Chương 14: Rắn báo oán (4).

4.3K 176 10
                                    

Vụ án mà Ngô Chi Lan nói đến chính là Lệ Chi viên, vụ án để lại nhiều ẩn tình nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Trong lòng Hoàng Lan chợt xuất hiện một cảm xúc khó tả, vừa bâng khuâng, vừa xót xa không nói thành lời. Nàng biết mình đang chạm tay vào lịch sử vô hình.

"Tất nhiên người thiếp tên Nguyễn Thị Lộ cũng không thoát hỏi kết cục bi thảm. Nhưng sau khi bà chết, trong dân gian liền lưu truyền một câu chuyện kì lạ. Người ta nói rằng cha của tiên sinh trong lúc phát cỏ làm vườn đã vô tình giết chết một đàn rắn. Tối đến, khi ông đang ngồi đọc sách thì có một con rắn bò trên xà nhà, nhỏ xuống một giọt máu đỏ thẫm, thấm qua ba lớp giấy. Tương truyền máu thấm qua ba lớp giấy ứng với rắn báo oán ba đời họ Nguyễn. Con rắn đó sau này hóa thân thành người thiếp Nguyễn Thị Lộ, khiến cả họ tộc phải chịu án tru di. Khi thù riêng đã trả, Nguyễn Thị Lộ lại hóa trở lại thành rắn và biến mất ở bờ sông. Tôi nghĩ đấy chỉ là chuyện đồn thổi thêu dệt thôi, nhưng kể từ đó, mọi người đều coi Nguyễn Thị Lộ là hiện thân của rắn tinh."

"Nói như vậy, lý do bệ hạ muốn làm sáng tỏ chuyện rắn tinh không chỉ đơn giản vì muốn trừ yêu diệt quỷ. Kì thực, ngài muốn chứng minh rằng trên thế gian này hề có rắn tinh, càng không có chuyện Nguyễn Thị Lộ là rắn báo oán, từ đó xoa dịu miệng lưỡi thế gian, an ủi phần nào vong linh của người quá cố?"

Lần đầu tiên trong cả một câu chuyện dài, Hoàng Lan chủ động lên tiếng. Ngô Chi Lan lẳng lặng gật đầu. Ai cũng biết hoàng thượng chán ghét chuyện rắn tinh, nhưng không phải ai cũng đủ tinh ý để nhận ra lí do thực sự ẩn giấu trong đó.

"Tuy chưa lần nào bệ hạ nói ra nhưng tôi nghĩ rằng người vẫn vì nặng lòng vì vụ án đó. Thái hậu là cô của tôi, nên nói ra thì phạm phải điều cấm kị, nhưng đối với tội thần giết vua ngày ấy, tôi cũng có chút thương cảm. Năm ấy án định quá vội vàng, không cho họ kịp kêu oan, cũng không để người trong thiên hạ kêu oan thay họ..."

Kể đến đây, giọng của Ngô Chi Lan đã nghẹn lại. Hoàng Lan hận không thể nói rõ mọi chuyện với nàng ta, rằng ngày cụ Nguyễn Trãi được giải oan sẽ không còn xa nữa. Rồi nàng bàng hoàng nhận ra một chuyện mà đáng lẽ mình phải để ý ngay từ đầu.

Tư Thành chính là vị hoàng tử mà năm ấy cụ Nguyễn Trãi đã cứu.

Tuy Hoàng Lan không nhớ chính xác vụ án Lệ Chi viên được giải vào năm nào, nhưng nàng biết chắc chắn ai là người đã xuống chiếu xá tội cho cụ Nguyễn Trãi.

Vị hoàng tử được Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ che chở năm ấy...

Chính là vua Lê Thánh Tông!

...

Nếu ngài chính là vị vua vĩ đại ấy, vậy nhân vật mà nàng đang sắm vai rốt cuộc là ai?

Có tiếng sáo trúc từ xa vẳng lại, mềm mại như kéo lụa, nhịp nhàng như rót trà, rót lên từng viên ngói từng khóm cỏ trong hoàng cung. Tiếng sáo này tưởng khoan khoái vô ưu mà lại chất chứa bên trong ngàn vạn cô độc. Giữa đêm khuya thanh vắng, là ai cất lên khúc nhạc nặng trĩu tâm tư này? Hoàng Lan ngả đầu vào cột đình và để cho tiếng sáo miên man nhấn chìm mình trong những hoài niệm mơ hồ. Từ tận sâu trong thâm tâm, nàng chỉ muốn đem hết thảy những gì đang xảy ra trước mắt mà đập vỡ, mà chôn vùi, mà thiêu đốt thành tro bụi.

Đan Ngọc các vừa truyền đến tin Phùng Diệm Quỳnh đã mang thai được hơn ba tháng. Những tưởng Phùng Diệm Quỳnh chỉ là một kẻ không có đầu óc, thì ra bao lâu nay, cả Hoàng Lan và Lê Tuyên Kiều đều nhầm to rồi!

Nơi đầy thị phi này...

Đến lúc rời đi rồi!

...

Phùng Diệm Quỳnh mang thai rồng, được hoàng thượng phong làm Huệ phi, chính thức làm chủ cung Thụy Đức.

Chiếc vòng bạc bị Lê Tuyên Kiều ném mạnh xuống bàn. Ánh mắt mỹ nhân sắc như dao chém đá.

"Xin lệnh bà nguôi giận."

Lời của Thanh Ngọc chỉ càng nộ khí trong lòng Lê Tuyên Kiều dâng lên nhiều hơn.

"Ta có thể không tức giận được sao?" Lê Tuyên Kiều nghiến răng nghiến lợi. "Sau bao nhiêu tính toán tỉ mỉ, ả ta vẫn mang thai rồng, thậm chí còn bò được lên ngôi phi."

Thanh Ngọc không biết nên nói gì cho phải.

"Giờ nghĩ lại, có lẽ việc Mai Hoa bị đẩy đến Thanh Phục khu là do Phùng Diệm Quỳnh cố ý. Ả ta đã biết nó là người của Diêu Tú viện rồi."

Mai Hoa đã bị Lê Tuyên Kiều mua chuộc, thường xuyên lén lút truyền tin cho Diêu Tú viện. Ngoài ra, nàng ta còn có một nhiệm vụ quan trọng hơn. Ai cũng biết xạ hương có tác dụng làm sảy thai. Phùng Diệm Quỳnh có nuôi một con mèo cưng, lúc nào cũng nâng niu, ôm ấp nó như báu vật. Và Lê Tuyên Kiều đã sai Mai Hoa bôi xạ hương lên chiếc đai cổ của con mèo ấy!

Vậy mà nay, Phùng Diệm Quỳnh đã mang thai, Mai Hoa bị đuổi đi vì một lí do lãng nhách, đối phương còn chu đáo tặng cho Lê Tuyên Kiều một chiếc vòng bạc. Chiếc vòng này có ý nghĩa sỉ nhục như thế nào, Lê Tuyên Kiều có ngu mới không hiểu!

Đứng nhìn chủ nhân nổi cơn thịnh nộ, Thái Thanh Ngọc chỉ biết lặng lẽ cười trừ. Lê Tuyên Kiều không biết rằng, cô cung nữ bên cạnh mình thực ra chưa bao giờ trăn trở vì những toan tính tầm thường ấy.

...

Người con gái ấy ngắm nhìn chiếc hộp nhỏ làm bằng gỗ sưa. Hình đôi chim uyên ương khảm mã não bên ngoài đã phai nhạt đi ít nhiều, nhưng chiếc hộp vẫn giữ nguyên vẻ đẹp đẽ tinh xảo vốn có của nó.

Một lúc sau, từng ngón tay thuôn dài như búp măng mở nắp hộp ra, run run chạm vào thứ đồ vật đặt ngay ngắn trên lớp nhung đỏ.

"Thục Giang, chiếc khăn này là vật định ước giữa ta và nàng. Sau này, mỗi khi không có ta ở bên, nàng hãy mang nó bên mình, trân trọng nó như đã từng trân trọng ta, được không?"

Đỗ Đình Huy nhẹ nhàng đặt chiếc khăn màu tím vào tay Thục Giang và nhìn nàng chờ đợi.

Ngày ấy nàng đã gật đầu.

Giờ đây, tín vật thề nguyền năm nào lại thành nhát dao đâm sâu vào trái tim người con gái ấy. Hoài niệm, kí ức, giờ chỉ là một vết thương khó lành.

Đóng nắp lại, nàng cười lạnh một tiếng. Thanh mai trúc mã? Ai nói thanh mai trúc mã thì sẽ hạnh phúc đến trọn đời?

...

Chú thích:

1. Dục Khánh tự. Tương truyền đây là nơi vua Lê Thánh Tông được sinh ra. Nay chùa được gọi là chùa Huy Văn, thuộc đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội. Trong chùa vẫn còn điện thờ vua Lê Thánh Tông cùng Trường Lạc hoàng hậu.

Thiên hạ kỳ duyên [Cảm hứng lịch sử, cung đấu, báo thù] -Ánh Tuyết Triều DươngNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ