Tường đưa cho người bệnh Hồ tuyên nhị liên thang, dặn nghiền thật nhỏ hoà với nước gừng, nhỏ vào khoé mắt, làm cho thông nước mắt ứ đọng. Sau đấy dùng các thứ lá đào đắng, lá trắc bá, lá cúc, lá liễu sắc làm nước thang mà xông rửa. Biết tôi đang chờ, người bệnh vừa đi Tường liền quay lại nghị sự. Chúng tôi bàn bạc qua rồi quyết định thông báo tình hình với quan quân triều đình để ứng phó kịp thời, phòng trường hợp bệnh lan rộng ra hơn nữa. Người chịu trách nghiệm cho việc này dĩ nhiên không ai khác ngoài Lịch Vũ.
Tôi và Tường vừa mới trao đổi xong thì có một người đàn ông hom hem chen hàng lên trước, đôi tay khẳng khiu như que củi bế một đứa bé cuộn trong chiếc chăn rách như tổ đỉa. Tôi ban đầu cảm thấy hơi khó chịu vì hành động chen hàng kia nhưng nhìn người đàn ông lấm lem, hai mắt ươn ướt mếu máo:
"Xin... thầy... Thầy hãy cứu con con với."
Tôi hơi khựng lại, bất tri bất giác tự trách mình quá nhỏ mọn. Trong lớp chăn xám ngoét rách tả tơi, một đứa trẻ chừng hơn một tuổi ho dữ dội, thở to. Tôi sờ tay lên trán, trán nóng hừng hực. Đứa bé thở khò khè mãi không thôi, nước mũi vàng đặc như nghẹn lại. Tôi khẽ bóp nhẹ miệng kiểm tra, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù hoạt.
"Con anh như thế này bao lâu rồi?" - Tôi hỏi.
"Dạ bẩm thầy đã suốt sáu, bảy bữa ni(2)."
Tôi khẽ chau mày, tình hình không ổn, là nhiễm khuẩn hô hấp cấp!
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là một trong ba nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em, nhất là với những trẻ dưới 5 tuổi. Dựa vào đặc điểm lâm sàng và vị trí thương tổn sẽ chia làm các loại khác nhau. Với Y học cổ truyền, bệnh thuộc phạm vi chứng thái thấu, đàm ẩm. Bệnh thường phát vào mùa đông xuân nên thuộc phạm vi phong ôn. Nay là mùa xuân, vừa đúng vào lúc bệnh phát nhiều nhất.
Trong cái rủi có cái may, đứa trẻ này tuy mắc bệnh nhưng chưa đến nỗi co rút lồng ngực, nhập tâm bào sinh hôn mê, co giật. Ấy vậy nhưng bệnh tình cũng không phải khả quan lắm. Thấy đứa trẻ lả đi không còn tỉnh táo, tôi chua xót hỏi:
"Mẹ cháu bé đâu rồi?"
Người đàn ông sụt sùi khóc không thành tiếng:
"Quân Man đuổi sát quá, nhà con đói nỏ(3) chạy kịp đã bị bọn hắn chém chết rồi."
Trong giây lát cả bệnh xá tĩnh lặng như tờ. Tôi nín thinh, mấy bệnh nhân phía sau cũng cúi đầu thật thấp. Người đàn ông mắt đỏ hoe, môi mím chặt đôi bàn tay gầy gò run run.
Tôi thảo thang Tang cúc ẩm, lại thêm hai vị Xạ căn, Xích thược để thanh nhiệt thông họng. Đến đây tôi nắn nót viết ra ngoài thêm một tờ giấy nữa, đưa cho anh ta rồi nói nhỏ:
"Anh đi đến chỗ đang phát lương thực kia tìm người tên La Đạc đưa mẩu giấy này, nói với anh ta rằng Đam bớt phần cơm, đổi thành cháo loãng anh mang về cho cháu bé."
Người đàn ông rơm rớm nước mắt lắc đầu quầy quậy:
"Thầy thương con, con nỏ nhận như ri(4) được. Thầy còn phải ăn mới có sức cứu người."
Tôi vỗ nhẹ vào tay anh ta an ủi:
"Tôi ăn ít lắm, anh lấy thêm cho cháu, tôi biết tự lượng sức mình."
Đến đấy tôi ấn tờ giấy vào tay anh ta rồi đẩy đi, không muốn nghe mấy lời ân nghĩa thêm nữa.
Càng về muộn càng đông bệnh nhân, trẻ con và người già là đông nhất. Bệnh thì đủ loại, từ bệnh ngũ quan đến các bệnh ho gà, thuỷ đậu, quai bị, bệnh về da như tổ đỉa, vẩy nến, mày đay lại càng nhiều. Mãi đến nhập nhoạng tối tôi và Tường mới nghỉ tay ra ngoài lót dạ.
Tôi bưng bát gỗ, uể oải xếp trong hàng dài dễ đến mấy chục người đợi đến lượt mình. Tường đứng liền phía sau, trông chỉ kém sắc hơn một chút chứ không thể nào bết bát như tôi được. Chờ đến khi hai đầu gối sắp rụng rời hẳn ra thì cuối cùng tôi cũng lết đến nơi.
Thấy vẻ mặt thất thần của tôi, La Đạc cười nhếch môi, đổ cho tôi nửa muôi cháo loãng.
"Có thế này thôi à?" - Tôi tròn mắt.
Đạc lấy cái que tre trên tay, gạt tôi sang một bên để Tường đứng lên phía trước. Tận mắt tôi trông thấy thứ bạn mặt chồn tâm hồn loài vật đấy đổ cho Tường tận ba muôi cháo. Tôi gào lên:
"La Đạc, anh muốn chết đấy phỏng? Ăn thế này làm sao tôi no được?"
Đạc nhún vai:
"Lần sau muốn làm việc tốt cứu người thì nhớ đến cả cái bụng mình nữa."
Tôi tức đến bốc khói nhưng không làm gì được vì quả là chính tôi tự chuốc lấy, riêng Đạc vẫn nhăn nhăn nhở nhở đắc ý. Tường không nói gì, lẳng lặng đổ cho tôi phần cháo của y. Tôi tức quá mà. Cứu vật vật trả ơn, cứu người người trả cho tôi quả đắng như thế này. Tôi còn chưa kịp ghi hận trong lòng thì không rõ từ đâu người trong mộng của y lao đến, bổ nhào lấy tôi:
"Đam, ngươi phải theo ta, mau lên!"
"Ơ cái gì đấy? Sao ngươi lại ở đây?" - Tôi ngơ ngơ ngác ngác nhìn Bạch Vỹ.
"Còn không mau lên, chúa thượng không xong rồi!"
Khoan đã, cái gì cơ? Long Đĩnh đang ở Hoan Châu sao?
______
Chú thích:
(1) Nhâm Ngọ, Thiên Phúc năm thứ 3 (982): Vua Lê Đại Hành chém Bê Mi Thuê (vua Chiêm).
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:
"Chiêm Thành thua to. Bắt sống được quân sĩ của chúng nhiều vô kể cùng là kỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn, san phẳng thành trì, phá huỷ tông miếu, vừa một năm thì về kinh sư.
Năm ấy đói to."
(2) bữa ni (từ địa phương): Hôm nay, ngày nay.
(3) nỏ (từ địa phương): không.
(4) như ri (từ dịa phương): như thế này
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cảm hứng lịch sử] LÚC BIẾT XUYÊN KHÔNG THÌ ĐÃ MUỘN!
Historical Fiction[ĐÃ XUẤT BẢN] 🌟 Thể loại: Cảm hứng lịch sử Việt Nam, Hài hước, Yếu tố Y học... 🌟 Giới thiệu truyện: Trăm tính vạn tính nàng cũng không tính được vì say rượu mà xuyên không, rơi vào Đại Cồ Việt 1000 năm về trước. Trong cái rủi có cái xui, giữa thời...