Nhà tôi ba đời theo nghề bốc thuốc, đến đời bố tôi lấy mẹ thì là bác sĩ khoa ngoại. Một người là Phó giáo sư giảng dạy tại học viện y học, một người là bác sĩ ngày đêm túc trực bệnh viện trong những ca phẫu thuật không hồi kết. Có thể xem như tôi sinh ra trong một gia đình gia giáo có điều kiện song không rõ do xung đột về y học cổ truyền - y học hiện đại hay công việc bận rộn, tính cách không phù hợp mà năm tôi bảy tuổi, bố mẹ ly hôn.
Mẹ tôi - người phụ nữ dành cả đời cho khoa học, với bà gần như nghiên cứu y học mới là điều quan trọng nhất. Ít lâu sau khi ly hôn, bà rời Việt Nam qua Nga sinh sống, giảng dạy và làm việc. Bà không đi thêm bước nữa nhưng cũng hiếm khi về thăm tôi. Đều đặn mỗi năm một lần, trước sinh nhật một tuần mẹ tôi sẽ bay về Việt Nam và ở lại trong sáu ngày. Đó cũng là dịp duy nhất trong năm tôi và mẹ trò chuyện với nhau. Những ngày còn lại nếu tôi nhớ mẹ ư? Đơn giản thôi, số nghiên cứu khoa học hay sách đề tên bà đủ cho tôi đọc đến mức có thể quên đi chính mình nữa là nỗi buồn tầm phào trẻ con kia.
Cũng từ năm bảy tuổi những ngày không có ai trông nom chăm sóc, bố đưa theo tôi lên giảng đường. Thường thì tôi có một bài toán rất khó bố giao mà giải cả ngày chẳng xong, hoặc một thế trận cờ vua đi kiểu gì cũng bại. Những thứ đó dần già chẳng đủ sức giữ chân tôi. Tôi theo lên những lớp bố dạy, yên tĩnh ngồi một góc cuối phòng học. Gần như tất cả các trang giáo án, các bài thuốc, các nội dung giảng dạy của bố tôi đều thuộc không sót một chữ. Nếu chán quá tôi sẽ bỏ qua lớp khác, lại bắt đầu vòng lặp "lắng nghe" - "thuộc làu" - "tìm lớp khác". Các giảng viên trong trường không ai không biết mặt tôi nhưng cũng chẳng ai buồn đuổi. Một phần vì quen biết bố, một phần vì tôi khá yên tĩnh mà so ra, so với một con ong con muỗi trong lớp có lẽ cũng chẳng chênh lệch nhiều.
Bà nội mở một tiệm thuốc đông y lớn trong thành phố, đã truyền tới thời thứ ba. Tiệm thuốc theo gia đình từ suốt những ngày chống Pháp, chống Mỹ rồi đến lúc hoà bình lập lại, nức tiếng xa gần. Bà tôi là một người hồn hậu, người xa tới bốc thuốc thì khen ngợi, người ở gần bệnh liệt giường thì bà tới tận nơi, ai nấy nể trọng giữ lễ. Ngày bé tôi không có búp bê quần áo sặc sỡ, bố mẹ chỉ mua sách đủ loại. Những ngày nhàm chán tôi lẻn xuống tiệm thuốc của bà, len lén trộm kỷ tử, đại táo hay cam thảo ăn một mình. Cũng có khi giả vờ gõ cộc cộc vào từng ô thuốc, thử đoán xem là gì phía bên trong. Tôi đương nhiên biết thừa, chỉ có điều tưởng tượng ra có thêm một người không biết để chơi cùng thì sẽ vui hơn. Lớn thêm chút nữa tôi học được chút kỹ thuật bắt mạch. Khi chân bà yếu tôi cũng được phép đi theo, cùng bà tới thăm những bệnh nhân ốm nặng. Trong mắt mọi người tôi là đứa trẻ thông minh hiểu chuyện, tương lai nhất định kế nghiệp gia đình, chữa bệnh cứu người, hành y tích đức.
Vốn dĩ tôi cũng nghĩ vậy.
Năm tôi mười bảy tuổi, bố tôi gặp scandal(1) tình ái với sinh viên của mình. Điều quan trọng là cô gái kia chỉ hơn tôi đúng một tuổi. Khoảnh khắc nhận được tin ấy bầu trời trong mắt đứa trẻ mười bảy tuổi là tôi vỡ vụn. Tượng đài người cha vĩ đại trong bấy lâu nay nứt toác ra rồi đổ sụp xuống, phủ lên vạn vật xung quanh tôi một màu xám mịt mờ. Tôi xé giấy đăng ký dự thi vào Y học cổ truyền, lựa chọn một trường bất kỳ khối ngành Kinh tế. Cũng năm đấy tôi trở thành á khoa đầu vào Ngoại thương. Tôi hoàn thành chương trình học trong ba năm thay vì bốn năm tiêu chuẩn. Tôi dành hết thời gian trên trường, không về nhà, không gặp bố. Tất cả những tín chỉ có thể đăng ký tôi đều đăng ký hết, kể cả mùa hè, kể cả học vượt. Tôi trốn tránh mọi thứ mà thực lòng kể cả không trốn tránh, bố hay mẹ cũng chẳng bao giờ tìm đến tôi. Tôi hoàn toàn tự lập.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!
Narrativa Storica[ĐÃ XUẤT BẢN] 🌟 Thể loại: Cảm hứng lịch sử Việt Nam, Hài hước, Yếu tố Y học... 🌟 Giới thiệu truyện: Trăm tính vạn tính nàng cũng không tính được vì say rượu mà xuyên không, rơi vào Đại Cồ Việt 1000 năm về trước. Trong cái rủi có cái xui, giữa thời...