ĐÊM THỨ BA: 13 "nơi bí ẩn" trong lòng Tử Cấm Thành
Là dân Bắc Kinh chính cống, số lần tôi đến thăm Cố Cung chỉ "nhỉnh" hơn quý vị có "tí xíu" thôi - 24 lần. Mỗi khi bạn bè đến Bắc Kinh chơi, tôi đều dẫn họ tới đây đầu tiên. Hồi Olympic năm 2008 tôi có tham gia làm tình nguyện, hằng ngày đều tiếp đón rất nhiều bạn bè quốc tế, trạm đầu tiên trong lộ trình tham quan cũng là ở đây. Bây giờ thì tôi rất ít đi vì không đủ kiên nhẫn đợi xếp hàng nổi nữa.
Có lẽ khi đến Cố Cung hẳn ai cũng sẽ đi theo trình tự như thế này: tiến vào từ Ngọ Môn, quần tới quần lui tìm đến cửa Thái Hòa, sau đó rồi bước vào điện Thái Hòa, điện Trung Hòa, điện Bảo Hòa, cung Càn Thanh, cung Khôn Ninh,... và ra cửa thành! Nếu chỉ cưỡi ngựa xem hoa như thế thì tầm một buổi sáng là đã tham quan xong. Tuy nhiên, sức hấp dẫn thật sự của Cố Cung chỉ có những người thực sự hiểu rõ về tòa thành này mới biết được. Có rất nhiều phong cảnh, vật báu, tranh chữ,... mà nếu không nói với bạn thì dù bạn có đi bao nhiêu lần cũng sẽ không biết được. Rất may mắn là cách đây không lâu, anh Lý Vỹ đã đích thân dẫn tôi đi dạo Cố Cung một chuyến, đi xong rồi tôi chợt cảm thấy 23 lần tham quan trước của mình quả rất uổng phí.
Tôi xin giới thiệu sơ lược về anh Lý Vỹ, anh ấy là hướng dẫn viên thâm niên của viện bảo tàng quốc gia, là khách quý của nhiều chương trình về lịch sử được phát sóng trên CCTV. Kênh Youku và Weixin của anh ấy là AU炜, những bài đăng và video của anh ấy được rất nhiều bạn đọc hoan nghênh. Điều khiến tôi ngạc nhiên tột độ và khắc sâu nhất trong chuyến đi này chính là 13 nơi thần bí của Cố Cung, hôm nay tôi xin phép được chia sẻ với quý vị, mong lần tới khi quý vị đến Cố Cung sẽ tìm hiểu nhé.
1. "Chiếc hộp bí ẩn" trước cửa Thái Hòa:
Người đến Cố Cung thì bao la nhưng dường như có rất ít người chú ý đến nó, hai bên trái phải đều có một "hộp" như vậy. Trong tòa thành mang tên Tử Cấm này không có bất kỳ một vật nào tự dưng lại được đặt ở một vị trí nào đó. Chiếc "hộp" này cũng tương tự. Nó đã xuất hiện ở đây từ thời Minh, rất nặng, không thể mở ra chỉ bằng sức của một người mà cần vài người hợp sức lại mới có thể mở được. Có ghi chép kể lại rằng, hoàng đế Càn Long cũng từng tò mò bên trong tảng đá lớn này là thứ gì nên đã sai người mở ra xem. Hóa ra bên trong là ngũ cốc tượng trưng cho đất đai và giang sơn xã tắc.
2. "Đình đá" trước cửa Thái Hòa:
Cũng như cái "hộp đá" kia, có rất ít người chú ý đến cái "đình đá" này. Ở giữa cái "đình" được khoét một lỗ vuông, được dùng để đặt "nguyệt phân bài". Nguyệt phân bài là một kiểu lịch thịnh hành những năm cuối đời Thanh và những năm đầu Dân Quốc.
3. Hoằng Nghĩa các nằm ở phía tây của khoảnh sân lớn thuộc điện Thái Hòa:
Hoằng Nghĩa các chính là "kim khố" (kho tiền) của Đại Thanh. Ngày xưa vàng bạc đều được để hết ở đây. Lúc thái giám "vận chuyển" tiền sẽ phải cởi sạch quần áo để tránh tình trạng lén lút trộm thêm. Hiện tại không có nhiều người để ý đến Hoằng Nghĩa các bởi điện Thái Hòa đằng trước quá thu hút, song chỉ cần bạn chạy thêm mấy bước nữa thì sẽ có một góc chụp rất đẹp đấy.
4. Hành lang ở hai bên hông của "Tam Đại điện" gồm điện Thái Hòa, điện Trung Hòa, điện Bảo Hòa:
Đây là nơi chụp ảnh lý tưởng nhất vì rất ít người qua lại, rất dễ tìm được góc chụp đẹp.
5. Những "khối vuông trắng" trong sân lớn của điện Thái Hòa:
Đây là những khối vuông không hề tầm thường mà mang ý nghĩa lịch sử rất lớn. Những khối vuông này không chỉ đơn giản để "trưng" như vậy mà là dấu hiệu cho biết phẩm cấp của quan viên. Vào thời Thanh, trước sân có đặt những khối vuông như khối sắt vậy đó, tục gọi là "phẩm cấp sơn". Căn cứ vào những khối vuông này, các vị quan sẽ tùy theo phẩm cấp của mình rồi đứng theo từng hàng ngay ngắn.6. Phần nền của Cố Cung chỉ sâu 7 - 8 mét, để phòng ngừa có người đào địa đạo lẻn vào.
7. Hệ thống thoát nước của Cố Cung rất tốt, chưa từng có lũ:
Một ví dụ cụ thể là vào năm 2012, Bắc Kinh có một trận mưa rất to, non nửa Bắc Kinh chìm trong biển nước, chỉ duy nhất Cố Cung không hề bị ngập. Ở Cố Cung có rất nhiều rãnh thoát nước, bạn có thể mở nắp rãnh ra đấy.8. Từ điện Bảo Hòa đi thẳng về phía Tây sẽ đến cửa Long Tôn, trên bức hoành có cắm một đầu mũi tên từ năm 1813:
Xuất xứ của mũi tên này cũng khá huy hoàng. Năm ấy, lúc Thiên Lý giáo tấn công hoàng cung, quân khởi nghĩa đã đánh thẳng vào Tử Cấm Thành, mũi tên này được lưu lại từ cuộc chiến ấy. Năm Gia Khánh thứ 18, khởi nghĩa nông dân Thiên Lý giáo nổ ra, quân khởi nghĩa cải trang, kết hợp với thái giám trong cung nội ứng ngoại hợp tấn công Tử Cấm Thành. Đương quân phản loạn vừa đánh tới cửa Long Tông thì bị cấm vệ hoàng cung vây bắt, toàn bộ quân của Thiên Lý giáo bỏ mạng dưới cơn mưa loạn tiễn. Trong đó có một mũi tên còn lưu lại ngay trên tấm hoành.
Hoàng đế Gia Khánh hạ lệnh lưu lại đầu mũi tên đó để tự nhắc nhở chính bản thân mình rằng nếu không thống trị quốc gia đàng hoàng thì quân khởi nghĩa vẫn sẽ mọc lên và đánh vào hoàng cung lần nữa, mà chỉ cần quân địch vượt được cửa Long Tông là sẽ nguy hại trực tiếp đến hậu cung và những nơi bí mật quân sự khác.