Một đám người quần áo nhuốm máu bị giải đến ngọ môn dưới trời đầy bông tuyết bay.
Những người này đã từng là quan tước trong triều, luôn cao cao tại thượng, mà lúc này đây tất cả sĩ diện của họ không còn sót lại chút gì, trên mặt tràn đầy tuyệt vọng. Trong đó có người không cam lòng kêu to lên lại bị cẩm y vệ cho một gậy, ngã lăn trên mặt đất, trông càng thêm chật vật.
Từ Cửu Chiếu ánh mắt lạnh lùng nhìn tên tham quan đầy vết máu do bị quất roi càng lộ ra vẻ hèn mọn. Nơi bị tra tấn truyền tới từng cơn đau đớn cũng không khiến cậu mảy may động dung, chỉ lặng lẽ bước đi.
Từ Cửu Chiếu cũng không phải là văn nhân nên tự nhận trên người không có khí tiết thanh cao của người đọc sách, nhưng cũng không có nghĩa là cậu sẽ cầu xin tha thứ từ bọn đao phủ này. Cậu biết bây giờ đã vô lực xoay chuyển, không thể sửa đổi được số phận nữa rồi. Chi bằng tiết kiệm chút khí lực để giữ lại tôn nghiêm cuối cùng cho mình.
Từ Cửu Chiếu nguyên là ngự diêu sư (thợ làm gốm trong cung) của ngự diêu xưởng (xưởng gốm chỉ phục vụ cho vua) có kỹ thuật chế tạo gốm sứ vô cùng tinh xảo, đẹp đẽ. Bởi vì có tay nghề xuất chúng, Từ Cửu Chiếu được đốc đào quan (quan quản lí lò Ngự) kiêm đại thái giám – Đào Kim coi trọng, hơn nữa sư phụ truyền nghề ở bên cạnh nói tốt thêm mấy câu mới được đi theo mấy người không hề quen biết ly khai Cảnh Đức Trấn [1], tới Hà Nam mở lò nung.
Khi Từ Cửu Chiếu vừa mới nung xong một mẻ gốm thành công nhất trong cuộc đời của mình, đáng tiếc không đợi cậu vui vẻ bao lâu thì bị cẩm y vệ xông vào đem tất cả mọi người bắt lại.
Sau đó, Từ Cửu Chiếu mới biết được cậu vậy mà lại vô tình bị cuốn vào âm mưu chống phá triều đình. Thật không may là khi đám người đó bị bại lộ còn kéo luôn cả cậu xuống nước.
Bị tra tấn một ngày một đêm khiến Từ Cửu Chiếu chết đi sống lại, ngay cả đôi tay cũng bị phế bỏ. Bàn tay này của cậu đã từng chế tạo ra những đồ gốm tinh xảo, vậy mà bây giờ một đôi đũa cậu cầm cũng không được.
Mấy người liên quan đến án này đều bị giam giữ ở trấn phủ ty, đối mặt với khuôn mặt áy náy của sư phụ, Từ Cửu Chiếu không thể tin được vào hai mắt mình. Chỉ vì tiền đồ của con trai mà sư phụ liền đem tên đệ tử này đẩy tới vực sâu.
Đối mặt với ân sư, Từ Cửu Chiếu mặc dù phẫn nộ nhưng lại không hề thốt ra một lời oán trách. Chuyện tới nước này, oán hận có ích gì ư?
Nhưng mà khi thực sự quỳ gối trên nền đá lạnh như băng, trên đầu bị vải bố bịt kín, chờ đợi tới thời khắc bị xử tử, Từ Cửu Chiếu rốt cuộc cũng vô pháp thản nhiên, ở sâu trong nội tâm của cậu chung quy cũng oán hận số phận bất công.
Có lẽ chính phần oán khí này làm cho linh hồn cậu không bị tan biến.
Lúc cậu khôi phục thần trí lần nữa thì đã tới một địa phương hoàn toàn xa lạ.
Không phải là thành Bắc Kinh kiến trúc tinh xảo với tường son ngói vàng, ngược lại là một hầm lò hoang vắng.
Khi Từ Cửu Chiếu nhìn xuống đáy hầm thì thấy một người nằm ngửa mặt lên, phía dưới đầu của người đó là một vũng máu to đã ngấm xuống dưới đất. Sắc trời không sáng lại có một tầng tuyết mỏng đọng ở trên người đó khiến Từ Cửu Chiếu không có nhận ra sự dị thường gì cả – ngoại trừ một cái đầu tóc ngắn ngủn.
BẠN ĐANG ĐỌC
TÁI SINH CHI TỪ
DragosteTừ Cửu Chiếu là ngự diêu sư (người làm gốm của hoàng cung) thời nhà Minh bị chết oan, Lại tá thi hoàn dương ở hiện đại. Người không có đồng nào, còn mang một khoản nợ, Từ Cửu Chiếu chỉ có thể đi theo nghề cũ một lần nữa. Nhưng bất tri bất giác lại đ...