Tôi kinh hãi giữ chặt hai vai Sạ, run run:
"Điện hạ! Dù có ngứa đến mấy người cũng không được gãi bằng không chất độc sẽ lan nhanh hơn."
Sạ gật đầu, nghiến chặt răng.
Tôi giật lấy bình nước từ phía binh lính khéo léo rửa sạch, vừa rửa vừa quan sát cây han. Han có tất cả ba loại: han voi, han tía và han trắng. Cây han voi là loại kịch độc, lá cây to hơn những cây còn lại. May mắn thay chỉ là một cây han trắng, tôi trộm thở phào rồi quay ra hỏi:
"Điện hạ đã đụng vào cây kia phải không?"
Sạ mím môi gật đầu:
"Một chút."
"Toàn bộ lá cây ư?"
"Ta đi ngang qua, chắc chỉ chạm vào mặt trên của lá."
Coi như trong cái rủi có cái may. Phần lớn các chất gây ngứa của cây han tập trung phần mặt dưới của lá. Mặt trên cũng gây hiện tượng tương tự nhưng nhẹ hơn rất nhiều. Tôi dặn hai binh lính trông chừng Sạ cẩn thận, tuyệt đối không cho gãi rồi chạy đi, một chốc sau cắt mang về một thân cây ráy.
Hai cung nga lúc này đã ngồi bên cạnh Sạ từ khi nào, còn khóc to đến độ tôi cách xa một quãng vẫn nghe rõ. Tôi biết họ thương Sạ thì ít mà sợ bản thân phải chịu tội thì nhiều. Nhác trông thấy tôi cầm lá ráy đi lại, một trong hai bàng hoàng hỏi:
"Thái y... Người định làm gì vậy? Chẳng phải điện hạ đang rất ngứa hay sao?"
Tôi không trả lời, lấy con dao giắt ngang hông lên vát thân ráy ra làm đôi.
"Điện hạ đã ngứa lắm rồi, ráy chẳng phải càng khiến người khổ sở hơn sao?" - Cung nga đứng lên phía trước định ngăn tôi lại.
Tôi ngước nhìn, nghiêm mặt hỏi:
"Ta là thái y hay ngươi là thái y?"
Cung nga cúi đầu, đứng dạt sang một bên. Tôi ngồi bệt xuống đất, thỏ thẻ với Sạ:
"Điện hạ chịu đựng tốt lắm, chỉ cần một chút nữa thôi..."
Sạ ngồi im re. Lần đầu tiên tôi thấy có đứa trẻ vừa hiểu chuyện vừa can trường đến vậy. Độc cây han vốn dĩ còn khiến người lớn sống dở chết dở, Lê Cao Sạ mặt đỏ tía tai, nghiến răng chịu đựng mà không than vãn cũng không rơi một giọt nước mắt nào.
Tôi nhẹ nhàng cầm tay Sạ lên, thoa phần thân ráy lên vết thương. Là lỗi của tôi, tất cả là lỗi của tôi. Tôi nghĩ gì mà để một đứa trẻ ở lại với bốn người không có chút kiến thức cỏ cây nào giữa nơi rừng thiêng nước độc này? Tôi sống tệ như vậy chẳng cần đợi đến lúc Long Đĩnh trách phạt, bản thân tôi cũng không thể dung tha cho chính mình nữa rồi.
"Đừng khóc." - Sạ đưa tay còn lại quệt ngang giọt nước mắt nóng hổi trên má tôi.
Tôi... khóc ư?
Làm gì có chuyện...
Một ngọn gió thổi qua, giọt nước mắt nóng hổi bỗng trở nên lạnh buốt trên gò má. Tôi thảng thốt:
"Đam không khóc. Chắc là bụi thôi. Cây ráy có thể giải ngứa lá han, chỉ còn đỏ một chút. Điện hạ thấy đỡ hơn không?"
Sạ gật đầu, hai mắt đỏ hoe.
Tôi đưa gùi thuốc cho binh lính, vòng tay qua ôm chặt Sạ vào lòng rồi bế lên.
"Là do Đam tắc trách mới khiến điện hạ chịu đau. Để Đam cõng người về."
***
Bình minh trên đỉnh núi bao giờ cũng sớm hơn thường lệ. Ánh nắng đầu tiên của ngày xuyên qua lớp gianh nhà dột nát, không ngần ngại mà chiếu thẳng vào khuôn mặt ngái ngủ của tôi. Tôi uể oải vươn vai, he hé nhìn. Bằng mắt thường cũng có thể thấy hơi sương lạnh tựa một lớp khói bàng bạc cuộn chặt lấy tôi. Trời đất ơi, sương sớm gì còn dày hơn cái chăn tôi đang đắp nữa.
Tôi ho khù khụ, ngay lập tức cảm nhận được cổ họng của mình đau rát và toàn thân ê ẩm. Người xấu trong phim bao giờ cũng sống đến tập cuối trong khi tôi vừa vô ý làm một đứa trẻ bị thương, ngay hôm sau đã bị quả báo đến sống dở chết dở thể này.
Cửa lều đột nhiên bị mở ra, Sạ cứ thế xồng xộc bước vào. Tôi thất kinh đưa hai tay lên che ngực, lắp bắp:
"Điện hạ... Điện hạ chưa về cung ạ?"
Sạ chạy đến hất chăn, kéo tay tôi:
"Ta vẫn chưa đào được nhân sâm nghìn năm."
Giữa mùa đông lạnh mà trán tôi đổ mồ hôi ròng ròng. Nghiệp quả lớn nhất của tôi là Sạ. Tưởng rằng sau vụ bê bối hôm qua là đã đủ rồi không ngờ Sạ vẫn còn quay lại đây. Tôi hết cách bảo thằng bé đi ra bên ngoài đợi, chuẩn bị qua loa một chút rồi dẫn Sạ sang chào Trần Uy. Khai Phong Vương có vẻ là đứa trẻ được nuôi dạy tốt, tuy hiếu động nhưng nhân lễ nghĩa có đủ. Thấy tôi lạy chào Trần Uy, Trần Uy thi lễ với Sạ thì thằng bé cũng từ tốn gật đầu một cái đáp lễ.
"Số thuốc hôm qua trò hái đã đủ rồi, hôm nay dẫn điện hạ đi đào nhân sâm đi."
Nghe câu nói của Giáo thụ hai mắt tôi sáng rỡ, hí hửng:
"Trên đỉnh Minh Long này thực sự có nhân sâm ạ?"
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!
Tiểu thuyết Lịch sử[ĐÃ XUẤT BẢN] 🌟 Thể loại: Cảm hứng lịch sử Việt Nam, Hài hước, Yếu tố Y học... 🌟 Giới thiệu truyện: Trăm tính vạn tính nàng cũng không tính được vì say rượu mà xuyên không, rơi vào Đại Cồ Việt 1000 năm về trước. Trong cái rủi có cái xui, giữa thời...