PHẦN II:
Ngày đầu tiên chúng tôi tạm biệt nhau, đứa ở nửa chữ S ngoài này, đứa ở nửa chữ S miền trong, cũng cảm thấy trống trải và buồn vô cùng, nhưng cũng may là thời đại công nghệ thông tin nên dễ dàng kết nối được với nhau mỗi ngày.Thấm thoắt cũng hết 2 năm đầu, lúc này Hiếu có khoe với tôi nhận được một lớp gia sư cho học sinh lớp 6 môn Vật lý, ngày đó lương chỉ có 200 ngàn một buổi dạy 2 tiếng đồng hồ, mỗi tuần 2 buổi, một tháng kiếm thêm 1 triệu 6, số tiền ấy cũng dư giả cho Hiếu trả tiền nhà. Nhờ lớn lên trong sự khó khăn, mà Hiếu ý thức được việc luôn luôn phải cố gắng để học thật giỏi, chính vì thế mà sang năm thứ 3, hết kỳ đầu nó giành được học bổng toàn khoa.
Thú thật là tôi ngưỡng mộ thằng bạn vô cùng, vì nó chịu khó, sáng lên giảng đường, tối đi dạy, hôm nào không dạy thì xin đi làm phục vụ bàn tại mấy quán nhậu trên quận 3, đêm đến lôi sách vở ra học. Nó kể không như những gì mà tôi hay nghĩ, sự phân biệt vùng miền, hay lối sống tiết kiệm lại khiến người trong này họ ghét, ngược lại, cuộc sống đối với Hiếu rất vui, bạn bè thầy cô hay kể cả là vợ chồng ông bà chủ cũng quý mến nó nữa. Rồi qua 2 kỳ thực tập, đồ án tốt nghiệp, chúng tôi ra trường và gặp lại nhau.
Những ngày đầu quay về Hà Nội, tôi để ý thấy Hiếu vẫn hay gọi điện nhắn nhủ yêu thương gì đó với ai đấy qua điện thoại, tôi cũng tò mò nên hay trêu chọc, nó cũng thật thà kể:
- Không biết là ba mẹ có thích một cô dâu người Quy Nhơn không hả Tuấn?
- Bạn gái mày ở Quy Nhơn cơ à, tao nghĩ bố mẹ đâu có quyền thích hay không thích, hạnh phúc là của mày, do mày quyết định và lựa chọn cơ mà, dù sao sau này mày cũng đâu có ý định sẽ sống mãi với bố mẹ. – Tôi chống cằm nói.Hóa ra cái việc Hiếu kể với tôi lúc còn học tập trong Sài Gòn có người đến ở cùng share tiền phòng lại là một cô gái, và cũng chính là cô bạn gái mà kể từ sau khi Hiếu trở lại Hà Nội, vẫn ngày đêm thương nhớ. Thật không ngờ ngày hôm nay, chính cô ta lại là mấu chốt của những sự việc đau lòng đang xảy ra với Đào, với Hiếu, và sắp tới là với gia đình tôi.
- Nó sao rồi? – Mẹ tôi vừa tới bệnh viện, ngó nghiêng rồi hỏi.Tôi đứng ngoài hành lang cùng chị Ánh đang bế thằng Mun để Đào ở bên trong trông nom Hiếu.
Hai chị em nhìn nhau rồi tôi mệt mỏi nói:
- Bác sỹ vừa tiêm an thần cho nó, giờ nó sẽ ngủ đến sáng mai, nếu sáng mai tỉnh táo thì cái Linh bạn con nó sẽ giúp vào đây trấn an và khuyên nhủ thằng Hiếu.
- Thế còn chuyện bùa ngải, có đúng thật thế không, sao tay chân nó lại làm được như thế?
- Cái đó thì bệnh viện họ không có trách nhiệm tìm hiểu, nhưng theo lý thuyết của các bác sỹ thì có khả năng dạ dày của Hiếu chứa độc tố axit, khi nôn ra ngoài cùng thức ăn sẽ có màu nâu đen như thế, nhẹ thì là ngộ độc, mà nặng thì là dấu hiệu của ung thư.
- Là gì cũng được, miễn sao không phải ba cái thứ yêu ma kia… Đây, đồ dùng cá nhân với mấy bộ quần áo của nó mẹ vừa tranh thủ về nhà lấy, đưa vào trong cho cái Đào nhé.Tôi nhận lấy túi đồ mẹ đưa cho và ngán ngẩm ngồi xuống, 8 giờ tối, hành lang khu hồi sức cấp cứu đã vắng người qua lại, cộng thêm với không khí âu lo bao trùm, ba mẹ con cứ lặng người suốt 2 tiếng đồng hồ. Đến khoảng 10 giờ tối thì có một bác sỹ bước vào khu vực của chúng tôi, yêu cầu Đào ra ngoài. Lúc ấy chị Ánh giục:
- Thôi mày bế thằng Mun về đi, đừng có để trẻ con ở trong bệnh viện lâu quá, về đi để chị ở lại rồi sáng mai lại vào cũng được.
Đào cũng mệt mỏi và “vâng” một tiếng, sau đó ra về. Vị bác sỹ vừa rồi bước ra khỏi phòng hồi sức và lên tiếng:
- Ai là người nhà bệnh nhân, tôi có vài điều muốn cho người nhà biết.
Cả 3 mẹ con đều đồng thanh lên tiếng:
- Người nhà đây…!!!
Nhưng rồi cuối cùng tôi nhận trách nhiệm đi theo bác sỹ vì với tư duy của một nhà báo, tôi sẽ tiếp nhận thông tin chính xác hơn. Bác sỹ đưa cho tôi kết quả siêu âm vùng bụng của Hiếu và nói:
- Theo kết quả siêu âm thì toàn bộ nội tạng không có dấu hiệu gì bất thường, tuy nhiên để đảm bảo mức độ chính xác nhất, sáng mai bệnh viện sẽ cần lấy máu của bệnh nhân để xét nghiệm. Nhưng có một điều rất lạ là khi xét nghiệm dịch nôn ra từ bệnh nhân, chúng tôi phát hiện thấy chì ở trong đó, như bình thường, nhiễm độc chì là hàm lượng chì ở trong máu cao, nhưng đây lại không phải là ở trong máu, mà là ở trong thức ăn, và nó giống như bột chì, than chì giống như kiểu bệnh nhân đã ăn phải những thứ giống như ruột bút chì trong một thời gian dài rồi.
Tôi sững sờ, tim đập mạnh, chân tay cuống quýt cầm bản chụp X-quang rồi lắp bắp hỏi lại:
- Ý…ý bác sỹ là bệnh nhân Hiếu đã…đã nuốt trực tiếp vào bên trong những thứ như thế ấy ạ?
- Trên thế giới có rất nhiều trường hợp kỳ dị, bệnh nhân có thể nuốt vào người những thứ dễ gây tổn thương cho nội tạng, nhằm tự tử hoặc mất ý thức tự chủ. Gia đình cần cho chúng tôi biết về dư chấn tâm lý của bệnh nhân trong suốt thời gian qua, hoặc biết chuyện gì đang xảy ra với bệnh nhân hay không, như vậy mới có hướng để điều trị được.