2: thân thế

63 10 2
                                    

Con Tố nghe thầy Bạch kể, mồm há hốc, quên cả nhai cơm.

Mấy chuyện này thầy đã kể với nó đâu cả trăm lần, vậy mà lần nào cũng khiến nó mắt mũi mở to như cái thúng, hứng từng lời của thầy như thể đó là chữ vàng tiếng ngọc.

Thầy Bạch là chắt của thầy Ba Tổ, một trong những phù thủy dựng làng. Ông nội thầy không phải là phù thủy, mấy hôm đại họa lại lên núi đốn củi nên chẳng hề hấn gì. Sau khi đình bị phá, người làng nhìn phù thủy bằng cặp mắt khác, nhưng vẫn có lác đác các truyền nhân muốn lưu lại các phép biến hóa quý giá của các thầy. Thầy Bạch là một trong những người như thế.

- Thầy không sợ bị ông trời quở à? - Tố hỏi.

- Không. Nếu ăn ở nhân đức thì chẳng sợ gì cả.

Thầy Bạch làm nghề phù thủy một cách câm lặng. À không, không phải nghề nữa, chỉ là thú vui của thầy mà thôi. Cứ đầu mỗi tuần thầy chạy xe xuống chân núi dạy học, đèo cả con Tố theo, cuối tuần mới đèo về, đâu có bao nhiêu thời gian mà phù với phép. Phép của thầy lại rất khác so với những gì người ta hay kể. Thầy có thể khiến cho vật này bay lên, vật kia lộn mèo, nhưng tuyệt đối không khiển được âm binh, hồn ma, thậm chí không nhìn thấy được chúng. Mà phù thủy không trừ được ma bị xem là vô dụng.

- Ừ, thầy rất vô dụng. - Thầy Bạch tỉnh queo thừa nhận - Nhưng cũng vì thầy vừa luyện phép vừa tu hành nên muốn bứt xa khỏi cõi u minh.

Tố thì khác. Nó là học trò của thầy ở cả khoản chữ và phép, nhưng nó không quan tâm đến việc thờ ai cúng ai. Cả thờ cha mẹ ông bà nó nó cũng không làm. Vì nó có biết họ là ai đâu.

Mười sáu năm trước, vùng núi Cấm nhộn nhịp với các dự án du lịch, người ra vô lên xuống xô bồ như trảy hội. Có một đôi vợ chồng tự xưng là người thành phố lên chơi bỗng dưng lạc vào làng. Người phụ nữ ẵm theo đứa con nhỏ, và sau khi thăm hỏi nhiều người trong làng, theo tay chỉ của mấy ông già, họ ở nhờ nhà thầy Bạch. Đứa nhỏ nọ nửa đêm bỗng ngưng thở, người lạnh ngắt, da tím tái, lay thế nào cũng không tỉnh. Một điều khó hiểu là sau khi thấy con mình chết, người đàn bà không kêu la, không tri hô, cũng không khóc lóc, chỉ lẳng lặng thông báo cho thầy Bạch. Thầy Bạch thấy con người ta chết thì sợ quá, bồng đứa nhỏ lên gác chữa, chữa không xong liền chạy khắp làng kiếm thầy thuốc. Sau khi ai ai cũng đều buồn bã báo rằng đứa nhỏ đã tắt thở, thầy xui họ đem đánh xe trở xuống núi tìm trạm xá. Họ bỏ đi thật. Nhưng tờ mờ sáng hôm sau thầy bước ra vườn thì thấy một khoảng đất lồi lõm, đất ướt nằm đè trên đất khô, xới lên phát hiện ra cái thây đứa nhỏ.

Thầy Bạch đem đứa nhỏ bắt mạch, rồi pha thuốc nam cho uống. Chẳng trông mong gì cả, nhưng ngờ đâu đứa bé cựa quậy rồi mở mắt ra.

Đến tận bây giờ thầy vẫn không tìm được tung tích ba mẹ con Tố (nếu thực sự đôi vợ chồng nọ là ba mẹ nó chứ không phải dân bắt cóc trẻ con như lời tiên đoán của cô Thắm). Tố vểnh tai nghe sự tích đời mình, thấy quái lạ lắm, lạ nhất là nó chẳng cảm giác thương tiếc hay đau khổ khi nghe nói ba mẹ mình cạn tàu ráo máng tới vậy. Đúng hơn, nó nghĩ theo cô Thắm: nó tin rằng cặp đôi đó bắt nó từ đâu đem tới đây, rủi làm chết (hoặc cố tình giết chết) nên muốn vu oan cho thầy Bạch.

Nhưng dù họ là ai, nó cũng mang danh một đứa trẻ chết đi sống lại. Mà danh đó thì oai lắm cơ.

Mới ngày đầu tiên vô học, nó đã oang oang khoe với lũ nhóc câu chuyện đời nó. Nghe xong, có đứa thét be be bỏ chạy, có đứa nhìn nó bằng cặp mắt ngưỡng mộ rồi kỳ kèo nó kể tiếp. Sau này nó biết những đứa ghét nó có gia đình vốn sợ phù thủy. Chính cha mẹ chúng nó thỉnh thoảng lại cắt mất ngọn của mấy cây bông nhà thầy Bạch, hay đổ rác rến trước hiên của thầy.

So với những người khác trong làng, thầy Bạch thuộc khoản khấm khá. Cơ ngơi thầy Ba Tổ để lại cũng còn đó, cha con thầy bán bớt của cải đi, dựng một căn nhà be bé nhưng không hề tồi tàn chút nào. Số tiền còn lại đổ cả vào học vấn. Thầy Bạch mới đầu chú tâm vào Phật học để tiếp quản chùa làng, nhưng kể từ khi con Tố được mười tuổi thầy chuyển sang nghề giáo viên, dạy ở Tịnh Biên. Đến lúc Tố lên cấp ba, nó cũng bắt đầu vi vu theo thầy xuống núi.

Thầy dặn nó kỹ càng đừng có bô bô về thân thế nó cho mấy đứa nhỏ trên huyện biết, nó nghe theo răm rắp. Nhưng thầy dặn nó chứ đâu có dặn con Lan, con Chúc là những đứa quen nó từ hồi còn ở trường làng. Cũng may, không đứa nào tin chuyện con Tố chết đi sống lại. Đa số bọn chúng chỉ cho là hai con nhỏ kia bày chuyện giỡn chơi thôi, cứ hễ nhắc tới nó là cười ha hả lấy lệ. Điều này làm Tố vừa mừng vừa bực bội.

Lũ trẻ trên huyện là thế, nhưng xét cho cùng ở làng Ngải Bạch Hổ cũng chỉ khấm khá lên được tí xíu: người trong làng tin vào quyền phép thầy Bạch, cơ mà câu chuyện về thân thế con nhỏ thì chỉ có một nửa làng là đồng tình.

Có người thì đơn giản lắm, cho rằng thầy Bạch không có khả năng cải tử hoàn sinh, chỉ giỏi bốc thuốc. Hôm đó thực ra con Tố chỉ bị ngưng thở thôi chưa chết hẳn, cho uống thuốc là nó tỉnh dậy. Họ đưa ra bằng chứng: suốt cả ba năm trời sau khi thầy Bạch "cứu" con bé, người trong làng cứ hễ có ai chết là mời thầy đến làm cho sống lại nhưng không một lần thành công.

Có người lại bảo, thật ra chẳng có ai chết chóc ở đây hết, chính là thầy Bạch giấu đứa nhỏ khỏi tầm mắt ba mẹ nó rồi bảo nó qua đời để ba mẹ nó bỏ đi. Điều này là do những người căm ghét thầy phao ra, có kẻ còn đòi tố cáo thầy với công an. Nhưng chuyện hai người nọ đến làng nhiều người làm chứng được, không thể kết tội thầy.

Con Tố nghe người ta nói xấu như vậy giận ứa nước mắt, nhưng thầy bảo nó, kệ, miệng lưỡi thế gian nói thế nào chả được, đừng bận tâm làm chi để dễ gây xung đột. Ngập ngừng một chút, thầy còn dặn thêm: con đừng để lộ ra là con cũng đang học phép phù chú đấy nhé.

Hội Phù Thủy Họp Trên Gác Mái - Quyển 1: Vong Linh Trong Trường HọcNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ