Sau khi đoàn đưa tang rời khỏi cổng, bấy giờ Tình mới buộc khăn. Coi như bản thân dĩ hòa vi quý với Hoạt, cũng như để hắn không cảm thấy bức bối mà lời qua tiếng lại với mợ Thi. Dù sao thì mợ ấy cũng vì chuyện của nàng mà thốt ra những lời không hay, chính vì vậy hắn mới để bụng và có hành động khiến mợ ấy đau đớn.
"Mợ đi cẩn thận." Thi nhẹ nhàng đặt tay lên hông nàng, thủ thỉ. "Em dặn cái Tít rồi, nên lúc nào mợ cảm thấy không thoải mái thì phải bảo nó ngay. Được không mợ?"
Nàng gật đầu, suy nghĩ một chốc rồi dặn em: "Mợ cũng phải tự lo cho bản thân đấy."
"Vâng ạ."
Rồi đoàn người lại tiếp tục đi.
Tiếng kèn ngân lên một cách thê lương, len lỏi vào từng ngóc ngách của khu phố dành cho ông Tây, bà đầm, cho những kẻ lắm tiền như cậu Hoạt. Và có lẽ trong những ngôi nhà được xây dựng theo lối văn hóa tân thời ấy, hẳn sẽ có ít nhất đôi ba hộ từng xảy ra trường hợp giống như cái Dần. Chỉ là bọn họ coi tính mạng của đám con ở còn thấp kém hơn con chó có huyền đề hay bộ lông dày mướt, cho nên bọn họ sẽ bảo nhau tìm cách xử lý cái xác rồi giấu nhẹm sự thật ấy suốt đời. Mặc kệ vài năm lạnh lùng trôi qua, xác người thiếu nữ vô tội khi xưa sẽ trở thành cát bụi, còn đám quỷ sống hung hãn năm nào vẫn cứ diện bộ Tây phục bảnh bao; một số thì ăn tốt, ngủ tốt, thân thể béo mườm; số còn lại ngày đêm phê pha bên cần thuốc phiện, nằm dạng háng tận hưởng một kiếp sung sướng.
Vì thế hôm nay, khi trông thấy cỗ quan tài bằng gỗ mới tinh được đặt cẩn thận trên xe kéo, những người hàng xóm đứng thập thò ở sân nhà không khỏi kinh ngạc. Bởi làm sao mợ Tình có thể rộng lượng đối xử tốt với một đứa con ở vô danh như thế? Mà ngay cả đám con ở sống trong những ngôi nhà giàu đó cũng thầm hâm mộ cái Dần vì nó đã tìm được một người chủ tuyệt vời, người mà cho thêm vài đồng bạc chẵn chúng nó cũng chẳng dám mơ mộng hão huyền.
***
Giữa tiết trời âm u, xám ngắt không le lói nổi một tia nắng. Đoàn đưa tang cuối cùng về tới ngôi làng nhỏ, nơi cái Dần được sinh ra.
Phỏng chừng năm nay mùa màng không tốt, nên trong những ngôi nhà với phần mái lợp bằng rơm được dựng lên một cách tạm bợ. Việc sắm sửa, chuẩn bị cho dịp năm mới dường như đều bị người ta quên lãng. Ngay cả đám trẻ đang chơi ô ăn quan đầu làng cũng đương đi chân đất, mặc quần vá chằng chịt với chiếc áo bông cũ kỹ, từng sợi bông bết lại thành cục. Chứ chẳng xúng xính quần áo mới như đám trẻ con khá giả ở tỉnh.
Chứng kiến bầu không khí cô quạnh, đìu hiu, Tình hỏi ý kiến sư thầy rồi khẽ nâng tay ra hiệu dừng kèn. Bởi nàng nghĩ đã đưa con bé về tận đây, thì bản thân cũng phải thưa chuyện với thầy mẹ nó đàng hoàng xem họ có đồng ý thổi kèn hay không? Dù sao nơi này cũng là xứ người, do đó hoàn toàn có thể tồn tại những tục lệ riêng mà các nàng chưa rõ.
Một chốc, ông cụ râu tóc bạc phơ lom khom chống gậy ra trước cổng làng. Cất giọng nói khàn đặc, nghiêm nghị chất vấn:
"Đám ma ở đâu mà lại đưa vào tận đây?"
Nàng nghe vậy liền vô thức siết tay, cố gắng ổn định cảm xúc rồi nhẹ nhàng trả lời: "Thưa cụ, người ở trong là cái Dần, con gái ông bà Xầm ạ."
BẠN ĐANG ĐỌC
[Duyên Gái] Thương Nhớ Tình Thi - Nhật Lãng
General FictionTrong những năm tháng về làm vợ lẽ của một gã đàn ông trăng hoa, kiêu ngạo. Thi đã yêu. Nhưng không phải yêu chồng. Em đã yêu người đàn bà mà đám con ở gọi là "mợ cả", tức là vợ hắn, là bề trên của em. Em yêu nàng như cách nàng yêu điệu quan họ Kinh...