Chương 114: Gia huấn

1.3K 58 0
                                    


Giữa trưa, sông Trường(1) yên ắng đến lạ kỳ, thậm chí khó lòng mà nghe ra được một tiếng cá đớp mồi hay một tiếng ếch nhái lao xao. Nắng hạ gắt đến độ làm cho tất thảy mọi vật trong không gian đều bị phủ lên một lớp màu bàng bạc và nếu nhìn kỹ hơn, có khi người ta sẽ nhầm lẫn đấy là ảo ảnh, lúc tỏ khi mờ, khi tĩnh lúc động.

Tôi ngước nhìn người đàn ông đứng bên cạnh, nheo mắt vì bộ giáp sáng choang. Y tay nắm chặt thanh kiếm, xương hàm hơi bạnh ra, mồ hôi đổ ròng ròng, vết sẹo bên má trái cũng vì thế mà trông đặc biệt dữ tợn. Lịch Vũ rút kiếm, hô lớn một tiếng đầy nhuệ khí, ngay lập tức hai mươi ba chiến thuyền cơ động ùa ra từ khắp ngả sông Trường, nhanh chóng dàn quân.

Tôi đứng trên thuyền nhìn trước ngó sau, biết không ai để ý đến mình liền nép vào một góc cho đỡ nắng rồi cẩn thận quan sát. Trần Uy cử tôi đến chỗ luyện thuỷ quân này để phòng hờ trường hợp có binh lính nào bị thương thì dễ bề ứng cứu, thầy giao trọng trách tôi nào dám lơ là?

Phim ảnh đại khái thường chiếu những phân cảnh hai quân giao tranh vô cùng gay cấn, hoặc vị tướng đẹp trai nào đó cắm mạnh cờ trên tấm bản đồ da thuộc rồi hét lớn "Đánh!". Đếm đi đếm lại tôi cũng chưa từng thấy qua đạo diễn nào cho mấy cảnh tập trận, dàn trận pháp, trận đồ lên tivi. Hoặc là do những thứ này quá tốn kinh phí, hoặc phim tôi xem toàn ngôn tình sướt mướt.

Theo Lịch Vũ bấy lâu đại khái nhiều điều cũng được thông suốt, tôi biết chút ít rằng ở phép dùng binh căn cứ âm dương ngũ hành, còn xem cả bát quái phương hướng, chẳng những vậy chiến trường sông núi lại càng phải rành. Để cầm quân không chỉ biết chuyện binh đao, thiên-địa-lý hay thậm chí dịch học... cũng phải tỏ tường. Trận đồ thì đã nghe qua về "Trận thái cực hỗn nguyên", "Trận Hà Đồ" còn về trận pháp thì kẻ não cá vàng là tôi đây chỉ biết duy nhất "dương đông kích tây", thế còn là nhiều rồi đấy.

Tôi ngáp ngắn ngáp dài, ngoại trừ có binh lính vì diễn tập hăng quá mà trật khớp vai ra thì toàn là xây xước nhỏ. Đến gần cuối buổi tôi lỉnh khỏi thuyền, tìm một bãi lau ở mé sông nằm xuống nghỉ ngơi, mặc kệ tiếng dô hò, tiếng gậy gộc kiếm gỗ va vào nhau lộp cộp. Ấy vậy mà còn chưa thảnh thơi được giây nào thì đã nghe tiếng gọi:

"Thái y sứ! Thái y sứ Đam!"

Tôi dụi mắt, lồm cồm bò dậy, không biết binh lính nào lại xảy ra chuyện gì rồi?

Nhác trông thấy tôi một đám Thân quân chạy lại, hốt hoảng:

"Anh phải nhập cung ngay!"

Tôi ngẩn người, đang yên đang lành Thân quân tới tìm tôi làm gì không biết? Thấy tôi hết nhìn về phía Lịch Vũ đang diễn tập lại nhìn về hướng hoàng cung, tên đứng đầu đám Thân quân gấp gáp:

"Tôi sẽ báo lại với Đô chỉ huy sứ, Thái y phải nhanh lên kẻo Khai Phong Vương lớn chuyện mất."

Nghe thấy Sạ gặp việc chẳng lành, hai tay tôi bất giác run cầm cập. Tôi lảo đảo đứng dậy, nói với Thân quân:

"Bẩm lại với Đô chỉ huy sứ giúp tôi. Mau, mau đi thôi!"

Lòng như có lửa đốt, tôi vừa đi vừa chạy suốt từ sông Trường cho tới điện Long Lộc. Tới nơi đã xế chiều, Sạ đang nằm trên trường kỷ, nét mặt hơi xanh xao, y phục có một vết máu chảy dọc từ ngực đến gần giữa bụng. Tôi hốt hoảng tiến lại gần:

"Người làm sao vậy?"

Sạ như mới vừa chợp mắt, nghe tiếng người gọi liền he hé ra nhìn. Thấy tôi Sạ thở dài thành tiếng, vắt tay lên trán:

"Chảy máu cam thôi, chỉ là lâu rồi không gặp anh."

Cung nga đứng bên cạnh thút thít:

"Bẩm thái y người xem cho điện hạ, đã là lần thứ hai trong mười ngày nay rồi ạ."

Tôi ngồi xuống bên cạnh chẩn mạch, Sạ cũng không có ý kháng cự. Gần đây tôi ít khi ra vào cung, nếu có chuyện gì hoặc là Giáo thụ hoặc là ngự tiền Thái y sứ khác sẽ chữa trị. Tôi vẫn chuyên tâm học hành, nghiên cứu thuốc ở bệnh xá, thi thoảng theo đến các buổi tập trận, về căn bản thì không những không có thời gian mà cấp bậc của tôi cũng chưa đủ.

[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ