Cùng ngày Thẩm Minh lên đường, ban đêm Cố Cửu Tư và Diệp Thế An đến trường thi chuẩn bị cho kỳ khoa cử năm nay.
Lần này Cố Cửu Tư đảm nhiệm quan chủ khảo, Diệp Thế An với Giang Hà là phụ tá. Đề bài do Phạm Hiên quyết định, buổi tối trước ngày thi mới giao tới tay Cố Cửu Tư.
Kỳ thi mùa thu bao gồm ba đợt khảo thí, mỗi đợt kéo dài ba ngày đêm. Đợt đầu kiểm tra bát cổ, đợt hai là xem cách hành văn khi làm quan, còn đợt ba về sách luận.
Năm ngoái kỳ thi mùa thu được tổ chức vào tháng tám, nhưng năm nay Đại Hạ mới thành lập nên bận rộn nhiều việc vì thế bị đẩy tới tháng mười. Phạm Hiên đặt nặng khả năng trị quốc thực tế, ông bí mật dặn Cố Cửu Tư khi chấm thi nhớ chú trọng phần sách luận còn hai phần trước đạt trung bình là được.
Trong thời gian thí sinh làm bài, Cố Cửu Tư cũng phải đến xem. Hắn cùng Diệp Thế An với Giang Hà bị nhốt tại trường thi, ba người chả có việc gì làm bèn đi tuần tra.
Hồi trước Cố Cửu Tư lười đọc sách nên mỗi lần thi đều gian lận. Hắn quá rành những thủ đoạn gian lận, ngày nào làm giám thị cũng tống cổ được vài thí sinh. Kỳ thi diễn ra chưa đầy mấy ngày mà toàn bộ trường thi chả còn ai dám gian dối. Óc quan sát của Cố Cửu Tư cũng nức tiếng trong lòng các thí sinh.
Sau chín ngày, thí sinh hoàn tất bài làm rồi rời khỏi trường thi. Nhưng giám khảo lại bị nhốt chung với nhau, tên thí sinh được che lại để bọn họ chấm bài mà không biết danh tính người làm; chấm điểm xong thì giám khảo mới có thể ra ngoài.
Liễu Ngọc Như biết Cố Cửu Tư đang bận nhưng vẫn nhớ mong, vì vậy khi trường thi mở cửa, nàng đã chờ ở đấy từ sớm. Ngay sau đó, nàng thấy thí sinh lần lượt đi ra. Có người vui mừng hớn hở, có người gào khóc thảm thiết; thậm chí có người đầu bù tóc rối, chạy như điên ra ngoài trên đôi chân trần rồi nhảy xuống sông đào bảo vệ thành.
Liễu Ngọc Như vốn tới xem Cố Cửu Tư nhưng ánh mắt bị hấp dẫn bởi các thí sinh, nàng ngồi trong xe ngựa lẳng lặng quan sát bọn họ.
Đây là thời khắc quan trọng nhất đời những người này.
Mọi nỗ lực, gian khổ, khát khao của cả đời bọn họ đều tập trung tại đây.
Những thí sinh quen biết nhau túm tụm bàn luận về kỳ khảo thí, ngoài đề bài thì còn nhắc tới Cố Cửu Tư.
"Quan chủ khảo Cố Thượng thư sợ là vị giám khảo trẻ tuổi nhất từ trước đến nay. Ta làm văn nói có sách mách có chứng, nhưng ngộ nhỡ ngài ấy không nhận ra thì sao?"
"Ngươi khỏi cần lo," một thí sinh khác trấn an. "Tại hạ là người Vọng Đô ở U Châu, năm ngoái Lương Vương tấn công thành, Cố đại nhân đứng trên cổng thành khẩu chiến với mưu sĩ của Lương Vương. Trùng hợp là tại hạ cũng ở đó và chứng kiến hai người tranh luận nửa ngày, còn thách đố học vấn của nhau nữa. Tuy Cố đại nhân trẻ tuổi nhưng cái gì cũng biết, nói là học thức uyên bác thật không ngoa. Cố đại nhân vô cùng tài giỏi, huynh đài hãy yên tâm."
"Cố đại nhân là trang tuấn kiệt trong mắt mọi người," thí sinh đầu tiên nói tiếp, "trước đây nghe Cố đại nhân bảo vệ Vọng Đô, tu sửa Hoàng Hà, diệt trừ tham quan nên cứ ngỡ Cố đại nhân chỉ sở hữu khả năng làm việc thực tế. Không ngờ học thức ngài ấy xuất chúng thế..."
BẠN ĐANG ĐỌC
[HOÀN] Trường Phong Độ - Mặc Thư Bạch
عشوائيThể loại: Cổ đại, hoan hỉ oan gia, duyên trời tác hợp, cưới trước yêu sau, cung đình hầu tước, HE, sạch/song khiết, sủng. Nguồn: sunrises6.wordpress.com Nhân vật chính: Liễu Ngọc Như, Cố Cửu Tư *Chú ý: Truyện đăng khi chưa có sự cho phép của tác giả...