Lịch Vũ đỡ tôi ngồi dậy, dìu tôi ra trước sân ngồi trên cái ghế tựa dưới gốc cây bưởi. Đã quá trưa, những chiếc lá vươn mình tắm trong màu nắng vàng ươm như mật ngọt. Hoa bưởi đầu mùa trắng muốt, bé xinh, e ấp trốn sau màu xanh rì của lá. Chẳng đơn thuần là xanh hay trắng, khắp khu vườn hân hoan trong tất cả những gam màu tươi vui, lấp lánh dưới nắng vàng. Đã mấy ngày rồi tôi mới được tận hưởng cảm giác thư thả đến vậy, ngồi dưới tán cây thong thả ngước lên nhìn những tia nắng lọt qua kẽ lá, say sưa đắm chìm trong hương hoa bưởi thoang thoảng dịu dàng.
Bạch Vỹ sau khi nói vắn tắt cách cạo "đạt chuẩn" cho Lịch Vũ nghe thì rời đi, tôi ngồi nín thít chờ đợi không dám hó hé nửa lời. Y phủ lên người tôi một mảnh vải trùm kín thân phía trước, so ra với ở salon tóc thời hiện đại thì cũng chuyên nghiệp không kém là bao. Lịch Vũ chia tóc tôi làm hai nửa, nhẹ nhàng tránh không chạm vào vết thương. Lưỡi dao lạnh ngắt vừa đưa lại gần tôi đã sợ đến mồm năm miệng mười liến thoắng:
"Chỉ huy sứ, xin người có cạo thì cạo đừng ngắn quá, Đam còn phải nhìn mặt người đời, trăm vạn lần không thể hói đầu được!"
Lịch Vũ bật cười:
"Ta tưởng nàng bị thương? Mồm miệng vẫn còn đang nhanh nhẹn lắm nhỉ?"
Tôi không biết nên khóc hay nên cười, nói lời cuối với Lịch Vũ:
"Đam sợ đau lắm, xin người đừng để Đam chảy máu."
Lịch Vũ im lặng, lạnh lùng đưa dao xuống cạo một đường trên đầu tôi. Tôi khóc trong lòng nhiều chút, không dám nói ra liền tảng lờ sang chuyện khác, cố tình đánh lừa chính mình:
"Người nói xem, con vật đáng sợ ở bờ sông hôm nọ là gì vậy ạ?"
"Là giao long." - Lịch Vũ tay vẫn cạo tóc, bình thản trả lời tôi.
Tôi tròn mắt:
"Giao long là con thuồng luồng ý ạ?"
Một câu hỏi vô cùng thừa thãi nhưng Lịch Vũ vẫn rất kiên nhẫn:
"Giao long khi mới sinh ra thì chỉ là những con rắn nhỏ, không có chân. Đến khi chúng lớn hơn một chút thì mọc hai chân trước, lúc này gọi là thuồng luồng. Mọc đủ bốn chân và có thể sinh nở được, lúc đấy gọi là giao long."
Tôi sợ đến mức tay chân lạnh ngắt, vô thức nuốt nước bọt. Từ từ đã, tôi tưởng thuồng luồng cũng như rồng, tất cả đều là hư cấu chứ? Hoặc cũng có vài ý kiến cho rằng giao long trong truyền thuyết hay sử sách là cá sấu, lẽ nào nó thực sự tồn tại, còn thiếu chút nữa đã xơi trọn tôi?
"Đam tưởng giao long là con cá sấu chứ ạ?" - Tôi hỏi lại.
"Cá sấu là con gì?"
Tôi dùng tay miêu tả cho Lịch Vũ:
"Con sống ở sông hồ, miệng nó dài như thế này này, răng nó vô cùng nhọn, người nó sần sùi như có gai, còn có bốn chân, có đuôi, vả lại còn rất hung dữ đó ạ."
Lịch Vũ hơi ngưng động tác như để suy nghĩ rồi tiếp tục:
"Nàng đang nói đến ngạc ngư(1)?"
Tôi không chắc nhưng có thể ở thời kỳ này cá sấu chưa có tên là cá sấu? Nhưng nghe trong tên có chữ "ngư" thì có thể lắm.
"Ngạc ngư và giao long là hai giống khác nhau. Nàng thoát khỏi giao long coi như đại nạn không chết rồi."
Tôi ngồi im trên ghế, hai tay đan chặt vào nhau không nói nửa lời. Nếu ngày hôm đó không có những mũi tên bắn trúng vào đầu, vào mắt giao long kia rồi Lịch Vũ xả thân xuống cứu thì dễ thường giờ này tôi đến một mẩu xương cũng không còn. Thấy tôi im lặng bần thần, Lịch Vũ đi vòng lại phía trước, căn chỉnh cho tôi ngồi cân lại rồi gợi chuyện:
"Sao bỗng dưng nàng im lặng thế? Lại muốn học làm thơ đối à?"
Tôi nghĩ đến cảnh tượng xấu hổ hổi ở Hoa Lư liền xua lấy xua để hai tay:
"Không! Không phải ạ."
Lịch Vũ cười thành tiếng, nhìn nét mặt vui vẻ ngàn năm có một của y tôi lại vô cùng tò mò, không nhịn được mà hỏi lại:
"Người có gì mà vui vẻ thế?"
"Nàng muốn nghe không?"
Tôi gật đầu.
"Muốn nghe thơ của ta hay "thơ" kiểu của nàng?"
Tôi hi hi ha ha:
"Đam học chữ rồi nhưng vẫn còn dốt nát lắm ạ."
Lịch Vũ tay vuốt lại mái tóc tôi cho vào nếp, cẩn thận gỡ tấm vải phủ trên người tôi ra, chầm chậm đọc:
"Thương nhau cắt tóc mà thề,
Khó nghèo cũng chịu, chớ hề bỏ nhau."(2)
"Khụ!" - Tôi ho thành tiếng, cảm giác nóng ran từ hai má lan dần ra đến tận tai. Nếu có cái gương soi lúc này thì dám chắc mặt tôi sẽ đỏ lựng như hồng chín.
Lịch Vũ có vẻ rất lấy làm vui vẻ với phản ứng của tôi. Y xem như không biết, đi cần tới cây bưởi rồi nhẹ nhàng vít một cành xuống, ngắt chùm hoa bưởi trắng muốt cùng mấy chiếc lá, nói đoạn ấn vào tay tôi:
"Không phải nàng thích gội đầu bằng lá bưởi sao? Cái này cũng thơm lắm."
Tôi trân trân nhìn người đàn ông trước mặt không nói nên lời.
Là do y có tâm ý hay là đang chê đầu tôi bết vậy?
______
Chú thích:
(1) ngạc ngư: cá sấu. Văn tế cá sấu của Hàn Thuyên có câu: "Ngạc ngư kia hỡi mày có hay".
(2) Ca dao Việt Nam.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!
Tarihi Kurgu[ĐÃ XUẤT BẢN] 🌟 Thể loại: Cảm hứng lịch sử Việt Nam, Hài hước, Yếu tố Y học... 🌟 Giới thiệu truyện: Trăm tính vạn tính nàng cũng không tính được vì say rượu mà xuyên không, rơi vào Đại Cồ Việt 1000 năm về trước. Trong cái rủi có cái xui, giữa thời...