Chương 18: Sứ thần Đại Minh (1)

4K 170 20
                                    

Vua nước Đại Việt mới lên ngôi, Phong Địch tướng quân Thạch Bưu dẫn đầu đoàn sứ thần sang Đại Việt làm khách quý. Đi cùng hắn còn có phó sứ Phương Hữu Long. (1)

Theo lệ thường, sau buổi đón tiếp chính thức diễn ra ở điện Kính Thiên, sứ thần các nước sẽ trở về sứ quán nghỉ ngơi. Nào ngờ tên sứ thần Đại Minh này mặt dày hơn bình thường. Hắn không những không cuốn xéo mà còn đòi ăn thêm bữa nữa, lấy lí do muốn "giao lưu văn hóa" để gặp gỡ hoàng thất Đại Việt. Đây là chuyện chưa từng có trong tiền lệ tiếp đón sứ thần, nhưng Thạch Bưu là khách đến từ Đại Minh, cuối cùng triều đình đành miễn cưỡng nhận lời.

Đó là lí do Hoàng Lan bị kéo tới đây.

Tiệc sơ giao được tổ chức ở điện Vạn Thọ. Để bày tỏ lòng hiếu khách, đoàn nhạc công cung đình đã chuẩn bị những tiết mục rất đặc biệt. Mỗi điệu nhạc vang lên đều mang âm hưởng rất riêng biệt, khi mượt mà như làn điệu dân ca của vùng đồng bằng bắc bộ, có khi lại tươi vui tựa điệu hò kéo lưới của các ngư dân vùng Thuận Hóa, cũng có khi chỉ là một nhạc điệu vô danh nhưng đâu đó lại phảng phất phong tư uyển chuyển, thanh lịch của mảnh đất kinh kì Thăng Long tự ngàn đời.

Hoàng Lan nhanh chóng nhận ra Phạm Thị Ngọc Chân đang ngồi lẫn trong trong hàng ghế giữa. Vừa nhìn thấy Hoàng Lan, nàng ta đã nhiệt tình nháy nháy mắt rồi giơ chén lên, ngụ ý mời nàng một chén rượu long đình, loại rượu nổi tiếng của hoàng cung Đại Việt. Vốn không quen uống rượu, Hoàng Lan chỉ nâng chén lên đáp lễ.

Là kẻ khởi xướng tiệc tùng nhưng từ lúc đến đây, Thạch Bưu chỉ mải mê uống rượu hoặc phiếm chuyện với người trong đoàn, lâu lâu mới ngước mắt lên xem múa. Khách hờ hững, chủ nhà cũng thong dong uống rượu. Đợi đến khi tiếng ca múa lắng xuống, Tư Thành mới ôn tồn quay sang phía đoàn sứ thần:

"Phong Địch tướng quân không quản đường xa vất vả đến Đại Việt làm khách, thật khiến trẫm cảm kích. Thay mặt triều đình và hoàng thất Đại Việt, hôm nay trẫm kính tướng quân một chén."

Thạch Bưu nâng chén ngọc trong tay lên, lịch sự cúi đầu rồi ngửa cổ uống cạn một hơi.

"Từ Bắc Kinh đến Đông Kinh cũng gần ngàn dặm đường, không biết tướng quân đi đường có mệt mỏi không? Trẫm đã bố trí sứ quán cho sứ đoàn nghỉ ngơi. Nếu bọn người dưới đón tiếp có gì thất trách, tướng quân cứ nói lại với trẫm."

Thạch Bưu đáp bằng thứ giọng vẫn chọ chẹ khó nghe nói:

"Sứ quán tuy hơi nhỏ nhưng rất sạch sẽ. Được quốc vương đón tiếp chu đáo, trong lòng ta vô cùng cảm kích."

Hơn ba mươi năm về trước, vua Lê Thái Tổ giương cao cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, hoàng đế Đại Minh khi ấy là Tuyên Đức đế bắt buộc thừa nhận nền độc lập của Đại Việt, nhưng vẫn coi Đại Việt là một nước chư hầu. Theo lệ thường, chỉ có ở Đại Minh, vua mới được xưng là hoàng đế, còn vua của các nước chư hầu chỉ được coi là quốc vương. Thạch Bưu dường như đang cố nhấn mạnh điều ấy.

Còn Hoàng Lan, nàng lại để ý đến chuyện khác. Sứ quán nhỏ nhưng sạch sẽ? Rốt cuộc cái tên Thạch Bưu này muốn khen hay chê người khác đây?

Tư Thành vui vẻ gật đầu:

"Đại Minh và Đại Việt là láng giềng giao hảo đã bao đời nay. Trẫm đã coi sứ đoàn như người trong nhà, tất nhiên cũng không thể đối đãi qua loa."

Láng giềng? Các ngươi có tư cách gì mà đòi ngang vai ngang vế với thiên triều chúng ta?

Thạch Bưu trong lòng cười mỉa. Sau đó, Tư Thành và hắn cùng đàm đạo về chuyện thi văn kim cổ. Chủ một câu, khách một câu, từ đầu chí cuối, Thạch Bưu đều tỏ vẻ huênh hoang trịch thượng, coi mình là bề trên. Hắn toàn mượn thơ của các thi sĩ nước hắn để chửi xoáy Đại Việt. Thậm chí, hắn còn khen Đại Việt mưa thuận gió hòa, thóc lúa đầy bồ, khiến mọi người xót xa nhớ lại cảnh lũ lụt mất mùa dạo trước.

Hoàng Lan bực tức bỏ một quả nho vào miệng, tiếp tục kiên nhẫn ngồi xem tên họ Thạch khua môi múa mép. Nhưng ánh mắt của Tư Thành nhìn Thạch Bưu vẫn rất ôn hòa, giống như ngài không hề nhận ra.

Đồ ăn lại được dâng lên bàn của Thạch Bưu. Nắp tô còn chưa mở ra, mùi thuốc bắc thơm phức đã tỏa ra bốn phía.

Tài nhân Nguyễn Nhã Liên điềm đạm giới thiệu:

"Đây là món sâm cầm hầm thuốc bắc. Loại chim sâm cầm thường ăn nhân sâm mọc trên núi cao, bởi vậy thịt của nó rất bổ dưỡng. Hầm sâm cầm phải hầm lửa thật nhỏ, lại phải canh đủ thời gian, sớm một khắc thịt sẽ không đủ mềm, chậm một khắc thịt lại quá nhừ, mất đi vị ngon vốn có. Không chỉ có thế, trong này còn có mười sáu vị thuốc bổ như đương quy, thục địa, hạt sen... Sâm cầm là một trong những đặc sản tiến vua trứ danh Đại Việt (2). Hôm nay, bệ hạ đặc biệt dặn dò chúng tôi dâng món ăn này thiết đãi khách quý."

Nguyễn Nhã Liên chính là người trực tiếp nấu món ăn này. Thạch Bưu thì gẩy gẩy đũa, xé lấy một miếng thịt chim rồi đủng đỉnh bỏ vào miệng. Thịt vừa chạm đến đầu lưỡi, gương mặt đang nhàn nhạt của hắn liền dãn ra. Quả là món ăn được chế biến từ mười sáu loại thuốc bổ thượng hạng, bùi thơm, mềm ngọt, thanh vị quyến luyến mãi không thôi. Thạch Bưu nhận ra rằng món ăn này rất tuyệt vời, nhưng sau chót, hắn cố kiềm chế bản thân mà dửng dưng nói:

"Tay nghề của đầu bếp cũng khá được."

Đối phương nhấn mạnh đến "đặc sản tiến vua", hắn chỉ trả lại một chữ "khá được", mà lại là khen tay nghề người nấu chứ không khen trực tiếp món ăn? Nguyễn Nhã Liên khá thất vọng, nhưng không giống như Hoàng Lan hay Ngọc Chân có dấu hiệu sắp nổi loạn, nàng ta chỉ điềm đạm cúi đầu rồi lui về chỗ cũ.

Thiên hạ kỳ duyên [Cảm hứng lịch sử, cung đấu, báo thù] -Ánh Tuyết Triều DươngNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ