Đem so sánh rượu trong dân gian với rượu Long Đình, dù có đúng thì cũng hơi quá phận. Phạm Anh Vũ nói năng chẳng kiêng nể gì khiến mấy người ngồi bàn bên cũng phải trợn mắt nhìn y. Trong khi quần chúng bức xúc thì người đại diện trực tiếp cho triều đình lại chẳng thèm nói gì. Phạm Anh Vũ là Phong Vân kỳ sĩ, chuyện tày trời hơn y còn dám làm, vài ba lời châm chọc dạng này đã thấm vào đâu!
Nhờ có Hoàng Lan khéo léo làm cầu nối, cuối cùng hai tàu điện ngầm cũng chịu nói chuyện với nhau. Dần dà, ngoại trừ bất đồng về lập trường triều chính, giữa Tư Thành và Phạm Anh Vũ lại có rất nhiều điểm chung. Họ am hiểu kiến thức kim cổ, thông thiên văn, tường địa lý... cứ như thế, anh một câu, ta một câu, cuối cùng mang cả thi ca nhạc họa ra bàn luận. Ban đầu Hoàng Lan phải đau đầu nghĩ cách để hai người này chịu nói chuyện với nhau, để rồi bây giờ, bọn họ nói nhiều đến mức nàng đau cả đầu. Trường Giang thì càng ngạc nhiên hơn. Xưa nay cậu cho rằng con người chỉ có thể chuyên sâu về một thứ, kẻ giỏi võ thì ắt kém văn, ai ngờ tên Phạm Anh Vũ này cái gì cũng giỏi tuốt!
"Hai người này làm sao thế? Lúc trước thì nhìn nhau như kẻ thù, giờ lại nói chuyện như tri kỉ lâu ngày không gặp?"
Trường Giang bất mãn cảm thán một câu. Chính Hoàng Lan cũng cảm thấy lạ. Phong Vân kỳ sĩ là kẻ luôn chống đối triều đình. Tư Thành biết thân phận của y mà vẫn chịu đàm đạo đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Đó là cái lạ thứ nhất. Phạm Anh Vũ vốn tính đa nghi, nay gặp người lạ mặt mà vẫn đồng ý ngồi hàn huyên tâm sự. Đó là cái lạ thứ hai. Mà cả hai điều này, nhất thời nàng không giải thích nổi!
Phải chăng, quân tử nể nhau ở chí khí, anh hào chẳng tính chuyện thiệt hơn?
Mọi chuyện cứ thế trôi đi, kẻ thi thoảng nhấp một ngụm rượu, kẻ nhàn tản ngâm một câu thơ.
"Ta thấy anh có vẻ rất thích thi văn. Không biết thi nhân mà anh ngưỡng mộ nhất là ai?" Lần này người hỏi là Phạm Anh Vũ.
Tư Thành ra vẻ nghĩ ngợi rồi đáp:
"Đinh, Lý, Trần, Lê, Đại Việt chúng ta thời nào cũng có nhân tài (1), nhưng bình sinh ta ngưỡng mộ nhất thi tài của..." Ngài cố ý kéo dài giọng. "Ức Trai tiên sinh."
Ở bàn bên cạnh có kẻ yếu tim phun ra cả ngụm trà. Người trong quán lập tức quay lại nhìn xem kẻ nào vừa dám nhắc đến nghịch thần giết vua. Nhưng Phạm Anh Vũ không để ý đến chuyện ấy, ngược lại y hứng thú tiếp lời:
"Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân. Điếu phạt chi sư, mạc tiên khử bạo...(2)" Phạm Anh Vũ ngâm nga hai câu đầu trong một bài thơ quen thuộc. "Người anh em, anh thấy có phải không?"
Tư Thành không đáp. Ngài rót cho Phạm Anh Vũ một chén rượu rồi hỏi lại:
"Ý anh thế nào?"
Phạm Anh Vũ đủng đỉnh trả lời:
"Thơ của người tài, viết gì cũng thấy hay."
Khách khứa mấy bàn bên cạnh vội trả tiền rồi chạy biến. Họ sợ ngồi gần bốn người này rồi cũng rước họa vào thân.
Cùng lúc ấy, Từ Trọng Sinh đột ngột xuất hiện. Y tuy đồng hành cùng đám người Phạm Anh Vũ nhưng phần lớn thời gian đều tách ra một mình để suy nghĩ về cách hóa giải ẩn yên cơ. Vừa trông thấy Tư Thành, Từ Trọng Sinh hơi khựng lại, hiển nhiên y đã nhận ra vị quý nhân ở xã Thiên Bình, nhưng rồi sự ngạc nhiên ấy nhanh chóng biến mất, y chỉ cúi chào qua loa rồi quay sang nói với Hoàng Lan, giọng điệu mừng rỡ vô cùng:
"Có cách giải với độc ẩn yên cơ rồi!"
...
Chú thích:
(1). Mượn ý thơ trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi:
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập...
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có.
(2) Hai câu đầu trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
(Ngô Tất Tố dịch).
BẠN ĐANG ĐỌC
Thiên hạ kỳ duyên [Cảm hứng lịch sử, cung đấu, báo thù] -Ánh Tuyết Triều Dương
HistoryczneThể loại: cảm hứng lịch sử, cung đấu, báo thù, ân oán hoàng tộc (Lê Sơ). Tác giả: Ánh Tuyết Triều Dương. (Nếu bạn post truyện lên bất kì một trang hay địa chỉ nào khác, xin vui lòng ghi rõ tác giả và nguồn http://www.wattpad.com/story/22178092-thi%C...