Hành y cứu người là nghề cao quý, dẫu vậy không thể không nói đến việc nguy nan vất vả. Thời hiện đại cũng thế mà trong quá khứ cũng vậy.
Là y sinh dưới trướng Trần Uy, ngoài việc chuyên tâm rèn giũa y thuật chúng tôi cũng thường phải theo thầy đi khắp nơi hoặc hái thuốc, hoặc đoán định những bệnh lạ, học hỏi những điều hay, chiêm nghiệm những phương thuốc mới. Nguồn thuốc ở Thái Y Ty thường được trồng trên khắp các dãy núi kéo dài từ đỉnh Minh Long đến hết dãy Hà Bộc, tuy vậy nhiều loại thuốc đặc biệt chỉ mọc ở từng vùng có thổ nhưỡng thích hợp hay nơi rừng sâu biển xa, chúng tôi buộc phải mua từ nguồn uy tín chuyên cung cấp cho hoàng cung hoặc tự đi hái về. Mỗi lần như vậy ít thì dăm mười ngày, nhiều thì có khi đôi ba tháng không về.
Chuyến đi vừa rồi kéo dài gần hai tháng, thu về thành quả tương đối khả quan với các loại dược liệu mới hữu ích trong việc cầm máu, sinh cơ hay trị thương nơi tiền tuyến. Nếu trong cảnh an nhàn mà bỏ bê không màng tới thì đến lúc chiến sự căng thẳng khó lòng ứng phó cho thoả được.
Tôi cầm nhánh cây rừng lá xanh hoa tím giơ lên soi trước nắng mặt trời, cẩn thận xem xét từng chút một thì chợt nghe tiếng người râm ran ngoài cổng. Vừa ngước lên đã thấy Sạ lon ton chạy lại từ gốc cây núc nác. Biết Khai Phong Vương đột nhiên đến tận bệnh xá của Giáo thụ tìm mình sau mấy tháng trời không gặp, tôi không nhịn được mà nhanh nhảu cúi đầu lễ phép chào thật to:
"Điện hạ!"
Sạ cười tươi như hoa, chạy lại sà thẳng vào lòng, ôm vai bá cổ bắt tôi bế lên.
"Chị đi lâu về thế?"
"Điện hạ thứ tội, lần này công việc bộn bề quá."
Sạ trề môi, hai tay giữ chặt lay lay vai tôi:
"Chị đi từ thành tiết phụ hoàng đến giờ đã sát Tết rồi. Không có chị ta buồn lắm đấy."
Hoá ra bình thường việc tôi giỏi nhất là mua vui cho vị hoàng tử nhỏ này. thôi cũng được. Tôi vỗ vỗ nhẹ vào lưng Sạ, hỏi thêm:
"Chắc không phải điện hạ xuất cung chỉ để đến đây gặp Đam chứ?"
Sạ lắc lắc cái đầu bé xinh:
"Đời nào dễ dàng thế! Sáng nay ta gặp Lý An Tường trong cung thì biết ngay chị đã về. Nhân lúc đi học cưỡi ngựa thì tới đây luôn."
Tôi thả Sạ xuống đất, vuốt lại quần sáo thằng bé cho phẳng phiu rồi bảo:
"Vậy là sắp tới giờ điện hạ tới thao trường cưỡi ngựa rồi. Lần sau người có thời gian thì cùng Đam chuyện trò nhé!"
"Lần này cũng được!." - Sạ đắc chí - "Chị chưa biết cưỡi ngựa thì cùng ta đi học luôn đi!"
Tôi còn chưa kịp trả lời thì đã có gia đinh nhà ai vừa chạy vào bệnh xá vừa hô hoán rất to.
"Cậu Đam! Cậu Đam đây rồi! Ông nhà tôi tìm cậu mãi."
Đợi đến khi gia đinh đó lại gần tôi mới nhận ra là người nhà Trần Chất.
"Trần Chất bị làm sao?"
"Không phải..." - Người kia vừa nói vừa thở không ra hơi, xem chừng gấp gáp lắm.
Tôi nhanh tay rót một cốc nước trên bàn đưa cho anh ta:
"Uống hết đi, từ từ nói."
"Không kịp nữa, bà nhà sắp không xong rồi."
Lần gặp gần nhất là hôm đi uống rượu ở Thiều Quang lâu, khi ấy bụng của vợ Trần Chất đã khá to. Chớp mắt đã hai tháng trôi qua, hẳn khi sinh nở đã có bề không thuận. Tôi trở vào trong lấy hộp thuốc rồi tất tả chạy ra, nói đoạn bảo Sạ:
"Hôm nay phải cáo lỗi với điện hạ. Cứu người như cứu hoả."
Sạ là đứa bé hiểu chuyện, phẩy tay:
"Chị đi đi, giờ ta vào trong thay chị báo với Thừa Trần Uy một tiếng."
Tôi gật đầu thay lời cảm tạ Khai Phong Vương rồi cùng gia đinh rời đi.
Lẽ thường tình các bệnh liên quan đến sinh nở hay hậu sản ở thời phong kiến đa phần đều mời bà đỡ. Nếu phải mời đến thầy lang hẳn là đã nghiêm trọng lắm. Kiến thức về sản khoa của tôi còn nhiều thiếu sót song cứu một mạng người còn hơn xây bảy toà tháp, hơn nữa tôi và Trần Chất còn là bạn bè vào sinh ra tử nơi chiến trường, chẳng thể từ chối.
***
Gia đinh đưa tôi đến cổng, Trần Chất đã đứng trực sẵn. Vừa thấy tôi đến khuôn mặt xám xịt của Chất trong một giây như ánh lên tia hi vọng. Chất bổ nhào đến, hai mắt ngân ngấn nước:
"Anh Đam, anh nhất định phải cứu vợ tôi."
Tôi gật gật đầu.
"Tôi sẽ cố gắng hết sức. Mà sao lại đi cửa sau thế này?"
Chất không trả lời mà chỉ dẫn tôi đi một mạch vào. Thường thì đến khám nhà ai cũng đi cửa chính nên lần này mới khiến tôi tò mò.
Còn chưa tới nơi đã nghe ồn ã trong sân. Giữa sân có một bàn tế lớn cắm đủ thứ bát hương, mấy tràng vàng mã trắng vàng treo lủng lẳng. Bấy nhiêu còn chưa đủ, thêm một người chẳng rõ là thầy pháp hay phù thuỷ vừa cầm kiếm chém linh tinh vừa niệm chú rất to. Tôi thấy đầu mình ong ong, trỏ vào đấy mà hỏi:
"Hôm nay nhà có lễ tế gì đây?"
"Đét" một tiếng, có người vừa đánh thật mạnh vào bàn tay tôi.
"Không được chỉ trỏ vào bàn thờ."
Tôi quay lại thì thấy một phụ nữ khoảng tứ tuần, luận theo cách ăn mặc thì hoàn toàn có thể đoán được là nữ chủ nhân của căn nhà. Chất quay sang nhỏ nhẹ:
"Mẹ đừng làm thế, đây là y sinh con mời về."
Bà ta bĩu môi:
"Y sinh cũng không được! Mấy đứa học trò thì biết cái gì mà cứu với chữa?"
Trần Chất hít vào một hơi như thể đang kiềm chế lắm, nói thêm:
"Anh Đam đây là học trò nổi tiếng khắp kinh thành của Thừa Trần Uy, là người từng mấy lần cứu chúa thượng."
Nghe nhắc đến chúa thượng thì mẹ Trần Chất có vẻ xuôi xuôi nhưng cũng chẳng buồn tỏ thái độ tôn trọng.
"Nổi tiếng thì có ích gì chứ? Mấy thứ cỏ rừng mà đòi chữa bệnh! Đã nói bao lần, phụ nữ sinh đẻ mà còn bị hậu sản đều là do những thứ không sạch sẽ quấy nhiễu. Muốn trừ bệnh thì trước hết phải trừ tà."
Nghe đến đây mặt tôi nóng bừng bừng, đại khái đoán được tình hình. Chất vốn dĩ không phải quen biết tôi ngày một ngày hai nên liền viện cớ nói mấy câu vô thưởng vô phạt với mẹ rồi kéo tôi đi.
"Anh thông cảm, tôi cũng là bất đắc dĩ thôi."
Trong lúc này có nói gì cũng thành thừa thãi còn mất thời gian, tôi thở dài rồi vén rèm cửa đi vào.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!
Tiểu thuyết Lịch sử[ĐÃ XUẤT BẢN] 🌟 Thể loại: Cảm hứng lịch sử Việt Nam, Hài hước, Yếu tố Y học... 🌟 Giới thiệu truyện: Trăm tính vạn tính nàng cũng không tính được vì say rượu mà xuyên không, rơi vào Đại Cồ Việt 1000 năm về trước. Trong cái rủi có cái xui, giữa thời...