Đại Cồ Việt vừa lập quốc chưa được bao lâu, các viện, chức quan chủ yếu được chiếu theo phương Bắc. Thái Y Viện thuộc Thái Thường Tự(3) đã là thể chế từ thời nhà Hán. Sang đến nhà Tống như hiện tại thì mới phân cấp thêm Thái Y Ty. Thái Y Ty giữ việc dạy dỗ đám y sinh, cũng coi như là nơi bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Nếu nói như vậy thì dù Trung Hoa là một quốc gia phong kiến có thể chế chặt chẽ, suốt hơn một ngàn năm Thái Y Viện cũng chỉ là một cơ quan trực thuộc. Đâu chừng sang tới thời nhà Nguyên ở bên đấy, và thời Hậu Lê ở nước ta thì Thái Y Viện mới tách ra làm một cơ quan độc lập.
Hiện tại đương lúc chiến sự, Lê Long Đĩnh lại đích thân cầm quân chinh chiến liên miên, về căn bản đám người Thái Y Viện nếu cứ ở Hoa Lư thì cũng chẳng có tác dụng gì. Chính vì lẽ đó số Thái y đi theo tới Phù Lan không ít, trong đó có cả các y sinh. Học trò của Thái y ty có hai loại: một là con nhà quyền quý, học ở đây coi như bước đệm để bước chân vào Thái y viện sau này; hai là học trò nghèo có năng lực, vừa muốn chữa bệnh cứu người lại mong đổi kiếp cơ hàn. Có một điều ai ai cũng rõ, y sinh tới chiến trường hung hiểm mà bán mạng chỉ có một loại duy nhất: học trò nghèo! Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt. Nếu còn không nhân lúc lửa binh mà lập công thì đợi thái bình thịnh trị chẳng biết đến bao giờ mới công thành danh toại.
Còn tôi, tôi thuộc loại thứ ba.
"Sếp" tôi lo tất!
Nhờ ơn mưa móc của vị Đô chỉ huy sứ kia mà tôi - một kẻ khố rách áo ôm nghiễm nhiên trở thành học trò Thái Y Ty. Chẳng những vậy Giáo thụ(4) của tôi là Trần Uy. Trần Uy ban đầu giữ chức Thừa đứng đầu Thái Y Ty, là người rèn giũa toàn bộ y sinh cho cả Thái Thường Tự. Trải hai đời vua, vốn đã lui về ở ẩn nay lại ra cứu người giúp đời. Trong doanh trại không ai không kính nể. Kẻ thân thiết thì gọi "Giáo thụ", người xa lạ gặp vẫn phải cúi đầu chào một tiếng "Thừa".
Lịch Vũ đã đánh tiếng từ trước, hôm sau y biên một lá thư sai tôi cầm sang chào Giáo thụ. Trần Uy là người hiền lành ít nói, cũng chỉ hỏi qua loa vài câu, dặn dò đôi việc rồi cho tôi về.
Nửa đêm canh hai tôi đang ngủ say vắt lưỡi thì nghe tiếng chân người rầm rập bên ngoài. Vốn còn định mặc kệ cứ thế ngủ tiếp, nghĩ thế nào lại nhớ tới đêm ở chuồng ngựa Phù Lan nên tôi hốt hoảng mở choàng mắt, chạy nhanh ra phía bên ngoài. Trên thao trường ngàn quân lính mặc áo giáp mây(5), đầu đội mũ đâu mâu, người cầm nỏ kẻ cầm câu liêm, mũi trường, đinh ba đứng chật hàng kín lối. Tôi hít sâu vào một hơi, nép sau góc lều mà trông lại.
Phía bên trên Long Đĩnh một thân giáp sắt, tay cầm thương, hông giắt thêm một cây kiếm. Ánh sáng từ đuốc hắt lại phản chiếu lên bộ giáp y mặc một màu bàng bạc, tựa như hào quang trùm lên tất thảy. Tôi dụi đôi mắt kèm nhèm của mình mấy bận, gắng tìm kiếm chủ nhân. Lịch Vũ đứng phía sau Long Đĩnh, mắt y chạm ánh mắt tôi, Lịch Vũ chỉ gật đầu nhẹ. Tôi hiểu ý, hoá ra tối nay họ sẽ công thành Phong Châu.
Mục tiêu đã xác định, Long Đĩnh vừa đến Phong Châu đã lập tức công thành, thậm chí không dành thời gian để nghỉ ngơi hay sắp xếp. Hành động gấp gáp như vậy chỉ e ngay từ đầu đã lên sách lược cùng với Lịch Vũ. Kẻ khác dù muốn trở tay e là cũng không kịp.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!
Fiksi Sejarah[ĐÃ XUẤT BẢN] 🌟 Thể loại: Cảm hứng lịch sử Việt Nam, Hài hước, Yếu tố Y học... 🌟 Giới thiệu truyện: Trăm tính vạn tính nàng cũng không tính được vì say rượu mà xuyên không, rơi vào Đại Cồ Việt 1000 năm về trước. Trong cái rủi có cái xui, giữa thời...