Sáng hôm sau Long Đĩnh gần như đã cắt được hẳn các cơn sốt cao, người chỉ còn hâm hấp nóng nhưng vẫn còn mê man chưa tỉnh. Lúc Giáo thụ vén bức rèm châu bước vào tôi đang ngồi bệt dưới đất, mắt mũi lờ đờ. Dù gì tôi cũng đã thức cả đêm canh giấc cho vị chúa thượng kia. Trần Uy chẩn mạch, hồi lâu sau ông mới rời đi, ra hiệu cho tôi ra phía gian ngoài.
Tôi chỉnh trang lại tóc tai quần áo, đứng bên nghe Giáo thụ hỏi han về tình hình sáng nay của Long Đĩnh. Việc xong Trần Uy bảo tôi ngồi xuống bên cạnh, nói đoạn hỏi:
"Trò có biết tại sao tối qua tình hình chúa thượng lại đột nhiên đổi khác, nghiêm trọng hơn không?"
Tôi thành thật lắc đầu. Trần Uy kéo tay trái tôi, đặt lên bàn:
"Bình thường trò xem mạch thế nào?"
"Dạ bẩm Giáo thụ, thanh niên trai tráng mạch đi có lực người già mạch đập yếu, phụ nữ thì mạch yếu hơn nam giới. Người cao lớn thì mạch dài hơn, người thấp mạch ngắn. Người gầy mạch hơi phù, người béo mạch hơi trầm.(1)"
"Còn gì nữa không?" - Trần Uy vuốt bộ râu dài trắng bạc, nhìn tôi chờ đợi.
Tôi chỉ biết mím môi lắc đầu. Quả thật kiến thức hạn hẹp của tôi không biết nhiều đến thế. Những điều học mót được từ thời hiện đại không đủ dùng ở nơi một mét vuông ba người ốm như thế này.
"Khi trò xem mạch hãy nhớ rằng, mạch không chỉ có quan hệ mật thiết với tuổi tác, giới tính, thể chất và tình trạng mà còn cả thời tiết, khí hậu. Mùa xuân mạch hơi huyền, mùa hạ mạch hơi hồng, mùa thu mạch hơi phù, mùa đông mạch hơi trầm. Lúc trò đến trại Phù Lan là cuối đông, nay trời đã ấm áp hơn, thêm vào thể trạng mỗi người lại khác nhau. Trò phải để ý những thay đổi nhỏ khi chẩn mạch để điều chỉnh phương thuốc từng người sao cho phù hợp."
Tôi đứng yên, chắp tay trước ngực lĩnh hội kiến thức vừa được chỉ dạy. Cũng may tôi có một người thầy thông tuệ như Trần Uy, chẳng những tinh thông y thuật mà còn là người dám nghĩ dám làm, bằng không tối qua Long Đĩnh chỉ e đã không qua khỏi.
***
Tôi lúi húi dưới bếp cả một buổi cuối cùng cũng nấu xong nồi cháo, còn cố tình nghiền thật nhỏ hạt gạo, ninh nhừ và hơi loãng để Long Đĩnh dù vừa ốm dậy cũng không bị khó nuốt. Chừng nào dâng cháo lên sẽ đập thêm vào một lòng đỏ trứng gà. Vitamin A đặc biệt tốt cho người mắc sởi, phòng biến chứng mù loà xảy ra. Dù vậy ở thời xa xôi này tôi chỉ tìm được nguồn sẵn có duy nhất là trứng gà, những thứ khác có lẽ mất đôi chút thời gian. Nhân lúc đi qua phía Tây phủ tôi còn hái thêm mấy quả quýt trong vườn, đã cuối vụ song vẫn sum suê vàng óng. Quýt này vắt lấy nước, dù không có vitamin A nhưng được cái ngon, cho Long Đĩnh uống tạm cũng được.
Lệnh ban xuống từ đêm qua, mọi tin tức đều bị phong toả. Đầu tiên là đám Thái y bị giam lỏng rồi kế đến là tất thảy người hầu kẻ hạ, đại để là không một ai được phép bước chân ra khỏi phủ Khai Minh Vương. Bên ngoài quân lính vẫn vây chặt bất kể ngày đêm, mà tôi đồ rằng chuyện Long Đĩnh đổ bệnh không được truyền ra tới đấy. Trong này hầu cận Long Đĩnh ngoài tôi và Trần Uy cũng chỉ có thêm Bạch Vỹ. Một là hạn chế tối đa việc để lộ tin tức ra ngoài, hai là không để lây lan bệnh dịch.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!
Ficción histórica[ĐÃ XUẤT BẢN] 🌟 Thể loại: Cảm hứng lịch sử Việt Nam, Hài hước, Yếu tố Y học... 🌟 Giới thiệu truyện: Trăm tính vạn tính nàng cũng không tính được vì say rượu mà xuyên không, rơi vào Đại Cồ Việt 1000 năm về trước. Trong cái rủi có cái xui, giữa thời...