Chương 125: Kỳ duyên hạnh ngộ (1)

1.3K 54 0
                                    


Năm 1005, chiến tranh Tống - Liêu kết thúc bằng hoà ước Thiền Uyên. Nhà Tống tuy thắng trận, biên giới hai nước được giữ nguyên như trước song hàng năm phải cống cho Liêu 10 vạn lạng bạc, 20 vạn xúc lụa; thế nước giảm nghiêm trọng.

Sau hoà ước này bờ cõi Tống định yên trong hơn 100 năm nhưng cũng vì thế mà sức chiến đấu của quân Tống mai một đáng kể. Chưa nói đến việc trước nay nhà Tống trọng văn khinh võ, những kẻ như Thiệu Việp về căn bản không hề có thực quyền gì.

Chuyến này sang Đại Cồ Việt làm sứ thần, trước là phụng chỉ vua, sau Thiệu Việp vẫn chưa thôi nung nấu ý đồ phát động chiến tranh giữa hai nước. Chỉ có trong chiến tranh võ thần mới được muôn phần trọng dụng. Mở rộng bờ cõi Đại Tống, nâng cao thanh thế của bản thân chẳng phải là điều ai cũng mong muốn sao?

Nam Bình Vương hoăng(1), Đại Cồ Việt coi như mất đi một chiến tướng đại tài. Trong nước nội chiến liên miên nhiều tháng ròng, tổn thất nghiêm trọng. Nếu không phải lúc này xin đánh thì còn thời cơ nào thích hợp hơn nữa? Dã tâm của Thiệu Việp lớn đến độ khó lòng che giấu được nhưng kỳ lạ ở chỗ Long Đĩnh không có vẻ gì là thù địch, ngoại trừ việc không quỳ lúc đón tiếp, tất cả những việc khác đều dùng lễ rất hậu mà đãi.

Các hoạt động quân sự, chính trị của Hoa Lư vẫn diễn ra như bình thường, duy chỉ có điều thường ngày tôi thấy lính canh có vẻ nhiều hơn một chút. Long Đĩnh vẫn tiếp tục chính sách "Ngụ binh ư nông" như cha mình, đại để là lúc hoà bình thì cho quân lính về cày cấy tăng gia sản xuất, có chiến tranh thì lại triệu đến. Mấy tháng gần đây vòng trong vòng ngoài Hoa Lư quân lính xuất hiện dày đặc, không biết thực sự có nơi nào sắp binh biến hay chỉ để thể hiện sức mạnh quân sự thôi? Đương nhiên mấy việc này nằm ngoài bổn phận và cả tầm hiểu biết của tôi, tôi chỉ biết rằng vạc dầu không đỏ lửa, mấy chuồng nuôi thú dữ cũng im ắng là đã yên lòng lắm rồi. Hồi mới đến Hoa Lư thứ tôi sợ nhất chính là mỗi đêm phải đi khám bệnh ngang qua nơi đấy. La Đạc kể thời Đinh Tiên Hoàng hễ ai trái phép sẽ bị chịu tội bỏ vạc dầu, hoặc cho hổ ăn(2). Sang thời Đại Hành hoàng đế thì mang cả cọp, rắn đến sứ quán để hù doạ sứ giả nhà Tống(3). Không biết hành động này có được coi là tích cực hay không, Long Đĩnh chưa tiếp thiệu Việp bằng mấy "ngón nghề gia truyền" này.

Thiệu Việp cùng bầy tôi ở lại Hoa Lư đã gần hai tháng, xem chừng cũng sắp sửa rời đi. Hôm nay trong cung đặc biệt thiết yến, ngoài sứ giả còn có đầy đủ các vương, chưa kể hơn chục văn võ bá quan từ tam phẩm trở lên tề tựu. Chà chà, xem ai kia, chẳng phải là Ngự Bắc Vương Lê Long Cân của trại Phù Lan sao? Anh em đánh nhau sứt đầu mẻ trán nay lại tình thương mến thương đến dự tiệc cơ à? Tôi quét mắt một lượt, hàng thân vương đúng là chỉ còn vài người sống sót. Bữa tiệc kỳ dị như này quả không đến lượt phường thái y tôm tép như tôi, đến cung nga hầu hạ còn chọn năm lần bảy lượt, tôi chỉ cần đóng giả nội quan là có thể đứng một bên xem trò vui. Ai bảo tôi lại có "gậy chống lưng" là hoàng tử độc nhất của Đại Cồ Việt làm gì chứ? Tôi nhìn Sạ đang ngồi phía trước, không khỏi tự hào mà ngẩng đầu cao hơn.

Yến được thiết ở khoảng sân rộng trước điện Bồng Lai. Dẫn vào điện là con đường rải sỏi trắng muốt, hai bên lối đi rợp tán dạ hợp hương. Trời về đêm nhìn chẳng rõ hoa, ngước lên chỉ thấy mùi thơm thoang thoảng, những đốm trắng nhạt mờ mờ như từ cõi mộng. Lúc lúc lại có vài tốp cung nga tha thướt, tay ôm khay đồng tiến vào dâng thiện.

Điện Bồng Lai được trang hoàng rực rỡ, đèn trụ như đài sen được sắp ngay, trồng một dãy dài từ giữa sân ra đến gần hồ. Sen đương lúc giữa hạ, cả đầm nở rộ, cánh hoa lấp lánh dưới ánh sáng như được dát vàng bọc bạc. Giữa hồ có một thuyền nhỏ, lúc Long Đĩnh vừa phẩy tay ra hiệu thì thuyền rẽ lá sen mà tiến lại gần, người trên thuyền bắt đầu diễn tấu. Ban đầu là một người thổi kèn, một người chơi đàn song huyền, kế đến từ hai bên vang lên tiếng xập xoã, tiếng tháp nứa; một nhóm bảy người ôm trống cơm lần lượt tiến vào(4).

"Điện hạ, hay quá!" - Tôi đứng sau Sạ không nhịn được mà cảm thán, chỉ thiếu điều nhảy cẫng lên khỏi mặt đất.

Thấy sự phấn khích của tôi Sạ ôn tồn giảng giải như ông cụ non:

"Kia là trống cơm - nhạc khí của Chiêm Thành. Sau khi nghiền cơm, bịt hai đầu, vỗ mặt trống sẽ tạo ra thanh âm trong mà rõ ràng."

Tôi tròn mắt quay lại nhìn Sạ không tin nổi, quả thực kỳ dị biết bao. Vốn tưởng tên "trống cơm" gọi vậy cho vui, cũng như "mì tôm" nhưng không có "tôm". Không ngờ cái trống này lại hàng thật giá thật, thực sự có "cơm" ở trong đó! Sạ cười mỉm, đoạn hất hàm chỉ về phía giữa sân:

"Chị xem kìa!"

Tôi nhìn ra thì thấy một tốp vũ nữ dáng vẻ thiền quyên(5), mặc xiêm y tơ mỏng màu hồng đào, phủ lớp lớp châu ngọc, tóc ai nấy vấn gọn, tay cầm đèn búp sen thắp ba ngọn nến bên trong.

"Đây là..."

"Múa đèn(6)." - Sạ đáp, tỏ rõ nét thảnh thơi tận hưởng. "Điệu múa này từ Ái Châu mang đến."

Tôi không nhịn được mà dán mắt vào dáng hình mỏng manh như sương mai, những ngón tay trắng nõn, những cử động uyển chuyển. Ánh nến lung linh phản chiếu lên châu ngọc, hắt sáng những cánh sen ven hồ, xuyên cả qua lớp lớp y phục màu hồng đào. Tôi vô thức nuốt nước bọt tận mấy lần, Sạ đủng đỉnh rút trong tay áo ra chiếc khăn lụa dúi cho tôi:

"Chú ý lễ tiết."

"Hừm..." - Tôi hắng giọng ho khan, ngẩng lên thì có cảm giác ai đó đang nhìn mình.

[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ