Chương 57. Điện Phân Phương

217 21 0
                                    

Cung Thượng Dương.

Tống Hành dẫn Thi Yến Vi đi vào điện Quan Phong qua cổng Đề Tượng.

Bên trong điện Quan Phong, gác chuông sừng sững, kinh các uy nghiêm. Điện nằm ở phía nam cung Thượng Dương, từ đây có thể nhìn ngắm cảnh sắc bốn mùa ven bờ sông Lạc, dòng nước uốn lượn chảy qua được các nghệ nhân khéo léo tách ra từ một nhánh của dòng Lạc Thủy, hai bên trồng đầy hoa đỏ liễu xanh, hết thảy tạo thành quang cảnh đẹp mắt, hòa quyện với đình đài lầu các, tường đỏ ngói xanh phía trong điện.

Phía đông của Thượng Dương cung chính là Tử Vi thành, được xây dựng từ thời nhà Tùy. Trong cuộc phản loạn tam trấn dưới triều Huyền Tông, tòa thành này đã hai lần bị loạn quân và Hồi Hột [1] thiêu hủy, Thượng Dương cung cũng chịu chung số phận, dù Đường Đại Tông đã chi bốn mươi vạn quan tu sửa nhưng vẫn không khôi phục được dáng vẻ ban đầu.

[1] là một đế quốc Đột Quyết (Turk)[2] của người Duy Ngô Nhĩ tồn tại trong khoảng một thế kỷ từ giữa thế kỷ 8 đến thế kỷ 9. Đây là một liên minh các bộ lạc dưới quyền lãnh đạo của người Duy Ngô Nhĩ, được người Hán gọi là cửu tính ("chín bộ lạc") gồm Dược La Cát (藥羅葛), Hồ Đốt Cát (胡咄葛), Quắt La Vật (啒羅勿), Mạch Ca Tức Cật (貊歌息訖), A Vật Trích (阿勿嘀), Cát Tát (葛薩), Hộc Ốt Tố (斛嗢素), Dược Vật Cát (藥勿葛), Hề Nha Vật (奚牙勿). Nguồn chú thích: Wikipedia

Tống Hành muốn định đô tại Lạc Dương, tất nhiên phải tu bổ lại thành Tử Vi. Dù phía tây của cung Thượng Dương chưa từng bị đốt cháy nhưng cũng nhiều năm chưa được trùng tu, vì thế những nơi mà Thi Yến Vi đi qua thì đều có công tượng đang cần mẫn tu sửa.

Hai người thong thả đi về hướng bắc, rời điện Quan Phong, men theo hành lang vòng cung đến viện Lân Chỉ. Dọc đường đi, lác đác vài cung nữ và nội thị đều dừng bước, hành lễ với hai người.

Khi đã đi xa, Tống Hành mới nói: "Hiện tại cung nhân đang thiếu, sau này sẽ điều thêm người từ cung Đại Minh ở Trường An chuyển đến."

Viện Lân Chỉ nằm phía sau điện Quan Phong nên không thể nhìn thấy dòng Lạc Thủy mênh mông cuộn sóng, chỉ khi bước lên lầu cao mới có thể ngắm nhìn cảnh sắc từ đằng xa. Bên trong viện Lân Chỉ, nội thất được bài trí xa hoa, tú lệ phi phàm.

Chỉ khi chứng kiến tận mắt, Thi Yến Vi mới vỡ lẽ, tòa cung điện của tiền triều này so ra còn phung phí xa xỉ hơn rất nhiều so với những gì nàng từng tưởng tượng.

Đi thêm hơn trăm bước về phía bắc chính là hai tòa điện Tiên Cư và Phân Phương.

Trong mắt Thi Yến Vi, điện Tiên Cư không khác viện Lân Chỉ là mấy, nhưng điện Phân Phương lại mang nét độc đáo riêng. Nơi đây có những hàng liễu xanh rũ xuống lan can, hoa cỏ soi bóng trên cầu đá. Trước mặt điện là hồ nước được khai phá, dòng nước được khơi thông, giữa mặt hồ là một ốc đảo nhỏ rợp mát bóng cây, bên trên là mái nhà lợp ngói xanh với cửa sổ sơn đỏ, mát mẻ lại thanh bình.

Tống Hành đứng bên cạnh, thấy nàng chăm chú ngắm nhìn, liền hỏi: "Nương tử có muốn lên đó dạo một chuyến không?"

Thi Yến Vi nhìn quanh thì chỉ thấy những chiếc lá vàng cùng từng mảnh hoa tàn nổi lềnh bềnh trên mặt nước, nhưng không thấy thuyền đâu, bèn hỏi ngược lại hắn: "Nơi này không có thuyền thì làm sao mà ra được?"

Giam nàng trong trướng - Tụ Tụ YênNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ