Câu nói của Sạ còn bỏ lửng nhưng tôi nghĩ mình hiểu thằng bé muốn nói gì. Sạ mượn chuyện xưa để nhắc việc Minh Đề xin chức tước bên Hoa Hạ. Tôi ngồi nhặt mấy mảnh vỡ vương vãi trên mặt đất, không ngẩng đầu mà chỉ hỏi vu vơ:
"Khai Phong Vương, vì sao con nhím lại xù lông?"
Sạ chớp mắt:
"Vì nó muốn tự vệ? Vì để kẻ thù không tấn công?"
Tôi gật đầu.
"Nếu ta đem một con nhím nhỏ thả giữa khu rừng lạ thì nó buộc phải làm theo bản năng để sinh tồn, ta đâu có thể trách con nhím vì ta là người đưa nó đi, phải trái trắng đen, đôi khi con nhím đấy không thể tự phân biệt được."
Sạ không nói thêm gì, mắt chăm chăm nhìn mũi hài của mình. Dù biết việc Minh Đề làm là sai quấy nhưng tôi thực lòng không ghét con người này. Thân là hoàng tử trẻ nhất lại mang trọng trách "sang chầu" nhà Tống, nói dễ nghe thì là như vậy còn nói khó nghe thì chẳng phải là đi làm con tin hay sao? Nhà Tống và Đại Cồ Việt yên ổn là một chuyện, nếu binh biến xảy ra người đầu tiên giơ đầu chịu báng chính là y. Chưa nói đến việc Minh Đề dù được vua Tống mở đường vẫn lựa chọn quay lại Đại Cồ Việt, xét cho cùng qua mấy việc đấy cũng không phải là người xấu xa lắm. Thêm nữa Sạ tuổi còn nhỏ, thảo luận những chuyện phức tạp tranh giành quyền lợi về mặt nào cũng không tốt cho thằng bé.
Thu dọn xong tôi xoay người, quay lại thì thấy Sạ đang đứng yên nhìn mình, hai mắt ươn ướt. Không biết trong mấy lời vừa nói có chỗ nào chưa thoả, tôi hốt hoảng lại gần:
"Điện hạ, người sao vậy?"
Sạ quệt ngang mũi vờ như chưa có gì:
"Vậy chị nói xem ta có phải cũng là một con nhím không?"
Câu hỏi đột ngột làm tôi chỉ biết trân trân nhìn thằng bé. Tôi ngồi xuống, giữ chặt hai vai Sạ:
"Khai Phong Vương làm sao có thể là con nhím được?" - Tôi chạm một lượt lên đôi má phính, lên chóp mũi đỏ, lên bàn tay bé xinh xinh - "Dù có là nhím người cũng là con nhím mềm mại nhất trần đời."
Sạ bĩu môi vì mấy lời xu nịnh của tôi nhưng khoé môi không giấu nổi nụ cười. Tôi giữ chặt tay Sạ:
"Trăm điều thiện chữ hiếu đứng đầu. Dù gì Hành Quân Vương cũng là bậc cha chú, người nên hiếu kính một chút vẫn hơn."
Vị Khai Minh Vương kia bỗng dưng thay đổi hoàn toàn nét mặt, nhếch môi:
"Vậy còn để xem sự hiếu kính của Minh Đề dành cho phụ hoàng đã. Mặc triều phục nhà Tống đến yến tiệc chẳng phải muốn khoe mẽ hay sao?"
Tôi nhìn theo bóng Minh Đề thì quả như lời Sạ nói. Dù từ đầu năm nay Long Đĩnh đã ban chỉ thay đổi triều phục, quan chế theo như nhà Tống nhưng để định rõ hai nước vẫn có nhiều điểm khác biệt. Văn võ bá quan được lệnh bắt đầu "làm quen" với triều phục từ thánh tiết năm trước, sang năm nay thì quy định rõ ràng, ai bất tuân đều phạt nặng. Nay Minh Đề lại cố tình mặc triều phục Tống triều đến thì ngoài việc muốn gây sự với Long Đĩnh ra còn gì khác nữa chứ?
"Chị còn không mau đi thay đồ?"
"Đam ạ?"
Sạ không nói tôi cũng không để ý phần "chè cá trê" kia đã vấy cả lên người mình.
"Thôi không sao ạ, bây giờ Đam xuống bếp nấu lại thuốc, chốc nữa người dùng xong Đam về ngay không cần thay gì cả."
Sạ thở dài:
"Vốn muốn dắt chị theo cùng đến yến tiệc."
Nghe đến việc đi chơi tôi liền thay đổi thái độ, hoan hỉ:
"Đam thay ngay, quần áo gì được ạ?"
Sạ chống tay lên cằm làm điệu suy nghĩ:
"Thiết yến sứ thần thì khó lòng mang chị theo mà không có thánh chỉ. Chỉ có ta là còn nhỏ, nếu nội quan hầu cận có lẽ không vấn đề!"
Tôi vỗ "đốp" một cái vào trán:
"Nhưng mượn đồ của nội quan cũng đâu phải dễ ạ?"
Kể từ sau khi Đỗ Thích mưu hại vua Đinh Tiên Hoàng(3), vua Lê Trung Tông bị trộm nửa đêm trèo tường vào giết chết (4) thì việc canh phòng trong cung vô cùng nghiêm ngặt, đấy là còn chưa kể đến quần áo người hầu được phát xuống đều kiểm kê chặt chẽ, tuyệt đối không được lơ là hay cho mượn. Tôi tiu nghỉu thở dài, Sạ cười gian manh:
"Nếu là ta mở lời thì cũng không khó đâu."
_______
Chú thích:
(1) sủng vật: vật cưng nuôi trong nhà, thú kiểng.
(2) Lý Tiến là người nước Nam, làm Thứ sử Giao Châu về đời Hán. Thứ sử lúc bấy giờ là người đứng đầu cả cõi Giao Chỉ. Lý Cầm làm chức Ty lệ hiệu uý. Hai người này xin với vua quan tàu cho nhân tài nước ta được tuyển cử ngang với nhân tài nước Tàu. Lý Ông Trọng và Khương Công Phụ tuy cũng làm chức quan lớn, là người nước Nam nhưng chỉ biết lo cho nước người, không ích gì cho nước mình.
(3) Đỗ Thích là nội quan thời Đinh Tiên Hoàng. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: "Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào miệng, Thích cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua. Đến đây, nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn."
(4) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:
"Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Sách Dã sử chép rằng: Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông."
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!
Tiểu thuyết Lịch sử[ĐÃ XUẤT BẢN] 🌟 Thể loại: Cảm hứng lịch sử Việt Nam, Hài hước, Yếu tố Y học... 🌟 Giới thiệu truyện: Trăm tính vạn tính nàng cũng không tính được vì say rượu mà xuyên không, rơi vào Đại Cồ Việt 1000 năm về trước. Trong cái rủi có cái xui, giữa thời...