Chương 22: Theo chàng về dinh

2.8K 123 0
                                    


Độ ngày Lập hạ đầu tiên, chúng tôi về đến Hoa Lư.

Bình minh mới chớm, nắng sớm thảnh thơi lướt trên dòng Đại Hoàng(1) trong vắt. Những chiếc lá sen lá súng vào mùa mướt xanh, càng kiều diễm hơn khi được điểm tô bởi những bông hoa vừa hé nụ hồng. Hoa Lư núi tiếp núi trầm mình trong sương mai, dần già hiện rõ khi thuyền của quan quân tiến lại gần.

Bến thuyền tấp nập người vào ra, binh lính rầm rập sắp hàng ngay ngắn. Nhìn đâu cũng thấy những khuôn mặt sáng rực, ánh mắt nụ cười của những người chiến thắng trở về. Tôi cúi thấp, một tay giữ thuyền một tay làm điểm tựa cho Long Đĩnh bước lên bờ. Y mặc giáp sắt, hông đeo kiếm, cưỡi ngựa đi đầu. Kế sau Long Đĩnh là Lịch Vũ rồi lần lượt các vị khác trong quân doanh.

Chúng tôi vào thành bằng đường bộ. Cánh cửa lớn mở ra, Long Đĩnh cưỡi ngựa dẫn đầu toàn quân. Khi chúa thượng thong dong tiến vào cũng là lúc tiếng trống dồn vang lên. Khắp nơi nơi nhìn đâu cũng là ngói nhà san sát, cờ treo rợp trời. Cứ cách một đoạn lại có trai tráng vạm vỡ vừa đánh trống đồng vừa hô vang "Vạn tuế". Dân chúng trong thành quỳ phục trên mặt đất, nhất mực hô vang theo. Trong cả cuộc đời trước của mình tôi chưa từng nghe thấy âm vang trống đồng càng không tưởng tượng được hào khí khi khải hoàn trở về lại oai hùng đến thế. Tôi đi bên ngựa của Long Đĩnh mà cũng thấy thơm lây, hai cánh mũi phập phồng vô cùng tự đắc. Phía sau lưng tôi hàng dài thật dài binh lính ai nấy đều hồ hởi rạng rỡ. Có những người đoán chừng là mẹ, là vợ của họ chờ sẵn bên đường vừa khóc vừa cười, mừng mừng tủi tủi.

Kinh thành Hoa Lư gồm hai vòng thành nối nhau, phía bên trong có một vùng núi kề sát. Qua hết vòng thành phía ngoài chúng tôi tiến vào cấm thành Hoa Lư, thẳng tới núi Đại Vân(2). Điện Bách Bảo Thiên Tuế ngự trên núi này là nơi vua coi chầu. Vốn dĩ quần thần tụ họp sau khi vua thắng trận trở về sẽ không có chỗ cho một kẻ thấp hèn như tôi nhưng thật may Bạch Vỹ hết hôm nay mới có thể quay lại làm việc nên trước mắt tôi vẫn túc trực hầu cận chúa thượng. Nói "thật may" là bởi vì nếu không được tận mắt nhìn thấy điện Bách Bảo Thiên Tuế thì sẽ là tổn thất lớn nhất của tôi trong lần xuyên không này!

So về diện tích thì có lẽ Tử Cấm Thành Trung Quốc bề thế hơn vạn lần nhưng chắc chắn cả Tử Cấm Thành không tìm đâu được một Bách Bảo Thiên Tuế thứ hai. Điện dựng cột nhà thếp vàng ròng, lợp ngói mũi lá bạc. Khi nắng hạ dừng trên lớp ngói ấy khiến điện Bách Bảo Thiên Tuế như toả ra vầng hào quang rực rỡ, vô cùng xa hoa. Toàn bộ ngói ống đều được trạm hình hoa sen tám cánh hoặc mặt trời, tổ vật uyên ương xen lẫn những hình rồng khổng lồ. Tôi đến đi đứng cũng chỉ dám bước thật nhẹ, sợ bản thân làm xước mất lớp lớp gạch hình phượng chầu nhật nguyệt dưới chân.

Từ điện Bách Bảo Thiên Tuế nhìn ra là ngút ngàn mây trắng núi xanh. Bên đông là điện Phong Lưu, bên tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc. Xa xa là lầu Đại Vân để thưởng mây ngắm trăng. Điện Trường Xuân là nơi chúa thượng nghỉ ngơi. Cạnh điện Trường Xuân dựng điện Long Lộc lợp bằng ngói bạc(3). Trong phút chốc tôi thấy mình không còn ở thực tại nữa, rõ ràng là chốn bồng lai tiên cảnh: có sông có núi, có mây vờn sương lạnh, có điện nguy nga dát vàng lợp bạc. Tôi thậm chí còn phải dụi mắt vài lần mới dám tin vào những gì mình đang thấy.

Lê Đại Hành quả là một vị vua biết hưởng thụ, trị vì Đại Cồ Việt 24 năm, quá nửa thời gian chinh chiến nhưng cũng kịp xây cho mình cung điện nguy nga tráng lệ giữa chốn non nước hùng vĩ như thế này, quả thực hiếm có.

***

Sau buổi chầu tôi theo Giáo thụ đến điện Trường Xuân chẩn mạch bình an cho Long Đĩnh, xong việc thì tôi có thể về, không cần phải ở lại trong cung. Đúng ra thì Trần Uy là người đứng đầu Thái y ty, chỉ chuyên trách dạy dỗ học trò, những việc trực tiếp chữa trị cho chúa thượng thuộc về các Thái y khác. Chuyện chỉ có vậy thì có lẽ đã đơn giản. Kể từ sau biến cố tại phủ Khai Minh Vương thì chẳng còn mấy Thái y giữ được mạng, người Long Đĩnh tin dùng lại càng ít ỏi. Vậy nên việc này hai thầy trò tôi mới phải gánh vác.

Long Đĩnh tuổi còn đang trai tráng nên mắc ma chẩn không đáng lo. Đáng lo là cùng lúc vừa mắc ma chẩn, bị thương hai lần lẫn rơi xuống nước ở Cùng Giang. Nếu muốn mau trở lại khang kiện như cũ cần tập trung tĩnh dưỡng, điều chỉnh thật tốt.

Chẩn mạch xong rời điện Trường Xuân theo Giáo thụ đi mấy vòng mới ra đến sân rồng. Lịch Vũ đã đứng đợi khi nào. Nhìn thấy chủ nhân tôi hồ hởi chạy đến bên cạnh, Lịch Vũ cười:

"Về nhà thôi!"

Tôi "Dạ" một tiếng thật to rồi tung tăng nhảy chân sáo phía sau Lịch Vũ. Cuối cùng thì tôi đã có thể được thực sự nghỉ ngơi sau bao nhiêu ngày tháng bôn ba bán mạng nơi chiến trường.

Phủ Đô chỉ huy sứ nằm ngay ở vòng thành bên ngoài, cách hoàng cung chẳng bao xa. Xét về độ bề thế thì theo tôi thấy cũng phải lớn nhất nhì kinh thành Hoa Lư. Lịch Vũ chỉ là quan tam phẩm thôi mà cũng được ở nhà to thế này ư? Mà cũng chẳng quan trọng gì, đằng nào tôi cũng được hưởng ké. Tôi cười hề hề xem hai con linh thú để trước cổng nhà, vừa thích thú xoa đầu vừa chờ người mở cửa. Đột nhiên trong một giây tôi mới nhận thức được một việc quan trọng, à không, phải là cực kỳ quan trọng mà mình đã quên béng mất từ bao giờ.

Lịch Vũ đã có vợ chưa?

Trời đất ơi!

Đam ơi là Đam!

Lịch Vũ dù còn trẻ nhưng ở thời cổ đại người ta đã kết hôn từ năm mười lăm, mười sáu tuổi. Với tuổi tác như hiện tại của y thì có lẽ trong nhà có dăm thê bảy thiếp, con cái tay bồng tay bế rồi cũng nên. Nếu bây giờ tôi theo Lịch Vũ về phủ thì liệu có bị đánh ghen hay không nhỉ?

Dù cái tâm tôi trong sạch nhưng nhìn mà xem, ai chịu cho nổi việc chồng mình chinh chiến rồi lại từ đâu đem về một "ả" thư đồng? Đó là còn chưa kể đến việc trong lòng tôi tự thấy vô cùng lấn cấn, làm việc xấu sẽ bị quạ bắt diều hâu tha. Tôi run run, nhắm mắt cầu nguyện rồi nối gót Lịch Vũ, bước vào phủ Đô chỉ huy sứ.

________

Chú thích:

(1) Đại Hoàng: nay là sông Hoàng Long chảy qua địa phận hai tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình.

(2) núi Đại Vân: ở thành Hoa Lư (tỉnh Hà Nam Ninh cũ).

(3) "Giáp Thân, Thiên Phúc năm thứ 5 (984),

Làm nhiều cung điện nhà cửa: dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, cột dát vàng bạc, làm nơi coi chầu; phía đông là điện Phong Lưu, phía tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc. Tiếp đó là lầu Đại Vân, dựng tiếp điện Trường Xuân làm nơi vua nghỉ. Bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Bộc, mái ngói lợp bạc." (Đại Việt sử ký toàn thư)

[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ