3: thầy phù thủy

37 9 0
                                    

Thầy dặn con Tố giấu chuyện mình là phù thủy tập tễnh học việc, nhưng con bé nghĩ là người làng thế nào cũng đã nghi ngờ nó từ lâu. Ai chứ chuyện thầy Bạch là pháp sư hầu như cả làng đều biết. Họ biết, nhưng chẳng buồn nhờ cậy thầy điều gì. Lẽ cũng đơn giản thôi: thầy không cúng bái, không gọi hồn, cũng không trừ tà ma, tức là những thứ thiết yếu xây dựng nên hình ảnh một phù thủy miệt vườn thầy đều không làm được. Thầy chỉ bốc thuốc mà thôi, mà bốc thuốc thì trong làng có tới ba người khác giỏi hơn thầy.

Con Tố hỏi tại sao thầy không dùng tài nghệ hô phong hoán vũ của mình để củng cố hình ảnh bản thân, thì thầy chỉ nhún vai: thầy không muốn người ta chú ý nhiều đến thầy.

Tố biết thầy rất giỏi phép. Không phải thứ phép ồn ào đọc chú ê a âm binh hồn pháp như mấy phù thủy khác trong làng, mà chính mắt Tố nhìn thấy thầy nhấc cái cây lớn chặn ngang con suối một dạo, dạo khác thì chỉ cần phẩy tay nhẹ hều là tảng đá to đùng từ vách núi sắp sửa đè bẹp lên một xe khách đỗ nơi triền dốc liền đổi hướng, lăn xuống vực thẳm. Tố cực kỳ ngưỡng mộ điều này. Tuy mang tiếng là trở về từ cõi chết nhưng nó không bao giờ muốn đụng tới hồn ma bóng quế. Nó thích học phép "sạch" thế này hơn, không những an toàn mà lại còn vui nữa. Không biết bao nhiêu lần nó cười khúc khích khi điều khiển một chiếc lá chui tọt vô áo thằng Ngữ khiến thằng này nhảy nhổm, hay đứng từ xa kéo cửa sổ nhà cô Thắm kêu cọt kẹt khiến cô hết hồn trong mấy giây đầu, mấy giây sau là la toáng lên tên nó.

Từ trước tới giờ trên cõi đời rộng lớn mênh mông nó chỉ biết có mình thầy Bạch là người duy nhất dùng phép kiểu này.

Ở trong làng có vài người cũng là phù thủy công khai. Dĩ nhiên họ cũng như thầy Bạch, bị nhiều dân làng ghét, nhưng ghét không có nghĩa là không nể sợ. Như thầy Phạn coi vườn quít của làng có tài tiêu khiển hình nộm, hay biểu diễn cho đám trẻ con coi. Có dạo bà Mười Lài phát hiện lâm tặc ở cánh rừng phía nam làng bèn báo cho ông thầy này, ông ta lệnh cho nửa đêm, âm binh nhập vào các hình nộm bằng đất nung để trong kho nhà ông rồi rầm rập kéo tới bên cái xe chở gỗ đập phá, bọn lâm tặc sợ vỡ mật. Hôm sau dân làng thấy những thớ gỗ nặng trịch đã nằm lăn lóc ở đầu làng như thể có bàn tay nào bốc về. Hay thầy Tạo được xem là nổi tiếng nhất làng, có biệt tài luyện bùa chú không ai bằng, đặc biệt là chẳng kẻ nào dám phạm tới ông ta. Thằng Lê con ông có lần không biết xung đột gì mà bị đám trẻ ở đầu làng vây đánh bầm cả mình mẩy. Nó về méc với thầy Tạo, ông thầy liền nắm lấy tay nó, dán bùa lên những vết bầm mà lầm rầm niệm chú. Sáng hôm sau thằng Lê đi học thì thấy mấy đứa du côn nọ nghỉ hết, hóa ra là đêm hôm trước tụi nó đang khỏe mạnh như vâm bỗng dưng phát ban đỏ, bệnh rên hừ hừ, chạy vạy kiểu gì cũng không hết. Ba má chúng nó phải đến tận nhà thầy Tạo xin lỗi, thầy mới khuấy nước bùa kêu đem về cho lũ nhóc uống. Kể từ đó trở về sau không ai dám ăn hiếp thằng Lê nữa.

Lúc con Tố còn học tiểu học, nó chưa tiếp xúc với thằng Lê lần nào. Thằng này học trên nó hai lớp, lúc Tố nghe tới câu chuyện lừng lẫy kia thì Lê đã lên cấp hai, còn lúc Tố lên tới cấp hai thì thằng Lê bỏ xứ đi đâu mất biệt.

Chuyện thằng Lê bỏ đi, ông Tạo làm ầm ĩ cả tháng trời. Ông ta từ gọi hồn, mượn thần thánh, âm binh chỉ đường, đến gọi điện liên miên cho công an xã đòi phải tìm thằng nhỏ đem về. Khổ nỗi thằng Lê như bốc hơi khỏi mặt đất. Dân làng niệm tình hỏi thăm sự tình nơi ông Tạo để biết đường mà tìm kiếm thì ông ta ú ớ, nói rằng: thằng Lê một ngày nọ không về nhà như mọi tuần, ông kêu xe lên thị trấn dò hỏi thì cũng chẳng ai biết nó ở đâu.

Dân làng Ngải Bạch Hổ có cái tật cứ hễ thấy sự lạ là đồn thổi lên, bàn tán râm ran từ đầu mùa mưa này tới cuối mùa khô sau. Họ thậm chí còn lôi cái chết của vợ thầy Tạo từ một năm trước lên nói nữa. Con Tố nhờ vụ lùm xùm này mới có dịp nghe cái câu chuyện mà với nó còn ly kỳ hơn cả vụ thằng con ông Tạo bị mất tích.

Họ kể, vợ thầy Tạo là bà Nha bán vải đang khỏe mạnh sáng suốt, một ngày nọ tự dưng hóa rồ, rong ruổi khắp nơi phá làng phá xóm. Thầy Tạo lúc đó tay ấn chưa cao, đành quay qua cầu cứu mấy ông thầy phù thủy khác trong làng, nhưng các thầy vì ganh ghét sau đó mà không chịu chữa cho vợ ông. Rốt cuộc ông cột bà vợ ở ngay gốc chuối, rồi mày mò học cách trừ tà ma suốt ba ngày ba đêm. Học chưa đến đầu đến đũa thì một đêm nọ cả dân làng nghe tiếng hú ghê rợn phát ra từ mé rẫy, kéo dài đến tận cây xà cừ. Họ đổ xô ra thì thấy cái xác bà Nha lủng lẳng ở chạc ba cây.

Vì sự tích ly kỳ này mà đa số mọi người đều bảo nhau rằng thằng Lê thực ra đã chết rồi, rằng ông Tạo vi phạm điều đại kỵ của đạo phù thủy nên trời lần lượt bắt hết vợ con ông đi.

Gọi là "bảo nhau", bởi vì chẳng ai dám nói điều này trước mặt thầy Tạo. Cứ nói ra là ông ta phùng mang trợn má quát tháo, ai cũng khiếp. Người ta cho rằng điều này động chạm vô nỗi đau riêng. Còn thầy Bạch lại nghĩ khác. Do thầy có quen với thầy Tạo, lại là "đồng nghiệp", nên có lần ông Tạo qua bộc bạch với thầy. Rằng ông ta không biết thằng Lê ở đâu, cả cõi âm cũng không thấy nó, nhưng chính vì thế mà ông tin nó vẫn còn sống.

Một giả thuyết nữa, mà cái này được Tố lẫn cô Thắm âm thầm đồng tình, đó là thằng Lê bỏ đi biệt xứ vì nó không muốn dính tới ba nó nữa. Theo lời cô Thắm kể, từ sau khi ba nó trừng phạt đám bạn du côn, không còn ai chơi đùa với thằng Lê. Thằng này suốt ngày lủi thủi một mình trông rất tội, mà vốn dĩ là một đứa thích đàn đúm, nó không thể chịu nổi cảnh này. Thế là nó quyết định rời làng, ở lại đâu đó trên thị trấn, và rất có khả năng bạn bè nó trên đó đồng lõa giấu nó khỏi ba nó.

Tố nghệt mặt nghe cô Thắm giảng giải, vừa thấy tội vừa thấy giận thằng Lê. Ông Tạo làm vậy cũng chỉ vì thương nó mà thôi. Tự dưng đùng đùng ra đi như thế, lại nhằm lúc mồ mả má nó còn chưa xanh cỏ, bỏ ông Tạo quắt queo một mình vậy thật không phải đạo. Nhưng xét cho cùng, làm con của thầy Tạo cũng chẳng lấy gì làm vinh dự. Người làng thấy hoàn cảnh ông ta đáng thương nên giúp đỡ vậy thôi, chứ ngoại trừ lúc tính chuyện thằng Lê, ai ai cũng khiếp hãi ông. Bởi vì cứ hễ ông không vừa lòng ai là lại trừng phạt người đó. Những đòn trừng trị của ông không gây chết người, cũng không làm nên thương tích vĩnh viễn, nhưng thế không có nghĩa là chúng dễ chịu.

Thầy Bạch vốn hiền hậu hòa nhã mà cũng dặn nó đừng có chọc giận thầy Tạo. Thầy kể, có lần nhỏ Thúy con ông Hai Lục chui vô vườn nhà ông hái trộm trái cây, bị ông bắt gặp và ếm cho hết thấy đường suốt ba ngày ba đêm. Ba nó phải thề thốt trăng sao rồi công khai cấm con bé không được bén mảng lên nhà thầy nữa.

Vườn nhà ông Tạo nằm ngay bên rẫy, lại lắm trái, Tố mấy lần tính chui vô trong đó chơi, nhưng nghe thầy dặn xong nó phát rét, gạt phăng ý định khỏi óc.

Lại còn chuyện chú Năm Long coi luống cải trong lúc nhậu say lỡ xán bể chai rượu quý của ông Tạo trong một lần ăn giỗ. Ông Tạo không nói gì cả, nhưng hôm sau chú bắt gặp chị vợ cầm hộp diêm châm lửa như muốn đốt trụi chái bếp. Chú gạn hỏi thì chị ta chỉ cười lớn, mắt nổi lên màu tím trông rất ghê. Thiên hạ đồn ông Tạo xui ma nhập vào chị ta.

Con Tố không muốn bị ma nhập, càng không muốn bị mù, nên nó lánh xa cái nhà gạch tối mò nằm trơ trọi bên đường lên rẫy kia như lánh ổ dịch.

Chỉ đến một hôm nọ con Tố đổ bệnh, nó mới có cơ hội tiếp xúc với thầy Tạo.

Hội Phù Thủy Họp Trên Gác Mái - Quyển 1: Vong Linh Trong Trường HọcNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ