25: nghiệp chướng khó bỏ

12 3 0
                                    

Tố nuốt ực một cái. Bụng nó giật thon thót, ép sự tò mò qua kẽ miệng trước khi cái đầu nó kịp suy nghĩ kỹ:

- Nghiệp chướng... có phải ý bà là lời nguyền kia không ạ?

Bà Hai ngẩn ra một chốc, rồi nở một nụ cười nặng nề, như thể bên mép bà treo hai quả tạ ngàn cân:

- Mèn ơi, con Thúy nó ghét bà dùng cái từ đó lắm. Bộ nó kể với con rồi hả?

- Ơ dạ, nó đâu có kể gì đâu bà. - Tố ngơ ngác.

Thúy không kể, nhưng có lẽ má nó nghĩ Tố xứng đáng được nghe. Câu chuyện đời con Thúy ít ai bên ngoài gia đình nó biết, kể cả sư sãi trên những ngôi chùa bà Hai Lục hay tới cúng giải hạn, nhưng lại dính tới một nhân vật quan trọng: thầy Thuần. Thầy Thuần hóa ra là em họ của bà, cậu họ của con Thúy. Một năm nọ, mưa lớn, nhà thầy bị đất lở đè sập, má con thầy đến trú tạm tại nhà ông bà Hai Lục. Lúc này thầy đã là phù thủy, đến cùng với thầy là các thứ sách và đồ dùng luyện bùa chú.

Tố nhớ cái năm bão lũ nọ. Núi Cấm như đầu một cây bút chì bị thiên tai gọt mỏng, đất đá ven sườn sụp đổ ầm ầm, thầy Bạch dành ngày này qua ngày khác giúp dân làng dời đá, chuyển bùn. Theo lời bà Hai Lục, vào những lúc thiên tai thế này vài người làng lo sợ liền tìm xin bùa cầu may. Đa số phù thủy trong làng đều từ chối, bởi họ không tin tưởng bùa chú dạng này. Họ bảo nếu cần sự bảo vệ thì chăm chỉ luyện bùa hộ thân hay bùa khiên, chắc ăn hơn, còn chuyện may rủi rất khó kiểm soát, khách mà có mệnh hệ nào thì vô cùng mệt. Nhưng thầy Thuần còn trẻ tuổi, rất có máu tìm tòi sáng tạo. Công trình nghiên cứu lớn nhất của thầy lúc đó chính là cải thiện độ tin cậy của món ngải phúc lành.

Con Thúy lúc này chín tuổi, thấy ông cậu cứ mày mò với các đống ngải thì tò mò dữ lắm. Ba má nó bận xoay sở với cái chuồng heo nên nó tự do chạy loanh quanh trong ngôi nhà ngổn ngang. Chẳng biết nó "loanh quanh" thế nào mà một chiều nọ, bà Hai đang hì hục với mấy thanh gỗ thì nghe bên hông nhà kêu đánh rầm một cú trời long đất lở. Tất tả chạy lại, bà tá hỏa tam tinh khi nhìn thấy cái chái bếp chỉ còn là một mớ gạch gỗ hoang tàn. Một hòn đất tảng chẳng biết từ đâu lăn xuống, rớt ngay chóc lên gian nhà bà.

Thật ra sự tình xảy đến cũng không quá đỗi thất thường. Mấy ngày qua mưa lớn, trên nguồn sạt lở rất dữ, hàng xóm quanh bà cũng xất bất xang bang vá lại nóc nhà bị móp này, dựng lại tấm ván bị oằn kia. Nhưng bà Hai Lục bụng dạ nào ngẫm nghĩ đến chuyện đấy khi bà nhìn thấy hai cẳng chân con Thúy thò ra từ đống đổ nát. Bà như muốn phát điên, lật từng cây cột, từng mảng ngói, cuối cùng lôi ra con Thúy xây xát mình mẩy, đầu nứt một đường, máu me bê bết, và trên tay cầm một xấp bùa.

Nhìn sang bên cạnh, bà Hai nhìn thấy thầy Thuần lồm cồm bò ra. Giây phút đó, bà nhớ ngay thằng em họ quý hóa của bà dành cả ngày luyện các thứ ngải của nó. Thế là bà hét toáng lên. Bà bảo thầy Thuần tắc trách, sử dụng bùa cẩu thả khiến âm binh ma quỷ gì đó nổi giận gây ra tai bay vạ gió cho nhỏ con bà. Thầy Thuần cúi đầu, phân bua rằng con Thúy đụng vào ngải phúc lành của thầy mà thầy không nhận ra. Thầy không nói thứ bùa này là nguồn cơn khiến cho hòn đất rơi trên đầu con bé, nhưng bà Hai Lục quả quyết đấy chính là lý do.

Con Thúy bất tỉnh miên man nhưng không chết hẳn. Sau khi băng bó cho nó, bà Hai quát thét thầy cả buổi tối hôm đó, và kết quả là thầy gom góp bùa ngải, bồng con Thúy ra chỗ cây xà cừ. Thầy đặt nó xuống đó, khoác lễ phục màu vàng, rồi tiến hành lập nghi thức lên đồng để "nói chuyện với Địa Phủ". Thầy nhảy nhót tại đó suốt mấy tiếng đồng hồ thì con Thúy tỉnh dậy, vết thương trên đầu nó liền lại một cách thần kỳ. Nhưng rồi thầy Thuần túm nó với ba má nó, rầu rĩ thông báo:

"Đức Mẫu không hài lòng trước việc tôi can thiệp vào vòng xoay của số phận. Con Thúy sống, nhưng nó sẽ gặp phải rất nhiều tai nạn và thương tích. Không tai nạn nào gây ra cái chết cho nó, nhưng tốt nhất nó phải có phương pháp phòng thủ."

Thầy bảo thầy sẽ luyện cho nó bùa hộ thân để dán lên người, nhưng đến nước này bà Hai Lục đã ngấy tận cổ mấy trò phù chú linh tinh. Bà đuổi hai má con thầy Thuần khỏi nhà, nhưng ngay hôm sau, con Thúy đang phụ má nó tát nước thì cánh cửa trước bỗng sút ra, đè nó té nhủi và in lên người nó vài vết bầm. Như chưa đủ, hôm sau nữa cái quạt trần tự nhiên gãy một cánh, rớt cách đầu con Thúy có vài phân và cào xước chân nó. Thế là bà lủi thủi cắp con Thúy đến gặp thầy Thuần, lúc này đang trú tạm bên nhà một người bà con khác.

Mọi chuyện chung quy là thế. Những cuốn sách của thầy Thuần được trao đến tay con Thúy để nó tự làm bùa hộ thân cho mình. Vài năm sau đó, thầy Thuần tuyên bố bỏ "nghề" phù thủy, mà bà Hai nghĩ chính là hậu quả trực tiếp từ những tai họa mà bà cho rằng thầy đã gây ra cho các khách hàng của thầy, trong đó có con bà. Nhưng có một điều mà có lẽ bà Hai không biết, đó chính là con quỷ con nhà bà đã học được nhiều thứ khác ngoài bùa hộ thân. Rất nhiều. Trong bụng Tố thú thật cũng hơi ganh tị. Tất nhiên là nó không ham cái khoản hễ-đụng-cầu-thang-là-té-nhủi của con Thúy, cũng không tha thiết lắm với việc đùa giỡn với "người cõi dưới", nhưng phải chi nó có được mớ tri thức mà nó đoán là đồ sộ và kỳ thú kia, cho dù chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ đi nữa.

Có điều Tố cũng đủ sáng suốt để biết rằng chuyện xảy ra với con Thúy không hay ho gì, cũng như ông bà già nhà nó chắc sẽ cạo đầu nó nếu họ phát hiện ra nó luyện thứ bùa nào khác ngoài cái loại dùng để giữ tay chân nó lành lặn. Thế nên sau khi nghe xong, nó ngậm tăm.

Không còn gì để hỏi thêm, phần khác sợ ngồi lâu ngứa miệng phun tùm lum, Tố chào bà Hai, ôm mối ngổn ngang thất thểu ra về. Ngay cả khi bà nằn nì nó "Con hỏi thầy con coi có cách nào cúng kiếng giúp nó không", nó vẫn chỉ ậm ờ hứa qua loa. Nó biết thầy nó sẽ chẳng làm gì được, ít nhất là nếu không có sự hợp tác của đương sự.

Về nhà, nó quyết định nhắn tin cho Thúy. Nó bảo là nó được bà Bảy Cát trừ tà cho, mấy bữa nay cũng đỡ đỡ rồi, không bị con ma quấy rối nhiều như lúc trước nữa. Rồi thừ người nhìn màn hình điện thoại.

Có quá nhiều chuyện nó muốn hỏi, mà chẳng chuyện nào có thể bày tỏ qua tin nhắn.

Hội Phù Thủy Họp Trên Gác Mái - Quyển 1: Vong Linh Trong Trường HọcNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ