Về đến nhà tôi tắm một cái rồi lăn ra ngủ thiếp đi mãi đến giữa chiều mới mơ hồ tỉnh dậy, tranh thủ qua thư trai lau dọn phòng, xếp gọn gàng giấy bút nghiên mực cho Lịch Vũ.
Ở trong phủ đã lâu nhưng tôi ít khi giáp mặt mọi người, một phần vì sáng đi tối muộn mới về, một phần vì công việc của tôi cũng chỉ quanh quẩn từ phòng tôi qua thư phòng và ngược lại. Phủ Đô Chỉ Huy Sứ đầy tớ gái cũng chỉ có vài người lo chuyện chợ búa y phục tuổi tầm tứ tuần trở lên, về căn bản ban ngày ban mặt nhưng cũng yên tĩnh như ở đình chùa. Lịch Vũ không ưa tiếng ồn ấy vậy mà hồi ở doanh trại tôi "hai ngày một trận nhẹ, ba ngày một trận nặng" gây đủ thứ huyên náo phiền hà, kinh động khắp từ doanh trại sang đến Phù Lan, Cùng Giang. Vẫn còn được ở trong phủ Đô chỉ huy sứ phục vụ thì ân đức của Lịch Vũ với tôi mà nói lớn hơn trời bể.
***
Từ sau trận chiến ở Cùng Giang thì tất thảy binh lính hành quân về Hoa Lư, chủ yếu ở sống vòng ngoài bảo vệ kinh thành. Những người bị thương cũng được tuỳ mức độ đều được tập kết và điều trị tại đây. Tôi và các học trò khác của Trần Uy được phân chia theo ca chăm sóc thương bệnh binh trong trại, luân phiên mỗi hai ngày một lần.
"Anh ta thế nào rồi?" - Tường hỏi.
Tôi vừa gỡ lớp thuốc băng bó khỏi người binh lính nọ vừa giơ ra cho Tường xem.
"Vết thương kín miệng, bây giờ có thể dùng bột tứ sinh cơ(1) được rồi."
Tường gật đầu hài lòng, liếc thẻ tre ghi tên của thương binh rồi tiếp tục đi kiểm tra các binh lính khác.
"Thật có phúc quá!." - Thương binh nọ hớn hở bắt chuyện với tôi ngay khi Tường vừa rời đi.
"Đúng rồi, phải có phúc lắm vết thương mới mau lành như vậy." - Tôi cười.
"Không." - Thương binh lắc đầu quầy quậy - "Ý tôi là phải có phúc lắm mới được anh Đam chữa bệnh cho."
Được người khác khen tôi thích chí nhưng vẫn ghi nhớ mình phải khiêm tốn:
"Không không! Tôi chỉ là học trò, còn đang kém cỏi lắm."
Thương binh kia bẽn lẽn gãi đầu cười:
"Cả trại này ai cũng thích anh hết. Họ bảo không có quân y nào thay băng nhẹ nhàng như anh."
Vừa được khen xong thì con quỷ xấu xa trong tôi lại trỗi dậy, cứ nhìn cuộc đời người khác yên bình là tôi không chịu được. Tôi nhếch môi cười với thương binh bằng vẻ mặt vô cùng tà ác:
"Hay là tôi thử mạnh tay hơn nhé?"
"Ấy chết ấy chết. Đừng! Anh đừng làm vậy." - Thương binh cười hề hề.
Thấy bên này có vẻ xôm tụ, người gãy chân đang nằm giường bên cạnh gọi với sang:
"Anh Đam ới! Nếu anh không sợ thì về làm em vợ của tôi."
Tôi cười ha hả:
"Thân tôi là phận nhà nghèo. Anh có mời trèo thì tôi cũng chẳng dám leo."
Đám binh lính cười rộ lên. Tôi ở doanh trại suốt mấy tháng liền cũng nắm được sơ bộ một chút. Binh lính phần đa là người ít học cộc cằn, hiếm hoi lắm mới có vài ba người biết viết chữ ngâm thơ. Vừa vặn thế nào tôi lại mù chữ, ghép vào sống cùng với họ lại thành ra hợp tính nhau. Nhưng thường dốt thì hay bày đặt nói chữ. Những ngày trị thương tôi hay tranh thủ thể hiện tình độ "thơ phú" của mình, đương nhiên kỹ nghệ nói lái thần sầu cũng được tranh thủ giới thiệu đến bạn bè gần xa. Xét về câu cú quy luật thì sai bét nhưng dù gì cũng toàn lính tráng, trình độ văn hoá tương đương nhau nên chỉ lấy câu chữ làm vui, chẳng hề nề hà.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!
Historical Fiction[ĐÃ XUẤT BẢN] 🌟 Thể loại: Cảm hứng lịch sử Việt Nam, Hài hước, Yếu tố Y học... 🌟 Giới thiệu truyện: Trăm tính vạn tính nàng cũng không tính được vì say rượu mà xuyên không, rơi vào Đại Cồ Việt 1000 năm về trước. Trong cái rủi có cái xui, giữa thời...