Chương 22 - Lên Đường

17 1 0
                                    

Một ngày đẹp trời đầu tháng hai, Lạc An Kỳ nữ Bách Phong Linh dẫn theo tỳ nữ cận thân là tiểu Lan cùng đoàn hòa thân của Trịnh quốc bắt đầu khởi hành tới Tấn quốc. Người dẫn đầu sứ đoàn lần này là Trịnh quốc Lễ bộ Thượng thư Lương Minh Viễn.

Lạc An thành nằm ở phía bắc Trịnh quốc, muốn tới Tấn quốc ở phía Nam thì phải đi một quãng đường dài gần bằng cả chiều dài lãnh thổ Trịnh quốc.

Đoàn người đa số là xe ngựa chở người và rất nhiều lễ vật. Xe ngựa chở nặng, cộng thêm mấy vị tiểu thư kinh đô không quen đi đường dài, nên sứ đoàn di chuyển rất chậm rãi, vừa đi vừa ngắm cảnh. Đa số những người ở đây cả đời sống ở Lạc An, chưa bao giờ có cơ hội du ngoạn như lần này.

Chuyến đi này ước tính sẽ kéo dài gần hai tháng.

Bách Phong Linh cả ngày ngồi trên xe ngựa. Mỗi ngày của nàng ngoài ăn với ngủ thì cũng chỉ có đọc sách, luyện tinh thần lực, và nói chuyện phiếm với Tiểu Lan.

Mấy hôm đầu, Bách Phong Linh có tới tiếp kiến Hải Quỳnh công chúa muốn cùng nàng đánh cờ giải sầu, nhưng đều bị nàng khéo léo từ chối.

Những người thân thích nhất của Trịnh Hải Quỳnh, mẫu hậu và hoàng ca của nàng, chỉ trong một đêm liền bất ngờ bị gán tội, tước quyền rồi ép phải tự sát. Bản thân nàng lại bị chính Nhị hoàng huynh của chính mình đưa đi làm tặng phẩm cho Tấn quốc. Trải qua nhiều chuyện như vậy, Hải Quỳnh công chúa ngày thường hoạt bát, giờ bỗng trở nên ưu tư và tiều tụy.

Viên dạ minh châu của Trịnh đế ngày nào, giờ đã trở thành một tâm hồn buồn bã và cô đơn.

Bách Phong Linh tự thấy mình phần nào đó cũng có lỗi với Hải Quỳnh công chúa nên cũng ngại ngùng không dám đối mặt với nàng ấy. Nàng ấy ra nông nỗi này, công sức của nàng trong đó cũng chẳng hề nhỏ. Tính toán chi li thì công sức của nàng cũng phải tới năm phần.

Sứ đoàn hòa thân ban ngày di chuyển, ban đêm tìm thành trấn nhỏ ngủ lại. Những nhân vật quyền quý ở đây đều không quen ăn đồ bình dân, ngủ giường gỗ cứng, hay là ngồi xe quá lâu, thế nên, chỉ hơn mười ngày sau là mặt ai nấy cũng đều phờ phạc.

Hơn nửa tháng sau khi rời khỏi Lạc An thành, đoàn người tới An Hòa thành, một trong những thành thị lớn nhất của Trịnh quốc. Đây cũng là thành trì đầu tiên mà đoàn người đặt chân tới sau một chuỗi ngày dài.

Lương Minh Viễn biết mọi người mệt mỏi, liền hạ lệnh nghỉ ngơi ở An Hòa thành trong vòng ba ngày.

Bách Phong Linh không mệt. Ngược lại, tinh thần của nàng vẫn rất dồi dào. Khi những người khác nghỉ ngơi lấy lại sức, thì nàng lại có nhã hứng đi dạo.

An Hòa thành là thành trì ở trung tâm của Trịnh quốc, có thể coi là nơi thương mại phát triển nhất toàn quốc. Đường phố của An Hòa thành có đủ loại người, khác nhau từ màu da, khẩu âm, tới phục trang và cách hành xử.

Thương nhân Tấn quốc và Tề quốc mặc trang phục khác với người Trịnh quốc, Bách Phong Linh vừa nhìn là có thể phân biệt được.

Tấn quốc giàu có hơn Tề Trịnh nhị quốc, y phục có rất nhiều kiểu sặc sỡ. Không những thế, bọn họ giao thương qua lại với thảo nguyên phương nam, nên đồ lông thú rất thịnh hành trong giới phú thương. Thời tiết mùa xuân mát mẻ, Trịnh quốc lại lạnh hơn Tấn quốc một chút, nên trên người thương nhân Tấn quốc bây giờ đều là lông cừu với lại lông lạc đà.

Mộng Điệp Kỳ TruyệnNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ