Nhân vật Tiêu Chiến đóng tên là Trương Tuần Xuân, bên trong là vai phản diện, bên ngoài là một tiểu thiếu gia đáng yêu, bình thường thích nuôi bồ câu, có cùng sở thích với nam chính – Đó là một trong những đầu mối trong phim.Hôm nay Tiêu Chiến phải quay vài cảnh liên quan đến bồ câu. Ví dụ như buổi sáng, nhân vật ngồi trong phòng khắc còi bồ câu.
(*Ngày xưa người ta làm ra mấy cái còi nhỏ có phần que cắm lên người con chim bồ câu, lúc nào nó bay về, gặp gió với sức gió khác nhau thì sẽ tạo ra tiếng còi trầm bổng. Đây được xem như một đặc điểm của Bắc Kinh thời xưa.)
Bối cảnh câu chuyện là ở Bắc Kinh. Người Bắc Kinh có sở thích nuôi hoa chim cá bọ, trong đó chim chóc chủ yếu được chia làm ba loại chính: Loại chim dữ, ví dụ như ưng, cắt, đại bàng; loại hót vang, ví dụ như họa mi; loài hay bay muôn nơi với đại diện là bồ câu.
Nghe nói ban đầu lúc viết kịch bản, Liễu Thuần Dương cũng cân nhắc đến việc để bọn họ nuôi chim ưng thì sẽ kích thích hơn, song lại thấy hơi quá, vả lại sẽ không tốt cho việc đắp nặn nhân vật. Thú cưng vốn là một kiểu ám dụ, vừa rõ mười mươi vừa đầy ẩn ý.
Còn còi bồ câu thì sao, nó cũng là một truyền thống cũ. Trước đây người ta thả bồ câu sẽ làm một cái còi với kích thước khác nhau để lúc bồ câu chao liệng trên bầu trời, sức gió sẽ làm cái còi phát tiếng. Vì sự thay đổi lúc bay mà âm thanh còi cũng đổi thay theo, chẳng những có thể phân biệt được bồ câu nhà ai, biết bồ câu đang ở xa hay gần mà nghe cũng rất bùi tai. Còi bồ câu có chừng mấy chục loại, chưa kể ngũ âm của chúng đầy đủ, được xưng là bản hòa tấu trên bầu trời.
Trương Tuần Xuân có thể tự tay làm còi bồ câu – Thật ra trước đó không có thiết lập này, là Liễu Thuần Dương thêm vào.
Bởi vì ông biết Tiêu Chiến biết dùng dao, thành thử ra ông quay cảnh Tiêu Chiến tự tay khắc còi bồ câu, tiện thể thể hiện tài năng dùng dao, để lại phục bút*, để rồi sau này nhân vật chính và nhân vật phản diện còn đấu tay đôi với nhau.
(*Phục bút là kỹ thuật được người viết sử dụng để cung cấp các manh mối để độc giả có thể đoán trước điều có thể xảy ra sau đó trong câu chuyện. Nói cách khác, nó là một công cụ văn chương được tác giả sử dụng để gợi ý về một tình tiết và những điều có thể xảy ra trong một tương lai gần, hoặc các chiều hướng phát triển của một tình tiết về sau trong câu chuyện.)
Đoàn phim mời riêng một tay nuôi bồ câu lão làng, là một ông cụ họ Uông. Ông cụ chẳng những hướng dẫn những tri thức liên quan đến bồ câu mà còn đóng vai khách mời – người hầu giúp Tiêu Chiến nuôi bồ câu.
Tiêu Chiến được ông chỉ dạy bèn vung dao chẻ tre làm còi.
Bước này hoàn toàn không cần đến thế tay. Ngoài Liễu Thuần Dương ra, người trong đoàn phim chưa bao giờ chứng kiến Tiêu Chiến chơi dao. Ở đa số bộ phim trước, Tiêu Chiến xuất hiện với hình tượng ngây thơ, bây giờ nhìn anh quá đỗi nhập tâm chơi dao nhỏ, giữa những quang ảnh thi nhau thay đổi thoăn thoắt là ngón tay thon dài cầm con dao sắc bén lóe sáng, rồi bất chợt hạ dao một cách chuẩn chỉnh...