Mười chín năm trước, tức năm Đại Bảo thứ ba (1442).
Lệ Chi viên, Gia Định.
Khu vườn vải này nằm xa chốn thị thành, vô cùng yên tĩnh, là nơi được hoàng thượng chọn làm nơi nghỉ chân trên đường hồi kinh.
Đã sắp qua giờ hợi nhưng tòa viện đó vẫn sáng ánh đèn. Ngồi sau án thư, hoàng thượng đang chấp bút, viết nốt dòng đề tựa cho một cuốn sách. Bên cạnh ngài là một người phụ nữ, tuổi tuy không còn trẻ nhưng nhan sắc vẫn đằm thắm mặn mà, đang đủng đỉnh hầu ngài mài mực.
Khi mực tàu đã sóng sánh trong nghiên ngọc, Nguyễn Thị Lộ mới lên tiếng:
"Được đích thân bệ hạ ngự bút ban lời đề tựa, đây đúng là vinh hạnh cho lão gia nhà thần nữ."
Hoàng thượng ngẩng đầu nhìn Nguyễn Thị Lộ, rồi lại nhìn đến cuốn sách trước mặt, vui vẻ cười:
"Từ lâu trẫm đã ngưỡng mộ tài học của tiên sinh, nay ghé qua Côn Sơn, đúng lúc gặp lúc tiên sinh đang nhàn cư xướng họa. Tập thơ này được tiên sinh viết trong vòng nửa năm, không cảnh sắc tuyệt mĩ nào của Đại Việt là không kể đến, có thể nói là tuyệt bút đương thời. Văn tài là của tiên sinh, trẫm chẳng qua chỉ cao hứng thêm râu rồng râu phượng mà thôi."
Người là vua một nước nhưng từng lời khen ngợi thần tử lại rất chân thành, khiến Nguyễn Thị Lộ có phần cảm kích. Đợi cho ngài viết xong, bà liền đón lấy tập thơ, từ tốn lật giở từng trang, ánh mắt thấp thoáng tự hào. Trong khi đó, hoàng thượng rời khỏi án thư rồi tiến lại gần cửa sổ. Giờ đang là mùa thu. Nghe nói vải trong vườn đã qua mùa chín đỏ.
"Nay thiên hạ thái bình, tiên sinh lại một mực muốn lui về ở ẩn, thật là đáng tiếc."
Nguyễn Thị Lộ ôn tồn nói:
"Phàm là con dân Đại Việt ngày ấy, ai cũng muốn đứng lên đánh đuổi giặc Ngô ra khỏi bờ cõi. Lão gia chỉ may mắn hơn khi hầu đúng minh chủ thôi ạ. Nhưng bẩm bệ hạ, thứ cho thần nữ to gan nói một câu, quan trường là chốn lẫn lộn, lão gia lại là người chính trực ngay thẳng, không quen gò ép mình. Người như lão gia, sớm tìm về Côn Sơn, vui thú với gió trăng vẫn tốt hơn."
Hoàng thượng ngẫm nghĩ một lúc rồi thở dài:
"Trước kia, trẫm không nên tin lời bọn Lê Ngân, Lê Sát mà nghi ngờ lòng trung của tiên sinh."
Nguyễn Thị Lộ không lặng yên không đáp, chỉ tiếp tục lật giở từng trang sách. Có những chuyện, một khi đã sa chân thì lời tiếc hận cũng chẳng cứu vãn được gì.
Biết Nguyễn Thị Lộ không muốn nhắc tới chuyện cũ, hoàng thượng cũng không miễn cưỡng nữa. Ngài trỏ tay về phía xa xăm, mơ hồ cảm thán một câu:
"Lệ Chi viên thanh bình, thật khiến trẫm quyến luyến không muốn rời đi."
Lúc đó, cả vua Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ đều không biết rằng lời này sẽ ứng nghiệm, và Lệ Chi viên chính là nơi dừng chân cuối cùng trong cuộc đời của vị vua trẻ tuổi ấy.
...
Thấy hoàng thượng cứ đứng trầm ngâm bên cửa sổ, Nguyễn Thị Lộ sợ ngài bị nhiễm lạnh bèn khẽ giọng nhắc nhở:
"Bệ hạ, trời về đêm dễ sinh gió lạnh, người nên trở vào trong thì hơn."
Không có tiếng người đáp lại.
"Bệ hạ..."
Ngoài kia, trăng vẫn sáng vằng vặc, chen chúc với những khoảng tối hun hút và sâu thẳm. Đâu đó vọng lại tiếng đổi ca tuần của binh lính.
"Bệ hạ..."
Vẫn chỉ có tiếng gió xốn xang. Lần này thì Nguyễn Thị Lộ bước hẳn lại gần. Bà cẩn trọng đến bên hoàng thượng, lay lay ống tay áo của ngài.
Một giây sau, thân thể của ngài từ từ ngả vào vai bà. Hai mắt ngài nhắm nghiền, thần thái vẫn trầm uy tĩnh lặng, chỉ giống như đang ngủ một giấc ngủ dài. Đến tận khi quân lính hò nhau xông vào, Nguyễn Thị Lộ mới hiểu chuyện gì đang xảy ra thì đã quá muộn.
...
BẠN ĐANG ĐỌC
Thiên hạ kỳ duyên [Cảm hứng lịch sử, cung đấu, báo thù] -Ánh Tuyết Triều Dương
Ficción históricaThể loại: cảm hứng lịch sử, cung đấu, báo thù, ân oán hoàng tộc (Lê Sơ). Tác giả: Ánh Tuyết Triều Dương. (Nếu bạn post truyện lên bất kì một trang hay địa chỉ nào khác, xin vui lòng ghi rõ tác giả và nguồn http://www.wattpad.com/story/22178092-thi%C...