Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:
"Kỷ Dậu, /Cảnh Thuỵ/ năm thứ 2 /1009/, (Tống Đại Trung Tường Phù năm thứ 2). Mùa xuân, Minh Xưởng ở Tống về, xin được kinh Đại Tạng và dụ được người con gái nước Tống là Tiêu thị đem dâng. Vua thu nạp làm cung nhân."
Dạ bảo tôi rằng nghe đâu Tiêu Tích Linh cũng là dòng dõi thế gia(1) từ Thiên triều, những năm trở lại đây họ Tiêu suy yếu song điều đó cũng chẳng khiến cho ả ta bớt kiêu ngạo, hống hách. Kể từ ngày nhập cung, Tiêu thị mặc sức làm càn, Long Đĩnh cũng mắt nhắm mắt mở cho qua, chính vì lẽ đó nên trong cung trên dưới ai cũng kiêng dè tránh giáp mặt.
Song, Tiêu Tích Linh và kinh Đại Tạng không phải là "thứ" duy nhất Minh Xưởng mang từ nhà Tống về.
Bấy giờ pháo hoa hay pháo thăng thiên vừa được ra đời chưa lâu, là một trong những "thành tựu" lớn nhất của Đạo giáo đương thời. Chẳng những vậy, ngoài Tiêu Tích Linh, thêm cả một nhóm sáu, bảy đạo sĩ cùng theo về. Suốt từ khi lập quốc tới nay Đạo giáo cũng giữ vai trò không nhỏ trong hệ thống tôn giáo Đại Cồ Việt. Sự xuất hiện của những vị đạo sĩ này khiến trong ngoài cung xôn xao suốt mấy hôm. Nhiều người nô nức mong chờ được yết kiến những vị "chân nhân"(2) kia.
Từ sáng sớm tôi đã nghe khắp trong ngoài cung í ới, cung nga ai nấy vội vã chuẩn bị. Đợi Sạ kết thúc giờ học buổi sáng, tôi mè nheo đòi bằng được thằng bé đưa đi dạo một vòng nhìn ngắm xung quanh.
Theo thông lệ từ thời tiên đế, Nguyên Tiêu được tổ chức tại điện Càn Nguyên(3). Năm nay bá quan văn võ từ tứ phẩm trở lên được triệu vào thưởng lãm cùng với hai mươi người đứng đầu các đại gia tộc tại Đại Cồ Việt. Do đó việc bày trí chuẩn bị càng thêm phần kỳ công long trọng. Khắp đường trong lối ngoài, người hầu kẻ hạ tất tả treo đèn. Mấy chậu mẫu đơn cũng được chuyển từ điện khác sang bày trí ở điện Càn Nguyên. Tôi thong dong đi cạnh Sạ, ngắm vườn hoa lê vừa chớm nở. Sạ chỉ cho tôi xem đôi ba cặp chim vàng oanh đứng sát với nhau, đậu trên những cành lê xám trắng địa y, run rẩy trong màn mưa mùa xuân. Chúng tôi đi bộ thêm một chốc nữa thì đến lối rẽ vào điện Càn Nguyên. Trước mặt có một cái hồ lớn, phía bên kia hồ nhóm đạo sĩ đang lúi húi chuẩn bị pháo hoa. Tôi và Sạ toan đi sang quan sát thì một nhóm bốn, năm vị sư đi tới. Người đi trước là một vị sư già phúc hậu, ngay phía sau ông là Vạn Hạnh và mấy người nữa. Tất cả họ đều giữ khoảng cách, chỉ đứng phía xa trông lại, hồi lâu sau mới rời đi. Tôi cúi thấp, hỏi Sạ:
"Bẩm Điện hạ, vị kia là ai ạ?"
"Người già nhất đấy ư?" - Sạ hỏi.
Tôi gật đầu.
"Khuông Việt Đại Sư." - Sạ đáp gọn.
Hoá ra vị đó chính là Khuông Việt. Tôi nghe danh người đã lâu nay mới có dịp diện kiến. Từ lúc vua Đinh lập quốc, Khuông Việt Đại Sư là vị tăng thống đầu tiên. Chẳng những là người lãnh đạo tinh thần Phật giáo của cả Đại Cồ Việt mà mỗi lúc cần xử đoán việc nước thì Tăng thống đều được vời vào cùng nghị sự. Nay Phật giáo đang thịnh, lại là quốc giáo, việc các đạo sĩ xuất hiện cùng lúc ở đây e rằng chưa thoả. Còn đang mải suy nghĩ thì Sạ huých nhẹ vào hông, tôi xoay người theo hướng thằng bé ra hiệu thì thấy một bóng người quen thuộc. Dù mưa phùn khiến tầm nhìn bị hạn chế song dáng người cao lớn, oai vệ dẫn đầu một đoàn Thân quân tựa như hoa lan trong đám cỏ. Chỉ cần nhìn lướt tôi ngay lập tức có thể nhận ra. Dường như phát giác có người nhìn, Lịch Vũ dừng lại, quay sang phía tôi. Tôi nhoẻn miệng cười, ra sức vẫy tay chào. Vốn dĩ muốn nói chàng cứ mặc kệ mình nhưng Lịch Vũ đã tiến lại gần, chàng vừa chào hỏi Sạ xong đám binh lính phía sau đã hô to, rõ ràng:
"Khai Phong Vương, Điện tiền Đô chỉ huy sứ phu nhân!"
Tôi ngượng chín mặt, húng hắng ho. Lịch Vũ xem như chuyện bình thường, chàng hỏi:
"Nàng đã khoẻ hơn chưa? Ta mới về, vẫn chưa xin được ý chỉ tới điện Tử Hoa thăm nàng."
Tôi xua tay:
"Việc nước quan trọng. Người xem, Đam đã có thể đi chơi rồi này."
Lịch Vũ gật đầu hài lòng, trỏ về phía hồ:
"Tối nay đèn hoa đăng sẽ được thả ở đây, pháo hoa sẽ được bắn từ phía đối diện điện Càn Nguyên lại, nàng không nên đi quá xa kẻo nguy hiểm."
Tôi cười tít mắt, vâng vâng dạ dạ. Lịch Vũ dặn dò đôi câu rồi rời đi. Sạ khoanh tay trước ngực, hết nhìn Lịch Vũ rồi nhìn tôi, muốn nói gì lại thôi.
_____
Chú thích:
(1) Thế gia: Nhà nhiều đời làm quan. Cũng chỉ dòng họ hiển quý.
(2) chân nhân: người tu đắc đạo.
(3) Nhâm Thìn, /Hưng Thống/ năm thứ 4 /992/, (Tống Thuần Hoá năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, vua ngự điện Càn Nguyên xem đèn.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!
Tiểu thuyết Lịch sử[ĐÃ XUẤT BẢN] 🌟 Thể loại: Cảm hứng lịch sử Việt Nam, Hài hước, Yếu tố Y học... 🌟 Giới thiệu truyện: Trăm tính vạn tính nàng cũng không tính được vì say rượu mà xuyên không, rơi vào Đại Cồ Việt 1000 năm về trước. Trong cái rủi có cái xui, giữa thời...