"Cũng biết chút ít y thuật, hành nghề ở huyện bên." - Tôi gãi đầu - "Chi bằng chị cứ để tôi xem cho."
"Có đắt không?" - Chị hỏi tôi bằng giọng lưỡng lự.
Tôi phẩy tay:
"Tiền nong gì, tôi giúp chị, chốc bán rẻ cho tôi là được."
Bà chị bán trầu cũng không có ý phản đối. Tôi nhìn đứa nhỏ gầy đét, mặt mũi vàng xanh xao nằm trên mấy miếng lá chuối khô bên cạnh mẹ, đầu gối lên một cái áo gấp làm tư, hai mắt nhắm nghiền.
"Cháu nó bị làm sao?"
"Mấy bữa ni đi ngoài liên tục."
Tôi bắt mạch, đứa bé da vàng khô, bụng trướng, mắt còn ươn ướt vì khóc nhiều.
"Cháu có hay ngứa ngáy, kinh giật và buồn nôn không?
Chị gái bán đầu luôn miệng:
"Có, có! Ít khi kinh giật nhưng nãy có nôn ra nước trong."
"Cháu đi đại tiện thế nào?"
"Đại tiện lỏng, mấy bữa ni ăn cái chi ra cái nứ."
Chứng ỉa chảy là một trong những chứng phổ biến nhất ở trẻ nhỏ, xét về phương diện y học hiện đại có thể phân ra tiêu chảy cấp tính, tiêu chảy mãn tính, tiêu chảy do tả -lỵ-thương hàn...; xét về y học cổ truyền thì bệnh thuộc phạm vi chứng tiết tả, nguyên nhân có thể do ngoại cảm tà khí, ăn uống, nhiễm trùng, do tạng phủ hư nhược. Trong trường hợp này dễ có thể thấy là do giun mà thành. Giun làm tổn thương tới công năng hoạt động của tỳ vị dẫn đến những triệu chứng chủ yếu như nôn, ỉa chảy, gầy mòn. Trẻ em thường bị nhiễm giun, giun nhiều thành trùng tích.
Tôi trầm ngâm một hồi rồi bảo:
"Chứng này là do trùng tích, muốn chữa được thì phải kiện tỳ, trừ thấp, trừ trùng(3). Chị có giấy mực đây không, tôi sẽ kê một thang thuốc."
Bà chị bán trầu cảm ơn rối rít nhưng không kiếm đâu ra được giấy bút cho tôi. Tôi lại càng không sẵn mấy thứ đấy trong người. Thấy vậy bà chị í ới nhờ ông hàng cá bên cạnh trông hàng rồi kéo tôi chạy ra đầu chợ đi tìm thầy đồ nhờ viết chữ. Vậy lại càng hay, tôi đỡ phải "khoe" ra nét chữ như gà bới của mình.
Đến đầu cổng chợ còn chưa thấy thầy đồ đâu thì đã thấy một đoàn người dài dằng dặc xếp hàng trước cánh cổng cao đóng kín mít, tôi huých vai bà chị, hỏi:
"Sao người ta xếp hàng dài vậy chị?"
"Chờ phát gạo đó, mấy bữa ni đã ai được hạt mô?"
Tôi ngạc nhiên, quốc khố đã xuất ra được hơn nửa tháng trời, các huyện khác đã nhận hết sao Mai Vị còn chưa được nhận?
"Sao còn chưa được nhận? Tôi thấy các huyện bên đã nhận hết rồi?"
Chị ta nghiến răng ken két:
"Ai biết chi cha bọn hắn, hạch sách đủ điều, không có ai chứng mình sắp chết đói thì đừng mơ lấy được một hạt!"
"Làm gì có chuyện đó?" - Tôi húng hắng ho - "Chúa thượng ban xuống gạo và khoai được chia theo đầu người, theo tuổi. Người nhỏ ăn ít nhận ít, người lớn ăn nhiều nhận nhiều, chẳng phải đã rất rõ rồi sao?"
"Vả miệng hắn cho ta!"
Tôi thất kinh nghe thấy tiếng thét phía sau mình, quay lại thấy một người đàn ông đen như cột nhà cháy, cưỡi trên ngựa, đi chân trần mặc vải thổ cẩm đang quắc mắt nhìn tôi.. Hắn vừa dứt lời một đám gia binh đã vây chặt lấy, tôi nhìn quanh không ra được lối thoát.
"Ngươi có quyền gì đòi đánh ta?" - Tôi ngẩng mặt nhìn thẳng vào hắn.
Bà chị kéo tay tôi, tay tau vội mồ hôi trên trán, miệng lắp bắp nói chân vội quỳ rạp xuống:
"Quỳ xuống đi, là tù trưởng."
Tôi không hiểu tại sao chị ta lại lo sợ như vậy. Tù trưởng? Từ bao giờ Đại Cồ Việt này lại dễ dàng cho phép một tù trưởng được đánh người vậy? Hắn ta thuộc thứ bậc phẩm trật nào?
Tôi quay sang, giằng tay thật mạnh ra khỏi đám lính:
"Ta phạm tội gì mà ngươi đòi vả miệng ta?"
Thấy có động một đám người ở chợ xúm đen xúm đỏ lại xem. Tên tù trưởng kia ngồi trên lưng ngựa, dương dương tự đắc nhìn xuống. Đôi mắt hình lá dăm sâu hoắm, cụt ngủn không có lông mi của hắn lại càng khiến cho bộ dạng cục mịch trở nên đáng sợ vài phần. Hắn nhìn tôi, môi nhếch lên, xương hàm bạnh ra, gằn từng tiếng:
"Vả-miệng-hắn!"
Tôi không kịp định thần đã bị đám gia binh kia xúm lại rồi đẩy ngã lăn ra chợ, năm bảy tên nhảy bổ đến, thụi liên tiếp vào bụng, vào hông, vào mặt tôi. Lẽ dĩ nhiên một kẻ trói gà không chặt như tôi chỉ có thể nằm im chịu trận, cố gắng đưa tay lên ôm đầu lại. Mọi người ở chợ xúm đen xúm đỏ lại xem, bình phẩm nhưng tuyệt nhiên không một ai dám xen vào. Hoặc giả, họ đã chứng kiến những cảnh tương tự quá nhiều lần đến nỗi chẳng còn thấy bất bình nữa. Tôi vẫn không hiểu tại sao và bằng cách nào mình lại rơi vào hoàn cảnh như vậy. Mãi cho đến khi khắp người không chỗ nào không thương tích, đau đớn bầm dập tên tù trưởng mới bảo đám gia binh ngưng lại, một trong số đó tiến tới, giật mạnh tóc tôi ngửa đầu ra đằng sau:
"Bây giờ đã biết mình sai ở đâu chưa?"
Tôi nhổ một bãi nước bọt xuống đất, hống hách:
"Mẹ kiếp, ngươi không nói sao ông đây biết được?"
Tên tù trưởng nhảy xuống khỏi ngựa, chầm chậm tiến tới đối diện với tôi. Hắn vênh váo chống hông, toàn thân toả ra mùi mồ hôi dầu đến tởm lợm. Sợ gì chứ, đã bị đánh đến mức này thì thêm một người hay bớt một người cũng chẳng có nghãi lí gì. Tôi nhìn hắn chòng chọc, tên tù trưởng giơ bàn tay to như bàn tay gấu, cục mịch giáng xuống một đòn thật mạnh. Cả mặt tôi như vừa bị dí vào chảo nung, đau đến bỏng rát, khắp nơi trong khoang miệng nồng lên mùi máu tanh.
"Câu trả lời của ngươi đây à?" - Tôi cười, nhai nhai chỉnh lại khớp hàm.
Hắn đen sầm mặt, hô đám lính:
"Mang rọ tới đây, giải tên phản tặc này về cho ta!"
Cứ như thế tôi bị khiêng lên, ném nhốt vào một cái giọ tre như một con thú vừa bị hạ gục.
Khốn nạn thật! Tôi có bất tuân Long Đĩnh nhiều lần nhưng đời nào tôi lại là phản tặc chứ?
______
Chú thích:
(1) Huyện lệnh: Quan coi một huyện.
(2) can qua: (Từ cũ, Văn chương) mộc và giáo; chỉ chiến tranh, về mặt giết chóc, loạn lạc
(3) trừ trùng: ở đây được hiểu là trừ giun đũa, giun kim.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!
أدب تاريخي[ĐÃ XUẤT BẢN] 🌟 Thể loại: Cảm hứng lịch sử Việt Nam, Hài hước, Yếu tố Y học... 🌟 Giới thiệu truyện: Trăm tính vạn tính nàng cũng không tính được vì say rượu mà xuyên không, rơi vào Đại Cồ Việt 1000 năm về trước. Trong cái rủi có cái xui, giữa thời...