Ông chủ Văn chưa rõ người này là ai, lại thấy ý giễu cợt thì trầm giọng:
- Mày nói cái gì?
Duy Bách nghe được cuộc nói chuyện của ông Hai Thanh và Hoài Ân lúc ở trong đám cháy, biết được ông Hai Thanh tự nhận mình là cha ruột của Hoài Ân. Cậu không rõ ràng sự việc nhưng khi thấy hai người cha này giáp mặt ở đây. Cũng tò mò chờ đợi xem cuối cùng Hoài Ân là con của ai. Nếu là con của người đàn ông tên Hai Thanh thì khoảng cách giàu nghèo giữa hai người cũng vô tình được rút ngắn. Mà cho dù cô có là con của ai đi nữa, đối với cậu cũng đều là tin tốt.
- Tôi nói không phải sao? Ông vẫn ích kỷ, vẫn coi thường sinh mạng và số phận người khác như vậy.
Ông chủ Văn nhìn kỹ người đàn ông, dần dà mới nhận ra giọng nói này. Hoá ra là người quen đã rất lâu không gặp. Sắc mặt có chút biến đổi, hàm răng cũng bành lại:
- Thì ra là mày...
Ông chủ Văn không tự chủ mà nhìn Hoài Ân qua lớp cửa kính.
- Chớp mắt đã hơn ba chục năm rồi ông vẫn ác độc như hồi đó. Ngay cả con của Ngữ Yên cũng muốn hại.
Ông chủ Văn nghe đến cái tên ấy thì tức giận:
- Mày không có quyền nhắc đến cô ấy.
- Hừ, ngày đó ông nhất quyết bắt Ngữ Yên rời khỏi gánh hát. Ông làm sao không biết cô ấy có thai mà vẫn ép liễu nài hoa. Không quan tâm cô ấy khổ sở như thế nào. Tôi cứ nghĩ ông sẽ chăm sóc bảo vệ được cho cô ấy, nào ngờ ông lại để cô ấy chết tức tưởi như vậy? Bây giờ đến cả con gái của cô ấy ông cũng không thể thay cô ấy chăm sóc. Ông là kẻ ích kỷ, không xứng đáng với tình yêu của Ngữ Yên.
Từng lời trách móc của ông Hai Thanh đều rất rõ ràng rành mạch. Lại khiến nỗi đau sâu thẫm bị khơi gợi khiến ông chủ Văn như phát điên.
- Nếu tao không xứng thì cái thứ mạt hạng như mày xứng đáng ư?
Ông Hai Thanh đi lại nhìn Hoài Ân nằm bên trong. Vẫn tin chắc Hoài Ân là đứa con năm đó của mình và cô đào Ngữ Yên. Năm đó là lỗi của ông, do ông đến trễ khiến cho cô đào Ngữ Yên hiểu lầm, thất vọng rồi chấp nhận người mà cô không yêu nên mới dẫn đến kết cục bi thương. Ông cũng ôm mối ân hận suốt nhiều năm. Bây giờ trước mặt con gái, ông không muốn lại vụt mất cơ hội một lần nữa.
- Tôi nghèo nhưng chí ít Ngữ Yên nguyện ý yêu tôi. Còn ông chỉ dùng quyền uy và thế lực để ép buộc cô ấy.
Ông chủ Văn cười cợt nhã:
- Chính vì mày nghèo nên mới không giữ được người thương. Để lọt vào tay tao còn tiếc nuối cái gì?
- Nhưng Hoài Ân là con của tôi. Bạc tiền của ông cũng không thể thay đổi được điều đó.
- Đúng tao không thay đổi được... nhưng tao chắc chắn rằng gia tài của tao có thể đảm bảo cho Hoài Ân sống một đời ấm no. Dưới vây cánh của tao, con bé sẽ không bao giờ phải chịu thiệt thòi. Còn mày thì sao? Có làm được không? Hay chỉ theo mày để rồi tiếp nối cái sự nghèo khổ của mày?
Những lời này lại khiến cho ông Hai Thanh im lặng. Ngưng một lát ông chủ Văn mới tiếp tục:
- Cho dù mày có nói ra cũng chưa chắc con bé sẽ tiếp nhận. Một người cha nghèo hèn như mày.
- Ông nói không để con bé chịu thiệt, vậy mà ông để nó thành ra như vậy? Ngữ Yên ở bên ông thì treo mình tự vẫn, con gái cô ấy thì xém bị lửa thiêu chết.
Tình thương của ông lúc nào cũng đáng sợ như vậy hết.Chỉ tay về phía Hoài Ân đang nằm, ông Hai Thanh lại nói:
- Giấy thì không gói được lửa, ông cũng không thể giấu được suốt đời đâu. Dù con bé có nhận tôi là cha hay không... tôi cũng sẽ nói sự thật cho nó biết. Vì Ngữ Yên, vì con bé tôi nhất định phải nói. Tôi mới là cha của nó.
Năm đó, kép Nguyên Thanh và chánh đào Ngữ Yên vốn là một cặp đào kép ăn ý trên sân khấu lẫn ngoài đời. Họ cũng yêu nhau tha thiết, từ cái liếc mắt, cử chỉ hành động trao nhau yêu thương đều là từ tận đáy lòng mà phát ra. Lời ca tiếng hát đầy khảng khái lại càng sâu lắng. Cái "thật" ấy khiến cho bao nhiêu người nghe thổn thức, si mê. Mới tạo nên cái sự nổi tiếng khắp lục tỉnh. Gánh hát đi đến đâu, lại khơi dậy cái khí khái hào hùng qua từng vở tuồng.
Cho đến khi gã trai tên Kiến Văn xuất hiện. Mối tình ấy dần trở nên bi thương, ông bầu buộc phải đuổi cô đào Ngữ Yên ra khỏi gánh để đảm bảo sự an toàn cho những người hoạt động chính sự ẩn nấp trong gánh hát. Trong lúc ấy, cô đào Ngữ Yên lại đang cấn bầu ba tháng, bụng lúp súp nên không ai để ý. Chừng thầy đờn Năm Kỳ biết được thì từ mặt con gái. Cô đào Ngữ Yên ôm cái thai trong bụng, hẹn người yêu ở bến tàu cùng nhau bỏ trốn ra Bắc. Nào ngờ người đến khi ấy không phải là người thương mà lại là Kiến Văn. Cũng từ đó, cuộc sống cô đào rẽ sang một hướng khác. Rồi dẫn đến quyết định vô cùng bi thảm.
Ông chủ Văn nhớ lại cố nhân mà ông yêu bằng cả trái tim. Cố chấp không chịu thừa nhận, bản thân chưa từng được cô đào Ngữ Yên yêu, dù chỉ là một giây một phút. Cảm giác này khiến cho trái tim già nua cằn cõi của ông vô cùng khó chịu. Ông chủ Văn bật cười gằn đầy hung hiểm:
- Giấy không thể gói được lửa. Hừ, vậy thì mày lầm rồi.
Dứt lời, ông xoay đầu cây gậy ba toong một vòng, cạch một tiếng từ đầu gậy rút ra một mũi dao nhọn hoắc. Đây vốn là vũ khí phòng thân bí mật mà hồi trẻ ông biết được từ một tên quý tộc người Pháp. Mũi dao ẩn giấu trong cây gậy ba toong theo ông suốt nhiều năm. Bây giờ mới có dịp sử dụng. Ông chủ Văn đanh mặt, đâm thẳng vào ngực tình địch của mình lúc còn trẻ. Sau đó không do dự mà rút ra.
Ông Hai Thanh không phòng bị nên lĩnh trọn cú đâm. Duy Bách cũng bất ngờ, thản thốt nhìn gương mặt tàn ác của ông chủ Văn. Chỉ kịp đỡ thân thể ông Hai Thanh đang dần gục xuống, hai mắt trợn trừng, nhìn ông chủ Văn rồi lại nhìn vào nơi Hoài Ân đang nằm.
- Tao nói cho mày biết không có bất kỳ cái thai nào tồn tại hết. Hoài Ân là con của tao... nó là con của tao... mày nghe rõ chưa hả?
Ông chủ Văn rít qua từng kẽ răng, mặt vẫn đỏ bừng, đằng đằng sát khí. Sau đó, mới chậm rãi lau sạch những giọt máu trên mũi dao rồi gắn lại đầu gậy ba toong.
- Hừ... tao đã muốn lấy mạng của mày từ lâu lắm rồi.
- Ông... ông ác đức lắm. Hoài... Ân.
13/10/2024.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Duyên Gái] Đồn Điền Đất Đỏ
Genel KurguBối cảnh: đồn cao su ở miền đất đỏ. [Thông cáo ai muốn đi Nam Kỳ và Cao Miên.] Trong đó ghi đãi ngộ cho phu như: Tiền công 8 hào một ngày. Có chỗ ở, được chăm sóc y tế khi đau ốm, nhận cả phu đi cùng gia đình, con cái được nhận nuôi ngay khi ký giấ...