Chương 4

517 42 10
                                    

Giang Nam có thể coi là một trong những vùng đất được thiên nhiên ưu ái bậc nhất Trung Hoa. Cảnh vật nơi đây không thua kém gì chốn đô thị phồn hoa náo nhiệt, cả một vùng sông nước mênh mang với dòng chảy lững lờ như cuốn trôi hết tất thảy tạp bụi hồng trần của thế gian, giúp cuộc sống của người dân nơi đây chảy trôi một cách êm đềm, bình yên và thầm lặng. Nói đến Giang Nam không thể không nhắc đến mưa bụi Giang Nam, làn mưa giăng giăng khắp chốn khiến khung cảnh trở nên mờ ảo, rất dễ đem lại cho con người ta cảm giác chìm vào mộng tưởng. Vào một buổi chiều mùa xuân với mưa phùn lất phất, người dân ở đây kháo nhau rằng họ vừa trông thấy ba chàng thanh niên lững thững cưỡi ngựa vào thành với phong thái rất ung dung tự tại như tiên lữ hạ phàm xuống đây vãn cảnh. Nhưng ít ai biết được sự thật họ chính là những mệnh quan triều đình đến nơi này để điều tra một chuỗi các vụ án ly kỳ, khuấy động cuộc sống vốn yên ả của con dân vùng đất Giang Nam để trả lại sự bình yên cho bách tính trăm họ.

Nơi khởi đầu chuỗi vụ án thần bí này là một tòa biệt viện khang trang, nằm sát bên một con sông nhỏ. Tòa biệt viện này có tên là Thủy Mặc Đường, chủ nhân đầu tiên của nó là Quách Tư Thành – một thương buôn có tiếng ở Giang Nam. Sau khi tích cóp được kha khá vốn liếng từ việc kinh doanh buôn bán, Quách Tư Thành quyết định cho xây Thủy Mặc Đường làm nơi hưởng thụ cuộc sống an nhàn khi đã bước vào tuổi ngũ tuần. Ông góa vợ, chỉ có độc nhất một đứa con trai là Quách Tư Lợi. Một vài năm sau khi xây tòa biệt viện này, Quách Tư Thành quyết định nạp thêm một người thiếp. Mọi bí ẩn bắt đầu xảy ra từ đó, người thiếp tên là Chu Diệu Hoa vừa mới được cưới về thì bất thình lình treo cổ tự sát ngay trong đêm tân hôn. Sợ mọi người dị nghị, Quách Tư Thành đã cho người dập tắt tin đồn nhưng thông tin ấy vẫn không cánh mà bay, lan truyền khắp hang cùng ngõ hẻm của vùng dân cư quanh đấy. Bẵng đi một vài năm, khi Quách Tư Lợi đến tuổi yên bề gia thất, bi kịch lại một lần nữa tiếp diễn. Vương Tú Ảnh – nàng dâu mới trẻ trung xuân sắc như một đóa hoa tươi vừa chớm nở, sau khi đặt chân vào nhà họ Quách chưa được bao lâu thì đã trở thành một đóa hoa lạnh lẽo tàn phai với cái chết không ai lý giải được: thắt cổ tự vẫn ngay trong phòng tân hôn.. Hai vụ chết người liên tiếp với cách thức y hệt nhau khiến một người đã già cả như Quách Tư Thành không thể chịu đựng tiếp được, đành phải bán lại căn biệt viện để chuyển đến một nơi khác sinh sống. Dân tình đồn thổi rằng nhà họ Quách đã bị ếm bùa hay trúng phải thứ tà vật cần kiêng kị gì đó, hoặc mảnh đất nơi Thủy Mặc Đường được xây lên vốn là đất dữ nên nhà họ Quách mới gặp phải đại nạn. Nhưng Tưởng Hạo Hiên - một công tử nhà quyền quý, đồng thời cũng là vị chủ nhân kế tiếp của căn biệt viện không cho rằng như vậy. Vốn không tin vào quỷ thần, Hạo Hiên vẫn quyết định mua lại Thủy Mặc Đường, nhưng những chuyện kỳ lạ vẫn không dừng lại ở đó. Kiều Phi Yến, bóng hồng trong lòng vị công tử đào hoa này và cũng là đệ nhất tài nữ của Thanh lâu các – tửu lâu có tiếng của vùng đất Giang Nam khi đặt chân vào Thủy Mặc Đường cũng không tránh khỏi số phận hẩm hiu của những người phụ nữ đã chết trong chính căn nhà này. Đây cũng là điểm khó hiểu nhất của chuỗi thảm án: ngay trong đêm tân hôn, Tưởng Hạo Hiên đã cử người trông chừng và tân nương đêm ấy vẫn bình an vô sự, vậy mà không biết nguyên cớ gì dẫn đến việc Kiều Phi Yến lại thắt cổ tự sát ba ngày sau khi lễ cưới diễn ra, khiến đôi phu thê này chưa hưởng hạnh phúc được bao lâu thì đã phải chịu cảnh âm dương cách biệt. Sau vụ việc ấy, Hạo Hiên gần như suy sụp và cũng đã dần tin vào truyền thuyết tân nương treo cổ như lời đồn. Tuy nhiên, có người tin thì chắc chắn sẽ có người không tin, đặc biệt là những vị quan liêm chính cáo quan về ở ẩn và lựa chọn lối sống an nhàn, làm bạn với sông nước như Tiêu Bác Văn – cũng chính là vị chủ nhân thứ ba và là người cất công mời ba vị thần thám trẻ tuổi ở An Thành Phủ đến phá giải chuỗi vụ án ly kỳ này, nguyên nhân là vì Tiêu Bác Võ, con trai ông đã đến tuổi thành gia lập thất. Tiêu Bác Võ dù sao cũng là một thanh niên trẻ người non dạ, hấp tấp vội vàng nên dễ tin vào những lời đồn đại trong dân gian, nằng nặc đòi cha mời thầy đến lập đàn giải ma trừ tà. Tiêu Bác Văn chấp thuận nguyện vọng của con nhưng thay vì mời người về làm phép, ông đã nhờ cậy đến ba vị thần thám lừng danh trong thiên hạ để phá giải truyền thuyết thần bí này.

[INTO1] Nghịch Thủy Hành ChâuNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ