Chương 1: Thân thế

925 44 10
                                    

Tại khách sạn Bá Huê Lầu. 

Hoài Ân bị một ngày dài di chuyển mệt mỏi nên vừa ngã lưng được một chút đã chìm vào giấc ngủ. Đến gần sáng tỏ, tiếng gõ lốc cốc của mấy gánh hàng bên dưới đường làm cô thức giấc. Mái tóc loã xoã quá vai, hai tay áo lụa thùng thình để lộ bắp tay trắng nõn. Bộ dáng vừa mới ngủ dậy của nàng có chút lả lơi câu hồn.

Hương thơm của sáp phòng đắt tiền lan toả khiến không khí buổi sớm mai dễ chịu vô cùng. Hoài Ân có chút lười nhác nằm nghiêng người trên chiếc giường đồng đỏ êm ái, nhìn cây kim đồng hồ ô đô khẽ nhích từng giây. Bên ngoài trời dần hừng sáng. Hoài Ân lại bất giác sờ lên chiếc nhẫn trên ngón tay. Nàng rất muốn tháo nó ra quăng xuống đường. Lòng vô cùng khó chịu khi nghĩ đến cuộc hôn nhân cha mình đang sắp đặt.

Hoài Ân là ái nữ duy nhất của ông Kiến Văn, chủ mấy đồn điền cao su lớn ở miền đông Nam Kỳ. Thế lực cùng tài chính hùng mạnh vô cùng. Song, ông Kiến Văn lại ẩn mình trong dinh thự ở lưng chừng đồi, không tiếp xúc quá nhiều với thế nhân.

Để nói về ông là cả một giai thoại.

Thuở còn tráng niên, trong một lần đi xem hát ở Mỹ Tho, trúng ngay vở tuồng "Giao Tình Quân Tử", ông Kiến Văn vươn mối tơ tình sâu đậm với một cô đào nhỏ hơn ông bốn tuổi, cô đào trẻ của gánh hát nức tiếng khắp lục tỉnh Nam Kỳ lúc bấy giờ.

Ông Kiến Văn rất vừa mắt cô nọ. Yêu người vạn sự chẳng nề, dẫu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng. Ông Kiến Văn không tiếc công sức theo đuổi. Nhưng cô đào ấy tỏ rõ thái độ, chỉ bán nghệ chứ không bán thân. Vậy mà ông Kiến Văn vì mối tình riêng trong lòng mà ích kỷ, nhất quyết ép liễu nài hoa. Dùng bạc tiền và các mối quan hệ để gây áp lực lên gánh hát, buộc cô đào phải chấp nhận qua lại rồi dan díu với ông. Cô đào đứng mũi chịu sào, để giữ sự bình yên và  miếng cơm manh áo cho những người trong gánh đành phải nhắm mắt đưa chân chấp nhận theo ông về dinh thự. Ông chủ Văn cũng rất giữ lời hứa, lập hôn ước với cô theo đủ luật. Yêu thương chiều chuộng đủ điều.

Sau khi cô đào cấn thai, sinh được một mụm con gái, ông Kiến Văn vui mừng vô cùng, chiều theo ý vợ đặt tên con gái là Thanh Yên. Thanh ý chỉ sự thanh cao, thanh bạch, luôn có khí chất điềm đạm, nhẹ nhàng và cao quý. Yên là trong từ yên bình, yên ả. Thanh Yên hàm ý mong con gái luôn có cuộc sống ý nghĩa yên bình. Trong tiếng Hán, "Yên" cũng còn có nghĩa là làn khói, gợi cảm giác nhẹ nhàng, an nhiên.

Những tưởng lấy được chồng giàu sang sẽ được nương nhờ tấm thân thì bất ngờ các thời báo ở Sài Gòn - Chợ Lớn đồng loạt đưa tin cô đào mất khi tuổi đời còn son trẻ. Người ta đồn đoán một phần nguyên nhân là vì sự phân biệt giàu nghèo cùng sự hà khắc đến cay nghiệt của gia đình chồng. Cô đào ngậm đắng nuốt cay vì con, đến cuối cùng tinh thần kiệt quệ không chịu đựng được nữa, cô quyết định treo mình tự vẫn ở gốc cây đỗ quyên bên cạnh ngôi dinh thự sa hoa. Cũng từ đó người ta ít thấy ông Kiến Văn lộ diện. Có người đồn cho rằng ông vì nhớ vợ nên quyết giam mình, cũng có người nói ông bị tai biến nên chỉ có thể nằm một chỗ. Nhưng cuối cùng mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở lời đồn, không ai xác thực được.

Sau khi cô đào mất ông Kiến Văn buồn rầu nên mới đổi tên con gái thành Hoài Ân. Hoài trong hoài niệm, Ân trong ân tình. Như một cách để tưởng nhớ đến người vợ quá cố của mình.

Hoài Ân năm nay mười tám tuổi, con gái giống tính cha. Từ nhỏ lại không gần mẹ, nàng tự thu mình vui buồn đều không nói cho ai biết. Tư chất nhạy bén thông minh, nhan sắc xinh đẹp minh diễm, song tánh tình lại lãnh đạm, ít nói ít cười. Có điều càng lớn gương mặt Hoài Ân lại càng giống mẹ. Ông Kiến Văn từng ngày chứng kiến con gái lớn lên mà nỗi nhớ vợ vẫn không nguôi ngoai chút nào. Bởi vậy con muốn gì ông cũng chiều. Song, cái cách dạy con của ông không giống như những bậc phú hào xưa nay. Ông cũng biết tính cách Hoài Ân không yểu điệu như những cô gái nhà giàu được cưng chiều khác.

Hoài Ân lại là đứa con duy nhất cô đào để lại cho mình. Cũng là sợi dây liên kết mỏng manh giữa hai người. Ông Kiến Văn xác định sau này mọi thứ đều để lại hết cho con gái. Bởi vậy ông rèn luyện, dung dưỡng con gái trở nên cứng cỏi, khôn ngoan biết cách cai quản đồn điền. Hoài Ân là phiên bản nhỏ của chính cha mình. Năm Hoài Ân mười lăm tuổi, ông chủ Văn có đưa một người tên Mộc đến dinh thự dạy cô cách dùng súng để có thể tự bảo vệ bản thân khi cần thiết. Ông xem con gái như bảo vật trong tay mà yêu thương, che chở. Từng bước đều là để trải đường cho con gái có một đời không lo cơm áo gạo tiền. Một cuộc sống đầy gấm hoa.

Ông Kiến Văn là một chủ đồn điền mưu mô xảo quyệt trong cuộc làm ăn, lãnh khóc vô tình với những người phu làm việc dưới trướng mình. Có điều trời sinh tính Hoài Ân không tàn độc như cha mình, nàng tuy là chủ, ít nói nhưng không đến nỗi lột da xé thịt con nhà nghèo.

Kẻ không biết thì nghĩ Hoài Ân có số sung sướng, sinh ra đã mang mệnh phú quý. Duy chỉ có người trong cuộc như chính nàng mới hiểu nỗi thống khổ chẳng nói thành lời. Hoài Ân muốn cái gì cha nàng cũng đều có thể đáp ứng. Trời phú cho nàng gương mặt xinh đẹp,  gia thế không thiếu bạc tiền.

Hoài Ân có tất cả mọi thứ nhưng nàng lại... không có mẹ. Đó là điều mà cả đời Hoài Ân luôn mong ước.

Tác giả: 30/8/2024. Một ngày đẹp trời để bắt đầu bộ truyện mới. Hy vọng các ní sẽ ủng hộ tuii.

Rất tiếc! Hình ảnh này không tuân theo hướng dẫn nội dung. Để tiếp tục đăng tải, vui lòng xóa hoặc tải lên một hình ảnh khác.
[Duyên Gái] Đồn Điền Đất ĐỏNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ