Mấy ngày qua đi, quả nhiên không thấy Đoàn Nhữ Hải quay lại, Trần Thiệu Nghĩa cũng không đến, chỉ có một vị ám vệ toàn thân mặc áo đen, đêm ngày nọ nhảy vào phòng ta, ném lại một tấm thẻ bài nhập cung rồi nhảy đi mất. Ta ôm trái tim run rẩy vì kinh hoàng nhặt lấy tấm thẻ bài vàng chói lọi cất vào trong người rồi trùm chăn ngủ kỹ.
Thời gian này, Trần Thuyên cũng rất đúng lời giải trừ cấm túc cho ta, ta liền kéo Chi thị ngày ngày la cà hàng quán, mua sắm quà cáp cho các chị em trong lâu. Dù sao bây giờ tiền nhàn rỗi trong tay ta cũng không có chỗ nào quay vòng, còn không biết qua một thời gian nữa số tiền này còn toàn vẹn hay không thì tội gì phải tiết kiệm. Mua sắm chán, ta chuyển sang vạ vật ở khắp các trà quán, tửu lâu trong thành để hóng hớt tin tức. Chẳng qua được mấy ngày, tính ngồi lê đôi mách tưởng đã ngủ quên từ lâu trong ta lại trỗi dậy, từ chuyện quan thượng thư lễ bộ đi vụng trộm bị vợ kéo tai lôi về, các cửa hàng giảm giá khắp nơi để chuẩn bị đóng cửa đón Tết cho tới cả việc con chó vàng nhà bác gái bán xôi gà bị ỉa chảy, không ai dám la cà đến quán đó ăn, ta đều dỏng tai nghe không sót một từ. Phiền một nỗi, đi đâu người ta cũng bàn về việc vài ngày nữa Điện Súy Thượng Tướng Quân Phạm Ngũ Lão sẽ đưa người nhà trở về kinh thành, mỗi lần nghe tới chủ đề này ta đều cảm thấy phiền phức nên lập tức kéo Chi thị bỏ đi.
Sáng sớm một ngày đầu tháng Chạp, ta nổi hứng muốn đi câu cá nên kéo Chi thị tới bờ sông chặt tre làm cần. Hôm nay trời trong, nắng đẹp, không quá lạnh, ta đang hào hứng đứng trên bờ đê chỉ Chi thị chọn cành tre vừa mảnh vừa chắc để làm cần câu thì nghe tiếng vó ngựa từ xa vọng lại.
Lúc này là buổi ban trưa, người đi lại qua con đường này cũng có thể coi là đông đúc, vì thế ta không cho là có chuyện lạ mà chỉ chú tâm đứng bên cạnh nhìn Chi thị vót tre, buộc dây câu. Nhưng không lâu sau, ta bị tiếng ồn ào xung quanh làm cho chú ý. Khi ta quay đầu lại mới thấy, trên bờ đê, người ta đang dần tập trung lại bàn tán sôi nổi.
Từ phía xa, một đoàn người ngựa hùng hậu đang tiến tới, từ nơi ta đứng chỉ có thể thấy hàng dài cờ phướn bay phấp phới. Đoàn người ngựa này rất dài, đi phía trên cùng là đội kị binh mặc áo choàng màu đất, bên hông đeo trường kiếm, theo sau kị binh là đoàn bộ binh mặc áo giáp, cầm giáo dài. Đội cờ phướn nối tiếp kị binh, trên mỗi lá cờ đều thêu danh hiệu Điện súy Thượng tướng quân. Đi giữa tầng tầng lớp lớp cờ phướn rợp trời là một vị tướng quân người mặc giáp bạc, con hắc mã ông cưỡi cũng cao lớn hơn hẳn những con ngựa của kị binh khác.
Cho tới khi đội ngũ hành quân lại gần, ta mới nhìn rõ bên cạnh vị tướng quân cưỡi hắc mã còn có một người khác cưỡi bạch mã đi song song, người này cũng mặc giáp bạc, hông đeo trường kiếm, tóc búi gọn gàng trên đỉnh đầu, tuy có dáng vẻ nhỏ bé nhưng khí thế không hề bị lấn át. Phía sau lưng họ là mười mấy cỗ xe ngựa do mấy trăm gia đinh đi xung quanh bảo vệ.
Nhìn đoàn người với khí thế nhường này, trong đầu ta chỉ có một suy nghĩ duy nhất là chi phí di chuyển ngần ấy người từ biên giới Ai Lao về kinh thành chắc cũng gần bằng lợi nhuận một năm của toàn bộ chuỗi sản nghiệp của ta. Quả thật, chuyến này Trần Thuyên dụng tâm không ít. Hắn mạnh tay phung phí như vậy, trách sao quốc khố không cạn.

BẠN ĐANG ĐỌC
[Tiểu thuyết lịch sử Việt ] Đại Việt đệ nhất thương gia
Исторические романыTự cổ chí kim, phàm là kẻ đã ngồi trên ngai vàng, dưới chân hắn luôn luôn là núi xương, biển máu, sau lưng hắn lại là rất nhiều suy tính, mưu toan. Cho tới cuối cùng, cái giá của đế vị vẫn luôn là sự cô đơn trong tận xương tủy. Bởi khi ngươi đã sống...