Gặp sứ thần đoàn thuyền bên này hành lễ chào hỏi rồi quay đầu dẫn đường về Hoa Lư. Riêng tôi được binh lính chuyển sang thuyền bé hơn rồi lại từ thuyền đấy lần nữa sang thuyền lớn. Giáo thụ đặc biệt phân phó còn mất công đi lại mấy lượt như thế này có lẽ người bệnh kia thân thế không tầm thường. Điều duy nhất tôi băn khoăn là nhà Tống thật sự tin tưởng để Thái y Đại Cồ Việt chữa bệnh sao?
Tôi cúi thấp đầu đi theo đám binh lính mà không hỏi gì thêm. Thực ra tôi có hỏi rồi, chúng xì xồ tiếng Trung tôi nghe không hiểu, lại nhìn mặt ai nấy bặm trợn nên đành giả câm giả điếc răm rắp đi theo.
Chúng dẫn tôi đến một khoang thuyền cửa gỗ trạm trổ cầu kỳ, đóng kín mít im lìm. Tôi đứng trước cửa gõ ba tiếng, hồi lâu sau mới có người đáp lại bằng tiếng Trung. Vẫn cứ là hồi đại học nếu chăm chỉ học thêm một ngôn ngữ nữa thì có lẽ cuộc đời tôi bây giờ bớt bi thảm. Biết mình không thể cứ thế mà xồng xộc xông vào, tôi đứng trước cửa chắp tay dõng dạc:
"Thái y sứ Đại Cồ Việt xin yết kiến."
Bên kia im lặng rồi giọng đàn ông trầm trầm vang lên:
"Vào đi!"
Tôi sững sờ mất một lúc, nói tiếng Việt ngay từ đầu có phải đỡ làm khó nhau không? Nghe khẩu âm của người này không có vẻ là người ngoại quốc lắm?
Tôi đẩy cửa bước vào, một ông cụ chừng sáu mươi, bảy mươi tuổi đang đứng bên cạnh giường chờ. Tôi chắp tay lễ phép, ông ta ra hiệu tiến lại gần. Trên giường một thiếu niên cỡ mười lăm, mười sáu tuổi đang nằm thiu thiu ngủ, nét mặt thanh tú, dáng người mảnh khảnh. Phòng không thắp nến nhưng cũng có thể nhìn ra toàn thân cậu ta đều vàng sạm. Dù trời đã sang hè nhưng vẫn khư khư đắp một lớp chăn tương đối dày, tay chân lạnh toát. Tôi ấn vào bụng, thiếu niên kia dù đang ngủ cũng khẽ cau mày. Mạch trầm trì, lưỡi nhạt.
"Bệnh nhân ăn uống được không ạ?"
Ông cụ đứng bên cạnh giường không trả lời mà chỉ lắc đầu.
"Vậy việc đại tiện thì sao?"
"Đại tiện loãng, bụng thường xuyên đầy đau."
"Có bí đái không ạ?"
"Người không có."
Tôi gật đầu cảm ơn, cẩn thận đặt tay cậu thiếu niên kia lên ngực rồi kéo chăn lên cao thêm chút nữa, đoạn quay người đi về phía bàn:
"Là chứng hoàng đản(10), người này..."
"Hành Quân Vương." - Ông cụ kia sửa lại.
Tôi tiếp lời:
"Hoàng đản chủ yếu do thấp, thấp hoá thành nhiệt mà thành chứng dương hoàng. Hành Quân Vương là âm hoàng, bệnh tình không quá nghiêm trọng. Trước mắt tiểu chức dâng một phương thuốc, sau khi uống sẽ quan sát thêm, nếu cần sẽ kết hợp châm cứu."
Ông cụ kia gật đầu hài lòng, đến lúc này tôi mới bình tĩnh hơn một chút để suy nghĩ lại. Hành Quân Vương là vị nào sao tôi chưa từng nghe tới? Nhưng tước vương thì chắc chắn là anh em với Long Đĩnh rồi? Tôi hơi chột dạ, sao người này lại đi cùng quân Tống nhỉ?
_____
Chú thích:
(1) Trấn Như Hồng: Sách Thanh Nhất thống chí chép: trấn Như Hồng đều ở về phía tây Khâm Châu, thuộc phủ Liêm Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
(2) Phiên Ngung: nay là Quảng Tây, Trung Quốc.
(3) Mân Việt: nay là Phúc Kiến, Trung Quốc.
(4) Bính Ngọ, Ứng Thiên năm thứ 13, Tri châu Quảng Châu là Lăng Sách dâng thư xin vua Tống đánh Giao Chỉ.
(5) Nam Bình Vương: chỉ Lê Hoàn.
(6) Trường Châu: Theo sách Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử nhà Tống, đất Trường Châu cùng với Cửu Chân là một, thì Trường Châu phải ở gần đất Thanh Hóa bây giờ, nhưng chưa biết đích xác là chỗ nào" (Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục).
(7) Về lộ trình đón sứ thần thời vua Lê Đại Hành, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: "... theo cửa biển mà vào, nửa tháng đến sông Bạch Đằng, theo nước triều mà đi. Mùa thu, Tháng 9, đến trại Nại Ninh ở Thường Châu."
(8) chu sư: Lính đi thuyền, tức hải quân, thuỷ binh.
(9) Thái Bình quân: sau đổi là Liêm Châu tức Quảng Đông, Trung Quốc. "Quân" là đơn vị hành chính đầu thời Tống.
(10) Hoàng đản: bệnh vàng da.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!
Tiểu thuyết Lịch sử[ĐÃ XUẤT BẢN] 🌟 Thể loại: Cảm hứng lịch sử Việt Nam, Hài hước, Yếu tố Y học... 🌟 Giới thiệu truyện: Trăm tính vạn tính nàng cũng không tính được vì say rượu mà xuyên không, rơi vào Đại Cồ Việt 1000 năm về trước. Trong cái rủi có cái xui, giữa thời...