Chương 74 - Đêm Khuya Ở Phượng Phủ

5 1 0
                                    

Trước Thịnh Thi hội hai ngày, Bách Phong Linh tới khách điếm tìm Tào Cát Lợi và Dương Thanh Trác hỏi thăm về thể lệ của thi hội. Vốn dĩ bọn họ là quan chủ khảo còn nàng chỉ đóng vai trò người chủ trì, không cần quan tâm tới chuyện xảy ra trong thi hội, nhưng mà bây giờ nàng lại muốn hướng bọn họ đưa ra mấy lời yêu cầu.

Thịnh Thi hội hàng năm được tổ chức dành cho những văn nhân thi sĩ có danh tiếng của nhị quốc nên danh ngạch vốn đã được định sẵn. Nhưng mà không biết vì cớ gì mà hai ngày trước hội thi này, nhị quốc lại thống nhất tổ chức thêm một vòng thi nữa để chọn ra thêm năm nhân tuyển. Bố cáo dán khắp ngõ ngách của Thương Thịnh thành và vài thành lân cận ghi rõ - người dự thi không phân biệt nam nữ, già trẻ, hay quan phẩm cao thấp. Bố cáo này vừa được dán lên đã gây ra một làn sóng rung động lớn cho dân chúng Thương Thịnh thành.

Thi văn hội trước giờ chưa từng cho phép nữ nhân tham gia, bởi quan niệm chính thống từ Cổ thời đại đến giờ đều đồng ý rằng nữ nhân thích hợp hơn với thêu thùa, may vá, chứ không phải cầm kỳ thi họa, những môn học vấn dành cho với nam tử. Đặc biệt là Tấn quốc trước đây, nơi tư tưởng này đã thấm nhuần trong văn hóa của bọn họ, nữ nhân đều không được phép học tứ nghệ. Trịnh Tề tuy khác biệt, nhưng cũng chỉ có nữ tử nhà quan lại mới thường được luyện cầm kỳ thi họa, còn nữ tử nhà bình thường thì tuyệt đối không có khả năng này. Trịnh quốc được coi là quốc gia mà nữ nhân có vị thế cao nhất trong tam quốc, nhưng nữ nhân nơi này cũng chỉ được phép trổ tài thi thố tứ nghệ ở một số lễ hội nhỏ, giống như Vạn Hoa hội mà Bách Phong Linh đã từng tham gia ngày trước.

Chính vì vậy, tin tức nữ nhân được cho phép tham gia Thịnh Thi hội mới có thể gây nên chấn động lớn như vậy. Có tin đồn cho rằng đây là đề nghị của Vân Vụ các chủ Vân Mộng Điệp đưa ra, nhưng không hiểu sao hai vị kia của nhị quốc Quốc Học viện lại đồng ý với lời đề nghị không hợp lẽ thường này.

Thực tế, đây đúng là yêu cầu mà Bách Phong Linh đưa ra. Dương Thanh Trác đồng ý điều kiện này là bởi hắn nhớ tới mấy lời dặn dò mấy tháng trước đây, còn Tào Cát Lợi đồng ý là bởi hắn nghĩ tới thuyết giáo mấy ngày trước đây mà Bách Phong Linh nhắc tới. Tài năng có thể tìm thấy ở mọi ngóc ngách trên địa lục.

Hai ngày sau, tại quảng trường trung tâm Thương Thịnh thành, Thịnh Thi hội chính thức bắt đầu. Tuy tin tức về vòng sơ khảo mới được công bố hai ngày trước, nhưng bởi tài tử bốn phương đã sớm tụ hội ở Thịnh Thi thành, nên số lượng người ghi tên cũng không hề nhỏ.

Sau khi Bách Phong Linh đứng dậy nói mấy lời mở màn làm lòng người hào hứng thì nàng giao lại tất cả mọi việc cho hai vị chủ khảo rồi xuống đài nhàn nhã ngồi xem. Việc của nàng vốn chỉ là ra mặt.

Ở hàng ghế thứ ba phía sau nàng có ba nữ tử mặc y phục lụa sen, khoác áo bông lông lạc đà, đi giày da linh dương, lại đeo thêm cả trang sức huyết san hô và vòng tay ngọc hổ phách. Ngoại trừ y phục trên người Mộng Điệp cô nương, không nữ nhân nào khác ở đương trường có thể so sánh với ba nàng.

Ba người này dĩ nhiên là Bách gia tam tỷ muội.

Bách gia tam tỷ muội ngoài Bách Nguyệt Nga có chút khả năng họa cảnh vật ra thì đều mù mờ tứ nghệ. Ở đây bọn họ quen thân nhất là Mộc Thanh Di, nhưng hắn hai năm trước đã thông qua khoa cử và trở thành một vị Quốc học viện học sĩ, không cần tham gia vòng sơ khảo này. Lý do bọn họ ở đây cũng giống như lý do của rất nhiều những kẻ khác, muốn nhìn Vân Vụ các chủ Vân Mộng Điệp một lần.

Mộng Điệp Kỳ TruyệnNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ