Tôi đang ngồi trên phần đuôi mỏng manh của một con thuyền chỉ rộng chừng bảy mươi phân. Xung quanh là đầm lầy nước ngập mênh mang, tuy không quá sâu nhưng đục ngầu màu đỏ của phù sa. Gặp nước lớn, mấy bụi lau sậy bỗng lớn nhanh khủng khiếp. Thân cây dài ra với tốc độ đáng ngưỡng mộ, còn đám lá non thì lớn phổng lên, khiến những chiếc lông nhỏ xíu phủ bên trên càng trở nên sắc bén. Vừa rồi, má tôi đã vô tình quẹt phải chúng, làm một mảng da lớn nhanh chóng xót và ngứa điên lên. Rõ ràng là tôi bị dị ứng với thế giới này!
Tôi đang mất phương hướng. Xung quanh chẳng có cột mốc đặc biệt nào để giúp tìm đường. Mấy bãi lau sậy thì trông giống nhau đến kỳ khôi. Tiếng ếch nhái, bìm bịp kêu ran chỉ khiến tôi càng thêm đau đầu. Phía sau lưng, mặt trời mùa hạ đang dần lên cao, phả xuống lưng hàng đống nhiệt lượng. Nóng quá!
Tôi biết mình phải đi về hướng tây. Nhưng xác định đúng phương hướng là hoàn toàn không đủ để thoát khỏi chốn rừng thiêng nước độc này. Vào mùa khô, đầm Minh Nguyệt đầy hố lầy, khiến người ta dễ mắc kẹt rồi chết vì kiệt sức. Lúc này, tuy đầm đã có nước nhưng mọi chuyện vẫn chẳng dễ dàng hơn là bao. Vì nước ngập không quá sâu, người ở đây không dùng mái chèo để điều khiển thuyền mà sử dụng một cây tre nhỏ dài để đẩy xuống nền bùn, tạo lực giúp thuyền tiến về phía trước. Với dòng nước đục ngầu không thể nhìn thấy đáy, thuyền đi trên đầm Minh Nguyệt rất dễ mắc cạn. Nếu bị va phải gò đất bùn nào đó, một kẻ yếu đuối như tôi gần như không thể tự thoát khỏi cảnh sa lầy. Đấy là còn chưa kể đến việc mạng lưới bãi lau ở đây vô cùng chằng chịt và nhiều "ngõ cụt", nếu vô tình đâm phải, thuyền bắt buộc phải quay đầu.
Bế tắc, tôi đành phải hướng ánh mắt cầu cứu về phía Ôn Nguyệt đang ngồi ở mũi thuyền. Cô gái đang mải mê nhai phần thân non của một cây lau sậy, ánh mắt vô định hướng ra xa, nơi đầm nước trải dài gần như bất tận. Ở ngoài đó, chốc chốc lại có một con chim trắng cất cánh bay vút vào khoảng không.
Vì không bắt được ánh mắt Ôn Nguyệt, tôi may mắn tìm lại được chút lý trí còn sót lại trong đầu mình. Câu hỏi "Đi bên này đúng không?" ngay lập tức mắc kẹt lại nơi cổ họng. Nếu tôi hỏi, Nguyệt sẽ trợ giúp ngay lập tức. Nhưng điều đó là hoàn toàn vô nghĩa. Tự tìm đường, tự chèo thuyền để thoát khỏi đầm Minh Nguyệt là một trong những việc mà Trường Hải yêu cầu tôi phải hoàn thành trước khi đi tìm Thành.
Sau khi biến cố lớn kia lắng xuống, tôi cứ tưởng mình sẽ được nghỉ ngơi trong một thời gian dài. Nhưng mà không! Nhầm to ạ! Trải qua vài ngày bồi dưỡng thân thể, sức khỏe của Nguyệt đã khá hơn nhiều. Những vết thương nhỏ đã lên da non, để lại vài vệt hồng hồng trên nền da rám nắng. Các vết thương sâu cũng đã đóng vảy, chẳng bao lâu nữa sẽ lành. Chỉ có vết thương trong tâm trí là dường như không thể chữa khỏi.
Dù tâm trí không tỉnh táo, nhưng bản năng của thân thể thì vẫn ở đó. Ôn Nguyệt vẫn còn một thân đầy võ nghệ. Chẳng biết có phải cô vẫn còn chấp niệm "dạy bắn cung" cho tôi từ ngày xưa xửa xừa xưa hay không mà Ôn Nguyệt rất thích kéo tôi ra bãi tập bắn cung. Lúc cao hứng, cô còn bắt tôi đứng tấn và chạy bộ nữa.
Thầy giỏi nhưng học trò thể chất bằng không. Tối nào về, tôi cũng lăn ra chõng giả chết, chỉ mong có ai đó sẽ nhảy ra can ngăn để chấm dứt bi kịch này.
Thử đoán xem, có ai muốn xen vào chuyện này không? Tất nhiên là không rồi. Trường Hải còn rất phấn khởi khi trông thấy tôi khổ sở để rèn luyện thể chất nữa.
Từ ngày biết tôi là con gái, thái độ của anh đối với việc rèn luyện sức khoẻ của tôi lại càng cứng rắn hơn. Đại khái là Trường Hải thấy tôi yếu đuối và vô dụng quá, thả ra ngoài đi tìm Thành khéo bị xã hội đen đánh, không về nhà với mẹ được.
Anh đặt cho tôi ba nhiệm vụ lớn phải hoàn thành trước khi có thể rời đi. Một là phải tự tìm đường và chèo thuyền thoát khỏi đầm Minh Nguyệt. Hai là phải bắn cung trúng hồng tâm từ khoảng cách (mà tôi áng chừng là) 100m, tỷ lệ trúng ít nhất 60%. Ba là chạy bộ nửa canh giờ mỗi ngày đến khi nào hoàn thành hai điều kiện trên.
Biết vì sao lại là bắn cung và chạy không? Với một đứa ẻo lả như tôi, khả năng thắng khi cận chiến gần như bằng không. Cách hiệu quả nhất để bảo toàn tính mạng vẫn là "chuồn lẹ" hoặc tấn công tầm xa.
Chạy bộ, bắn cung, học chèo thuyền, ghi nhớ đường - toàn là những bài học quan trọng và phù hợp nhất với tôi ở thời điểm hiện tại.
Đến giờ này, hai bàn tay vốn mềm mại của tôi đã chai sạn đi nhiều, làn da trắng xanh cũng bớt nhợt nhạt, thậm chí còn có vài vệt phớt hồng trên hai gò má nữa. Rõ ràng là tôi trông đã có sức sống hơn không ít.
Dù vậy, chèo một con thuyền mỏng manh chở tận hai người trên quãng đường dài tưởng như bất tận vẫn là một việc hoàn toàn quá sức. Ngày Trường Hải cưỡi ngựa đưa tôi vào trong, tôi đã thử áng chừng khoảng cách từ rìa đầm lầy đến vùng trung tâm. Ừm, 3km hoặc nhiều hơn. Tôi cũng không chắc nữa.
Còn về việc nhớ đường thì trộm vía, dù ở thế kỷ 21, có cầm trong tay điện thoại với google map đầy đủ, tôi vẫn đủ trình độ để lạc từ Cầu Giấy ra tận ngoại thành. Với tôi, đường đi, đường về, đường ban ngày, đường ban đêm là bốn con đường khác nhau. Bộ não này sinh ra vốn không phải để nhớ đường!
Theo lời tổ tiên mách bảo, tôi mạnh tay đẩy cây tre xuống nền bùn để mũi thuyền hướng sang bên trái. Không quá bất ngờ, ngay lập tức, con thuyền mỏng manh va phải một mô đất mềm rồi mắc kẹt lại, dù tôi có gắng sức chống cây tre vào đó để đẩy thuyền ra cũng chẳng hiệu quả là bao.
Được một lúc, khi đôi cánh tay vốn đã rã rời vì chèo thuyền của tôi trở nên nhức mỏi quá sức chịu đựng, tôi thả luôn cây tre vào lòng thuyền rồi ngả người, nửa nằm nửa ngồi trên đuôi thuyền.
Hôm nay như vậy là đủ rồi! Tôi đã đi được khoảng một cây số, xa hơn hôm qua gần 100m.
- Nguyệt ơi! Về thôi! Mệt quá đi mất. - Tôi lên tiếng cầu cứu Ôn Nguyệt.
Hôm nay chưa thành thì mình còn ngày mai, ngày kia, ngày kìa cơ mà. Không thể nản chí được!
BẠN ĐANG ĐỌC
[Full, hài] Bên anh đến ngày thái bình thịnh thế
HumorBớ làng nước ơi, một đứa tiểu thư vô dụng như tôi bị đưa về thời chiến loạn thì làm sao mà sống nổi! Hả? Hả? Hả? À, thế mà tôi vẫn sống, chỉ là không được tốt lắm thôi... Liên tục chấn thương, liên tục trúng độc, liên tục "va phải" những nhân vật vừ...