Lần này thì Nguyễn Đức Trung quỳ hẳn xuống. Ông ta nhăn nhó thú nhận:
"Thần biết tội của mình rồi ạ. Chủ ý này vốn là của người khác, à mà cũng không đúng, không phải do người đó tự nghĩ ra, nhưng đích xác người ta có nhờ vi thần chuyển lời đến điện Kính Thiên ạ."
Lời tự thú vòng vèo khó hiểu ấy khiến nụ cười tán thưởng trên môi Tư Thành chợt tắt. Đứng ở đằng sau, Đặng Phúc lén đưa tay vỗ trán.
Tư Thành nhìn kẻ quỳ trên mặt đất rất lâu, rồi ngài chợt quay sang hỏi Đặng Phúc:
"Nhà ngươi thử nói xem, thần tử lừa dối vua nên xử như thế nào?"
Đặng Phúc khó xử gãi đầu gãi tai:
"Bẩm bệ hạ, con không dám to gan bình luận."
"Trẫm bảo ngươi nói thì ngươi cứ nói! Cứ chiếu y theo luật pháp Đại Việt mà nói!"
Đặng Phúc chợt hiểu ra hoàng thượng của y muốn làm gì. Thế là y hào hứng kể ra một loạt hình phạt, nào là giảo, trảm, lăng trì. Mấy nội thị đứng sau nghe mà toát mồ hôi lạnh, còn thủ phạm thì vuốt mặt không kịp.
Nguyễn Đức Trung rầu rĩ nói:
"Xin bệ hạ cho thần về thu xếp cho gia quyến rồi mới vào tù được không ạ?"
"Trẫm nói trẫm sẽ bỏ tù khanh khi nào?"
Nguyễn Đức Trung thảng thốt ngẩng đầu lên. Bấy giờ ông ta mới nhìn thấy người mặc áo vàng ấy đang cố nén cười:
"Nguyễn Đức Trung, khanh mạo nhận chủ ý là sai, nhưng khanh không sai khi nghĩ cho con dân Đại Việt. Nể tình khanh tận tụy vì xã tắc, trẫm miễn tội cho khanh, chỉ phạt của khanh một năm bổng lộc, khanh thấy thế nào?"
Nguyễn Đức Trung còn dám "thấy thế nào" sao? Hoàng thượng đã giơ cao đánh khẽ, ông ta mừng còn không kịp nữa là.
...
Câu chuyện của Nguyễn Đức Trung đã kết thúc mà dư âm của nó vẫn phảng phất đâu đây. Tư Thành có cảm giác mình vừa nghe một câu chuyện cổ tích, đẹp đẽ mà hoang đường.
"Khanh nói cô gái ấy đã từng bàn tới những chuyện này?"
Nguyễn Đức Trung thành thật đáp:
"Dạ, tuy không được tường tận bằng lời của các quan, nhưng đại khái cũng khớp đến bảy tám phần. Vì nàng ấy chỉ thuật lại theo kinh nghiệm đọc được trong sách vở nên không sâu sắc bằng lời bàn của các quan hôm nay, nhưng về ý tưởng thì rất đáng khen ạ."
Khi ấy, thiếu nữ đã nói phía thượng nguồn Lỗi Giang có vấn đề, nhưng do nàng không có điều kiện khảo cứu tường tận như thái sử viện nên chỉ dám phỏng đoán. Rồi những vấn đề mà vua tôi Đại Việt vừa thảo luận trên điện Kính Thiên, dù nông dù sâu, nàng đều từng đề cập qua một lần.
Tư Thành chậm rãi rời bước khỏi sân Đan Trì. Trải qua mấy ngày mưa, nắng vàng đã trở lại rực rỡ. Ngài gọi người đến che ô cho Nguyễn Đức Trung rồi hạ giọng hỏi:
"Có câu này trẫm muốn hỏi khanh. Khanh mạo nhận chủ ý của mình vì muốn bảo vệ cô gái đó phải không?"
Thêm một lần nữa, Nguyễn Đức Trung giật nảy mình.
"Thần ngu dốt không hiểu ý của bệ hạ."
Trước mặt Nguyễn Đức Trung vọng tới một giọng cười rất trầm:
"Trẫm còn không hiểu tính của khanh sao? Khanh đâu phải loại người vì chút hư danh mà đi cướp công của người ta. Ban đầu khanh chưa nói ra mọi chuyện vì lo sợ những ý kiến đó không được tán thành, đặc biệt khi người lạm bàn là một người con gái. Đợi khi mọi chuyện thuận lợi, khanh mới liều mạng tiết lộ sự thật, trả lại công lao về cho người ta. Nói cách khác, không phải khanh tham lam mà khanh đang làm kẻ đứng mũi chịu sào. Những lời trẫm nói, có lời nào là không đúng với tâm ý của khanh không?"
Ở thời đại này, phụ nữ thường học thêu thùa may vá, an phận làm tròn tam tòng tứ đức. Một người con gái dám bàn chuyện thủy văn với triều đình như thế, trong mắt kẻ khắt khe, nàng sẽ là người vượt quá phận. Nguyễn Đức Trung hiểu nặng nhẹ để không nhắc đến tên của nàng trên điện Kính Thiên. Ông ta muốn tìm một thời cơ thích hợp hơn, và cũng hi vọng hoàng thượng đủ anh minh để luận công phán tội một cách công bằng.
Bị nói trúng tâm can, Nguyễn Đức Trung chỉ đành gượng cười:
"Bệ hạ sáng suốt."
Tư Thành đích thân đến nâng Nguyễn Đức Trung dậy:
"Đừng khen trẫm sáng suốt. Có trách thì trách khanh cố làm kẻ tiểu nhân cũng không giấu được chân quân tử đi. Sắp tới trẫm phải đi tuần du ở phương nam, e rằng sẽ vắng mặt ở kinh thành một thời gian. Khanh hãy thay trẫm để mắt đến cô gái đó, khi nào trở về, trẫm nhất định phải gặp mặt nàng ấy mới được."
Đặng Phúc rối rít vâng dạ.
BẠN ĐANG ĐỌC
Thiên hạ kỳ duyên [Cảm hứng lịch sử, cung đấu, báo thù] -Ánh Tuyết Triều Dương
Historical FictionThể loại: cảm hứng lịch sử, cung đấu, báo thù, ân oán hoàng tộc (Lê Sơ). Tác giả: Ánh Tuyết Triều Dương. (Nếu bạn post truyện lên bất kì một trang hay địa chỉ nào khác, xin vui lòng ghi rõ tác giả và nguồn http://www.wattpad.com/story/22178092-thi%C...