc nó chôn vùi tuổi xuân ở lại nơi này với mình. Đời nàng xác định không muốn rời khỏi đây nhưng con bé thì nàng không chắc. Chim non khi trưởng thành, đủ lông đủ cánh sẽ bay đi tìm phương trời mới. Nào có lồng son nào mãi trân quý. Chim sổ lồng rồi, biết thuở nào mà quay về.
Đối diện với ánh mắt trầm buồn nhưng đẹp đến nao lòng của Hoài Ân. Có chút giống với cái lần đầu tiên nó gặp mợ. Dù thời gian có trôi qua bao lâu, vạn vật có đổi thay thế nào đi nữa. Hình ảnh ấy vẫn không thay đổi, là ký ức vĩnh hằng trong lòng của Thiên Hỷ. Giây phút ấy nó mất đi người sinh ra nó nhưng ông trời lại bù đắp cho nó một người quan trọng không kém. Ông trời có vẻ trêu ngươi nó nhưng không thể phủ nhận rằng chính khoảnh khắc ấy đã đổi thay cả cuộc đời của nó. Nó có lớn lên cũng không muốn rời xa mợ dù chỉ một giây. Nó sợ cảnh phải mất đi mợ giống như đã từng mất đi má ruột năm đó. Nhưng nó làm sao hiểu được suy nghĩ của mợ. Nó chỉ muốn hỏi:
- Mợ cứ ở đây mãi không chán ư? Sau này khi con học xong sẽ rước mợ xuống Sài Gòn sống với con có được không?
Hoài Ân cười nhạt, lắc đầu không đáp. Thiên Hỷ có chút không hiểu trước sự giam mình trầm mặc bấy lâu của mợ, lại cố hỏi:
- Sao mợ cứ phải tự nhốt mình trong cái lồng son này vậy. Mợ có thể chọn một cuộc sống tốt đẹp hơn, vui vẻ hơn mà.
- Hỷ không hiểu đâu. Ở đây mọi thứ đều đã trở thành một phần đời của mợ rồi. Mợ sinh ra ở đây, lớn lên ở đây và cũng sẽ chết đi ở đây.
Hoài Ân hiểu, nàng có trách nhiệm với nơi sinh trưởng ra mình. Không vì riêng nàng, còn có nhiều người khác ở đồn điền cao su.
- Mợ không cô độc, mợ còn có con mà.
- Hỷ sẽ lớn, sẽ lập gia đình rồi cũng sẽ rời đi.
Bóng lưng Hoài Ân có chút cô độc, khẽ xoay mặt đi.
- Không, con sẽ ở bên cạnh. Chỉ cần mợ không đuổi con, con vẫn sẽ ở đây. Con chỉ muốn ở cạnh mợ mãi như vậy mà thôi.
- Khờ quá.
- Con không hiểu... thật sự không hiểu nỗi mợ mà.
- Dọn dẹp lá khô quanh mộ giúp mợ đi.
Nhiều năm như vậy, Hoài Ân mới cho một người lạ vào nhà mộ của má mình. Cũng lần đầu tiên nàng để cho một người khác giúp đỡ mình dọn dẹp ngôi mộ của người quan trọng nhất đời mình. Chính bản thân nàng cũng không biết vì sao. Chỉ cảm thấy có chút nhẹ lòng khi nghe mấy lời ấy của Thiên Hỷ.
Có điều này mãi đến khi Thiên Hỷ lên học ở trường nữ sinh. Nó mới tình cờ biết tên thật của mợ nuôi trong lúc đi làm giấy tờ. Hoá ra mợ tên là Ân. Tên đẹp mà mợ nó cũng đẹp như tên. Nó cứ lẩm bẩm cái tên ấy mãi. Phan Hoài Ân, Phan Thiên Hỷ.
........
Buổi tối này, Hoài Ân được thơ từ trường học của Thiên Hỷ. Nàng đọc xong gấp bức thơ lại rồi mở hộc bàn cất vào. Không rõ trong thơ nói gì mà hai hàng chân mài thanh mãnh khẽ nhíu lại. Bên trên bàn còn có một phong thơ đóng dấu của bưu cục khác. Hoài Ân lại lật ra đọc rồi mở quyển sổ ra ép vào chứ không cất vào hộc bàn như lá thơ kia.
Xong nàng lại mở cửa phòng đi xuống nói với bà vú Kim:
- Vú chuẩn bị ít thức ăn ngon để sẵn trong nhà. Nhớ nói với sốp phơ sửa soạn xe ngày mai con đi đồn điền một chuyến.
Vú Kim mở sổ ra ghi lại lời dặn của cô chủ, con Lam ngồi bên cạnh đã quen với chuyện này nhưng vẫn hỏi:
- Em Hỷ về hả cô hai?
Dù con bé Hỷ năm nay đã lớn nhưng con Lam vẫn quen miệng gọi nó như lúc còn nhỏ. Có điều thân phận nó bây giờ đã khác nên lượt bỏ chữ con, chỉ dám
gọi bằng em Hy mà thôi.- Ừm.
- Hình như học trò chưa tới kì bãi trường mà.
Hoài Ân không đáp, chỉ quay người rời đi. Nét mặt quả thật có chuyện không vui. Về đến phòng nàng lại trầm ngâm ngồi trên ghế dài hướng ra cây đỗ quyên. Thói quen nhiều năm nay vẫn như vậy. Giống như lời tự tình của đêm đen không hề gian dối. Mới thật sự là nàng.
5/9/2024.

BẠN ĐANG ĐỌC
[Duyên Gái] Đồn Điền Đất Đỏ
Tiểu Thuyết ChungBối cảnh: đồn cao su ở miền đất đỏ. [Thông cáo ai muốn đi Nam Kỳ và Cao Miên.] Trong đó ghi đãi ngộ cho phu như: Tiền công 8 hào một ngày. Có chỗ ở, được chăm sóc y tế khi đau ốm, nhận cả phu đi cùng gia đình, con cái được nhận nuôi ngay khi ký giấ...