Chương 64. Công chúa Tuyên Thành

296 27 10
                                    

Thời gian cứ thế trôi qua, chớp mắt đã sang tháng bảy, hạ tàn thu đến. Qua tiết Xử Thử, thời tiết dần trở nên mát mẻ hơn. Thi Yến Vi nhân một ngày được nghỉ, tìm đến thôn Giang bên suối Hoán Hoa để dạo chơi.

Buổi sáng, vào lúc giờ Thìn một khắc, nàng cưỡi ngựa lên đường. Vì trời còn sớm, đường phố thưa thớt bóng người và ngựa xe. Nàng men theo bờ suối Hoán Hoa, vừa đi vừa hỏi đường, chừng khoảng hai khắc thì đến được thôn Giang.

Phóng tầm mắt ra xa, chỉ thấy trong thôn liễu rũ mơ màng, nước chảy dịu êm. Những bức tường trắng mái ngói xám lạnh nối liền nhau, lối mòn cắt ngang ruộng đồng. Trên đồng, lúa trổ một màu xanh mướt, khi gió thu khẽ lướt qua, sóng lúa dập dềnh phát ra tiếng rì rào, tạo nên khung cảnh nhàn nhã, yên ả.

Thi Yến Vi thong thả dạo bước, trong đầu hình dung ra mạch truyện sẽ viết ngày hôm nay. Chợt nàng nghe tiếng đàn ngân nga từ một lầu dài vọng lại.

Nàng khựng bước, theo tiếng đàn nhìn sang thì thấy một nữ nhân mặc tố y ngồi xếp bằng, ngón tay ngọc ngà lướt trên dây đàn, âm thanh uyển chuyển, da diết như lan tỏa từ đầu ngón tay nàng ta.

Khúc nhạc vừa dứt, Thi Yến Vi tựa như cảm nhận được tâm trạng u sầu của người tấu đàn, bèn cột ngựa vào cây liễu, bước tới hỏi khúc nhạc vừa rồi gọi là gì.

Nữ lang ngẩng đầu nhìn nàng, khẽ mở môi son, đáp rằng đó là khúc "Thục Quốc Huyền" từng được Tiết Đào tấu lên.

Nghe lời kể, Thi Yến Vi cẩn thận ghi nhớ, rồi khéo léo hỏi thêm vài chuyện khác. Hai người tuy chỉ sơ giao nhưng chuyện trò càng lâu càng trở nên thân mật. Chỉ một lúc sau, cả hai bắt đầu nói về những bước ngoặt trong cuộc đời mình.

Nữ lang kia tên là Vương Uẩn Nương bộc bạch câu chuyện đời mình bằng tất cả sự chân thành, trong khi Thi Yến Vi lại không thể nhắc đích danh Tống Hành trước mặt nàng ta. Nàng chỉ nhã nhặn kể lại rằng nàng từng bị một kẻ quyền quý giam cầm, may được quý nhân tương trợ, cuối cùng thoát khỏi tai ương.

Mải trò chuyện, trời đã sang giờ Ngọ. Qua lời kể, Thi Yến Vi hình dung ra thân thế của Vương Uẩn Nương, bất giác nhớ đến tỳ bà cơ dưới ngòi bút của Bạch Cư Dị. Tuy nàng không biết làm thơ, cũng chẳng tài hoa xuất chúng, nhưng nàng vẫn có thể dùng văn ngôn chất phác để viết lại câu chuyện mình nghe, biến con người và sự kiện ấy thành những dòng chữ hữu hình, lưu danh hậu thế.

Thi Yến Vi từ biệt Vương Uẩn Nương, tự mình tháo dây cương buộc ngựa, dắt ra khỏi thôn, trở lại con đường lớn thoáng rộng, rồi mới leo lên lưng ngựa, thúc ngựa về nhà.

Sau khi dùng cơm trưa, nàng hồi tưởng những câu chuyện Vương Uẩn Nương kể, cẩn thận sắp xếp ý tứ rồi cầm bút viết lên giấy. Nửa buổi chiều qua đi, câu chuyện về một nữ nhạc công đất Thục phiêu bạt khắp Trường An, Lạc Dương và thành Cẩm Quan hiện lên sống động dưới ngòi bút nàng.

Trong bài viết, Thi Yến Vi không quên ghi lại tên thật của nàng: Vương Uẩn, cùng với tài năng tuyệt diệu của nàng trong việc diễn tấu khúc "Thục Quốc Huyền".

Sau khi hoàn thành bản thảo, tâm trí nàng chợt nhớ lại một nữ nhân khác được Vương Uẩn Nương nhắc đến.

Công chúa Tuyên Thành, Lý Lệnh Nghi.

Giam nàng trong trướng - Tụ Tụ YênNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ